Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng khách quốc tế tăng dần đều qua các tháng, thể hiện xu hướng đang phục hồi về khách quốc tế. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm, mỗi tháng đều có trên 1 triệu khách đến Việt Nam, trong đó tháng 12 đón lượng khách quốc tế cao nhất năm 2023.
Tính chung cả năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 và đạt mục tiêu điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt khách).
Dẫn đầu thị trường khách đến Việt Nam vẫn là Hàn Quốc với xấp xỉ 3,6 triệu lượt người (chiếm 28% tổng lượng khách); tiếp theo là thị trường Trung Quốc với trên 1,74 triệu lượt. Tổng hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ ba với 851 nghìn lượt, Mỹ đứng thứ tư với hơn 717 nghìn lượt và Nhật Bản thứ năm với hơn 590 nghìn lượt.
Tiếp theo là các thị trường Đông Nam Á: Thái Lan với 489 nghìn lượt, xếp thứ 6; Malaysia đạt 470 nghìn lượt, đứng thứ 7; Campuchia là 402 nghìn lượt, thứ 8. Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 9 với 392 nghìn lượt; Úc xếp thứ 10 với 390 nghìn lượt.
Các thị trường ở châu Âu có mức tăng trưởng tốt, nhất là sự đóng góp tích cực của những thị trường trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, có hiệu lực từ 15/8.
Trong quý IV/2023, một số thị trường có lượng khách tăng mạnh như Anh với 48,6%, Pháp xấp xỉ 52%, Đức 48,6%, Tây Ban Nha 90%, Italia 68%,... so với cùng kỳ năm 2022.
So với năm 2019, Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ với sự tăng trưởng đột phá trong năm qua.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 mới đạt 70% so với năm 2019. Xét theo châu lục, thị trường khách từ châu Úc và châu Mỹ có mức phục hồi tốt nhất (99% và 93%); châu Âu (67%) và châu Phi (63%) phục hồi chậm. Châu Á mới đạt 68%.
Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia) đánh giá, một số thị trường lớn cũng có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96%) Hàn Quốc (84%), Đài Loan (92%), Thái Lan (96%); Indonesia (99%). Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch: Campuchia (176%); Lào (122%); Singapore (106%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng (231%).
Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản chỉ đạt mức 62%.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho hay năm 2024 cơ quan này đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019).
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 12/2023 là 352,1 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung năm 2023, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm 2022.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đông nhất là lượng khách Việt Nam đi Thái Lan, với khoảng hơn 1 triệu lượt người. Tiếp theo là hơn 536.800 lượt khách đến Nhật Bản, vượt năm 2019, cao nhất từ trước tới nay. Khách đi Hàn Quốc là 420.000 lượt, đứng đầu khu vực ASEAN và thứ 5 châu Á. Thứ tư là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 350.000 lượt người.