Ngày 6/2, tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trận động đất với cường độ mạnh nhất trong vòng gần một thế kỷ qua, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Tính đến nay, số người chết đã lên đến hơn 20.000 người; hàng chục nghìn người bị thương; hàng chục nghìn căn nhà bị phá hủy, ước tính 13,5 triệu người tại khu vực bị ảnh hưởng.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ ứng cứu, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử lực lượng, phương tiện, vật chất đến các quốc gia trên để ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.
Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng, "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế", từ truyền thống đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng QĐND Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiều 10/2, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng giao Cục Cứu hộ - cứu nạn chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành lập lực lượng tham gia tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 quân nhân thuộc đội quân y (Tổng cục Hậu cần); đội Cứu sập (Binh chủng Công binh); đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) cùng bộ phận chỉ huy, cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình, Cục Đối ngoại, các phóng viên, biên tập viên.
Bộ Quốc phòng giao Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đảm nhiệm chức vụ tổng chỉ huy các lực lượng QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng giao Tổng cục Hậu cần chuẩn bị 10 tấn lương khô giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau khi xảy ra động đất, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có các hình thức chia buồn với Chính phủ và người dân hai nước. Về công tác viện trợ, trong họp báo chiều 9/2, Phó Phát ngôn Bộ ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria rất tốt đẹp, "chắc chắn, việc hỗ trợ cứu trợ thảm họa cũng được phía Việt Nam suy nghĩ tích cực".
Hôm qua, đoàn công tác Bộ Công an gồm 24 cán bộ chiến sĩ đã khởi hành bằng máy bay từ TP Istanbul đến TP Kahramanmaraş (Thổ Nhĩ Kỳ) để bắt đầu công tác tìm kiếm nạn nhân trong vụ động đất. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an tổ chức một đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ tới làm nhiệm vụ quốc tế tại khu vực xảy ra thảm họa cách xa lãnh thổ Việt Nam.