Cầu nối ASEAN - EU

Với khoảng 8 năm nỗ lực đàm phán, Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 2 trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là nhịp cầu thương mại thứ 2 được “hợp long” thành công kết nối ASEAN với EU mà Việt Nam là một đầu cầu độc lập. Hàng Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang EU không cần phải thông qua Singapore hoặc các nước ASEAN khác, tiết kiệm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh.

Hôm 27/4 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

{keywords}
Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 2 trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU.

 

Quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả; kim ngạch hai chiều tăng hơn 12 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 50 tỷ USD năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020. Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua tập trung vào các thị trường truyền thống như: Hà Lan, Đức, Pháp, Italy, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển. Nhờ tác động từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA, các nước EU sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản, rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ, cũng như các mặt hàng công nghiệp chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, da giày, đồ gỗ... Tuy nhiên, EU cũng là một thị trường khó tính, đòi hỏi đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu.

Quy mô thương mại Việt Nam- EU được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới tạo động lực mạnh và tầm nhìn lạc quan gia tăng đáng kể năng lực thương mại ASEAN –EU và thương mại nội bộ ASEAN. Điều này góp phần hình thành chuỗi cung ứng mới giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác tương quan với dòng thương mại Việt Nam- EU mở rộng.

Nâng tầm quan hệ đối tác

Năm ngoái, ASEAN và EU chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nêu rõ nhận thức về giá trị chiến lược của mối quan hệ thương mại ASEAN-EU chặt chẽ hơn.

ASEAN có mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN đầy đủ vào năm 2025 và thực tế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực thực tế từ 31/12/2015 trong đó có sự di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng, vốn và đầu tư.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, đặc biệt làn sóng lây nhiễm thứ hai đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của cả hai bên, đây được cho là thời điểm thích hợp để ASEAN và EU tiếp tục củng cố mối quan hệ.

Riêng tại ASEAN, EU đã huy động hơn 800 triệu euro hỗ trợ để ứng phó với tác động kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra, nhiều hơn bất kỳ đối tác nào khác của ASEAN.

Thương mại cũng là một phần quan trọng của hợp tác hai bên trong tương lai. Căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế ASEAN, trong khi sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất ở các nước ASEAN.

Hai bên cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa hướng tới việc tạo ra khuôn khổ thiết thực cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng, bởi điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của cả hai phía nhằm mang lại những lợi ích cụ thể thông qua hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại.

Tuyên bố chính trị nhấn mạnh ASEAN và EU đều mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong việc cải cách các chức năng cốt lõi của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ. Đại diện cấp cao EU tuyên bố ASEAN và EU ủng hộ hợp tác thông qua các quy tắc và cơ chế quốc tế vì nó phù hợp với ý chí của cả hai bên.

ASEAN và EU cũng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị, lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các nguyên tắc tự do thương mại, tự do hàng hải, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình và chủ nghĩa đa phương.

Hồng Khanh