Để đưa ngành lúa gạo Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh, sản xuất lúa gạo có giá trị cao, và mang lại nhiều hơn cho nông dân, ngay lúc này Việt Nam cần có những chính sách cởi trói đột phá như “Khoán 10” dành cho các doanh nghiệp.

LTS: Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng, đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô của ngành lúa gạo Việt Nam thay vì được hồ hởi chào đón như trước đây, giờ lại trở thành mối lo lắng của xã hội. Sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân, kèm theo đó là nguy cơ đất trồng bị thoái hoá và ô nhiễm môi trường tăng cao.

Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng, và đặc biệt đang tập trung rất nhanh và thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Tuần Việt Nam tổ chức loạt bài với các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp để cùng tìm ra lời giải.

Bài 1: Cần thêm một “khoán 10” trong nông nghiệp

Để đưa ngành lúa gạo Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh, sản xuất lúa gạo có giá trị cao, và mang lại nhiều hơn cho nông dân, ngay lúc này Việt Nam cần có những chính sách cởi trói đột phá như “Khoán 10” dành cho các doanh nghiệp.

Năm sau (2016), Việt Nam đánh dấu chặng đường 30 năm thực hiện Đổi mới. Chính sách kinh tế đột phá này, vốn giúp Việt Nam hoàn toàn lột xác về cả kinh tế và xã hội, khởi nguồn từ những cải cách từ trong nông nghiệp với chính sách Khoán 100 sau đó là Khoán 10, “cởi trói” cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Sau một hành trình dài, ngành lúa gạo đã có những bước phát triển “thần kỳ”, từ một nước phải nhập khẩu gạo trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng ta không còn phải lo lắng về an ninh lương thực nữa, mà tập trung sản xuất lúa gạo như một mặt hàng trọng điểm để xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là thành tích đó chưa mang lại nhiều giá trị thặng dư cho ngành, và đặc biệt là chưa tạo ra được nhiều thay đổi tích cực trong thu nhập cho người nông dân. Nông dân Việt Nam là nhóm có thu nhập bình quân GDP thấp nhất cả nước, và nếu tính trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn nông dân ở Campuchia [1].

Trong nhiều nguyên do cho tình trạng đó, đáng chú ý là việc Việt Nam trong suốt 30 qua vẫn chỉ tập trung vào chiến lược gia tăng sản lượng lúa gạo, thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra một mặt hàng có thương hiệu và giá trị gia tăng cao hơn.

Các chính sách hiện tại vẫn hướng Việt Nam tiếp tục đi trên con đường đến với “đỉnh vinh quang” trước đây, đó là gia tăng sản lượng và khuyến khích xuất khẩu. Điều này sẽ tiếp tục khiến chúng ta sẽ rơi vào tình trạng sản xuất gạo dư thừa, chất lường gạo thấp, gây nên nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và đời sống của người nông dân.Nhiều có phải là tốt?

Thực tế, tư tưởng gia tăng sản lượng vẫn còn ngự trị. Theo GS. Võ Tòng Xuân [2], Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, người nông dân Việt Nam “dưới sự cổ vũ của nhà nước, chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon”.

Tăng sản lượng còn thể hiện ở mật độ gieo trồng sản xuất lúa gạo ngày càng gia tăng. Nếu tại thời điểm 1990, mật độ gieo trồng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long là 1,6 vụ/năm thì tính đến 2010, con số này đã lên tới 2,1 vụ/năm. Đáng chú ý, quá trình này sẽ khiến đất bị thoái hóa,  người nông dân sẽ sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng hạt gạo vì thế cũng kém đi theo thời gian.

Tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam đến các quốc gia, 2010-2013 (% giá trị xuất khẩu)

{keywords}
Nguồn : UN Comtrade (2015)

Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới thấp, và hệ quả xuất khẩu phải phụ thuộc vào một số quốc gia trong khu vực, tạo ra nhiều bấp bênh.

Theo số liệu thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade), nếu như năm 2010, Việt Nam chủ yếu xuất gạo sang Phillipines (khoảng 29% tổng giá trị xuất khẩu) thì đến năm 2012 -2013, Việt Nam đã phải chuyển sang xuất khẩu phần lớn cho Trung Quốc (24,53% và 30,88% tổng giá trị xuất khẩu của các năm tương ứng), mặc dù trước đó năm 2010, xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm 1,71% tổng giá trị xuất khẩu.

Với việc đồng Nhân dân tệ liên tục bị mất giá, rủi ro cho lúa gạo Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên khi chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường này. 

{keywords}
Đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường gạo thế giới ngày càng cạnh tranh

Thêm vào đó, nếu nhìn ra thị trường gạo thế giới, có thể thấy, phân đoạn gạo cấp thấp đang có xu hướng cung vượt cầu. Theo dự báo của FAO (năm 2006), sản xuất gạo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ việc gia tăng diện tích trồng lúa, số vụ trồng lúa, và cải thiện năng suất trồng trọt. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gạo trên toàn cầu tiếp tục tăng đến năm 2030; sau đó sẽ chuyển sang xu hướng giảm.

Các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia và Phillipines đã có chiến lược tự cung lúa gạo. Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2011, với 3,1 triệu tấn; tuy nhiên, nước này đã giảm nhập khẩu rất mạnh năm 2013 với 650 nghìn tấn.

Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar đang có mức tăng trưởng mạnh về xuất khẩu gạo. Ấn Độ là nước có sự bứt phá mạnh mẽ nhất trong xuất khẩu gạo, với sản lượng xuất khẩu tăng gần 2 lần từ mức 4.637 nghìn tấn trong niên vụ 2010/11 lên 10.901 tấn trong niên vụ 2013/14 và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Campuchia thì đã tăng sản lượng xuất khẩu từ mức 750.000 tấn trong niên vụ 2009/10 lên mức 1 triệu tấn trong niên vụ 2013/14, ở các thị trường của châu Âu, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Myanmar cũng tăng gần gấp đôi sản lượng xuất khẩu từ 700.000 tấn lên 1,3 triệu tấn trong giai đoạn này.

Trong bối cảnh thị trường đang gia tăng cạnh tranh như vậy, nếu tiếp tục gia tăng sản lượng gạo và không chú trọng tới chất lượng gạo, toàn bộ chuỗi giá trị gạo của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại năng nề, trong đó, chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn sẽ là người nông dân.

Lý do là vì theo xu hướng này, trong tương lai, vị thế của các quốc gia trên thị trường xuất khẩu gạo phải phụ thuộc vào khả năng các nước xuất khẩu có thể cung ứng các loại gạo chất lượng cao và đặc thù cho các nhóm khách hàng khác nhau. Sản lượng không còn là vấn đề, mà là chất lượng và trị giá xuất khẩu.

Các nước xuất khẩu gạo trên thế giới không phải không biết điều đó. Thái Lan, Ấn Độ, hay cả những nước xuất khẩu gạo mới nổi như Campuchia đều có những “vũ khí” là những thương hiệu gạo của riêng mình. Tại Hội chợ Thương mại Lương thực diễn ra vào tháng 5/2013 ở Bangkok [3], riêng Thái Lan đã có hơn chục thương hiệu gạo, Campuchia cũng có 8 thương hiệu. Việt Nam, dù được tiếng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá.

(Còn tiếp)

Nguyễn Quang Thái  – Nguyễn Khắc Giang

(Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR) 

----------

[1] Tuổi trẻ, Thu nhập nông dân cực thấp, tụt hậu không còn là nguy cơ.

[2], [4] Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Tia Sáng, 21/07/2015.

[3] Tìm tên cho Hạt gạo Việt Nam, Doanh nhân Sài Gòn, 18/12/2013.