Việt Nam đang ở năm thứ 5 triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong 4 năm qua, năm đầu tiên là khởi động chuyển đổi số, năm thứ hai là tổng diễn tập chuyển đổi số thời Covid-19, năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia và năm thứ tư tập trung phát triển dữ liệu số.

Để độc giả có thêm góc nhìn về hành trình chuyển đổi số của Việt Nam, VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Guy Diedrich - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc đổi mới sáng tạo toàn cầu của Cisco và ông Jason Kalai, quyền Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Campuchia và Lào.

W-chuyen doi so Viet Nam 0 1.jpg
Tiến sĩ Guy Diedrich - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc đổi mới sáng tạo toàn cầu của Cisco (bên trái) và ông Jason Kalai, quyền Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Campuchia và Lào. Ảnh: Thế Vinh

Theo đánh giá của hai ông, Việt Nam đã làm được những gì sau hơn 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia?

Ông Jason Kalai: Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trên cả 3 trụ cột của hành trình chuyển đổi số - chính phủ số, kinh tế số cũng như xã hội số. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho sự thành công của các kế hoạch chuyển đổi số của đất nước. 

Có thể thấy rằng, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tận dụng dữ liệu kỹ thuật số và kết nối thông minh. Những năm gần đây, chúng ta cũng đã chứng kiến vai trò ngày càng lớn của công nghệ đối với đời sống người dân Việt Nam. 

Có ý kiến cho rằng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là một trong những việc đã được Việt Nam làm tốt thời gian qua. Xin các ông chia sẻ quan điểm về đánh giá này?

Tiến sĩ Guy Diedrich: Tôi cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhận thức tốt về chuyển đổi số trong đời sống thường ngày, từ các cấp chính quyền cho đến đông đảo người dân, một lợi thế rất lớn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia. 

Chuyển đổi số đã và đang được chính quyền chú trọng quan tâm với nhiều quyết định, chính sách liên quan, tiêu biểu như “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành vào năm 2020; hay “Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được ký đầu năm 2024. 

Về phía các doanh nghiệp, Việt Nam có các lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu tư duy tân tiến, sẵn sàng hành động trong chuyển đổi số và một lực lượng lao động trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh những kết quả bước đầu, những thách thức Việt Nam phải đối mặt để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành quốc gia số là gì?

Tiến sĩ Guy Diedrich: Việt Nam đang đối diện với những gì mà mọi quốc gia khác trên thế giới đã gặp phải, đó chính là khoảng cách về năng lực. Có quá nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng, và Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực của lực lượng lao động để có thể thực hiện được những công việc đó. 

nen-tang-so-thuong-mai-dien-tu-1.jpg
Chuyên gia Cisco khuyến nghị Việt Nam cần phải có những người hiểu rõ cách sử dụng công nghệ, duy trì, quản lý và hưởng lợi từ nó. Ảnh minh họa: Q.Bảo

Lời khuyên tôi đưa ra cho các nhà lãnh đạo thế giới mà chúng tôi làm việc cùng tại 50 quốc gia, đó là đừng chỉ đầu tư vào công nghệ. Bởi lẽ, nếu chỉ đầu tư vào công nghệ mà không đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động, Việt Nam sẽ mất rất nhiều cơ hội. 

Việt Nam cần phải có những người hiểu rõ cách sử dụng công nghệ, duy trì, quản lý và hưởng lợi từ nó. Nếu người dân không có kỹ năng, họ sẽ không thể làm được điều đó. Nâng cao năng lực và kỹ năng cũng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những thế hệ kế cận, từ đó mở ra một tương lai đáng mong đợi với một sự đóng góp đáng kể vào việc tăng trưởng GDP.

Tôi muốn một lần nữa nhấn mạng rằng, lấp đầy khoảng cách năng lực là một trong những nhiệm vụ trụ cột khi một quốc gia muốn thực hiện chuyển đổi số. 

Cisco vừa công bố chương trình tăng tốc chuyển đổi số quốc gia – CDA tại Việt Nam. Vậy những việc cụ thể nào sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, thưa hai ông?

Tiến sĩ Guy Diedrich: Triển khai CDA tại Việt Nam là cách chúng tôi thể hiện tầm nhìn và sự cam kết hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số. Đảm bảo phù hợp với "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" của Chính phủ Việt Nam, CDA tại Việt Nam được định hướng xây dựng để đạt mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ của đất nước, thông qua các sáng kiến quan trọng, tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Chuyển đổi số trong hạ tầng quốc gia, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số trong khu vực công.

Với chuyển đổi số trong hạ tầng quốc gia, chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cùng phát triển 5G, đồng thời trang bị cho các công ty này những kỹ năng cần thiết và các bài học thực tiễn tốt nhất về phát triển và đổi mới mạng lưới. Mạng 5G là một cơ sở hạ tầng quan trọng trong chương trình chuyển đổi số của Việt Nam, và sự phát triển của nó sẽ tăng cường việc truyền dữ liệu, thúc đẩy năng suất kinh doanh và cải thiện kết nối cộng đồng.

Về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung trang bị cho ngành dịch vụ tài chính và ngành sản xuất với công nghệ hàng đầu, đồng thời đầu tư vào việc đồng phát triển các giải pháp số tiên tiến để thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn ngành. Điều này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ tài chính và sản xuất của Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Còn với chuyển đổi số trong khu vực công, chúng tôi sẽ hợp tác với các đơn vị công để nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia cho Việt Nam. Các sáng kiến trong trụ cột này sẽ hỗ trợ việc thiết lập chính phủ số, cải thiện quản lý đô thị và thúc đẩy cộng đồng phát triển một cách toàn diện hơn.

Ông Jason Kalai: Nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển theo hướng tích cực những năm gần đây, với các tương tác số và mô hình ưu tiên đám mây nhanh chóng trở thành chuẩn mực cho các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Điều đó cùng với kế hoạch chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ khiến cho hiện nay trở thành thời điểm chín muồi để mối quan hệ hợp tác công - tư thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số của đất nước.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan như Chính phủ, lãnh đạo ngành công nghiệp, các học viện để cùng phát triển và cùng đổi mới những giải pháp tiên tiến cũng như cung cấp các dịch vụ có lợi theo 3 trụ cột kể trên. 

Xin cảm ơn hai ông!