Xe điện đang bùng nổ ở Việt Nam

Tại tọa đàm “Ngành công nghiệp ô tô tiếp cận đa chiều, hướng tới trung hòa carbon” hôm 22/9 do báo Tiền Phong tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều góc nhìn cho thấy cuộc "đua" chuyển đổi xe điện đã được "nhả dây cót" ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, tính đến 31/12/2022, cả nước có trên 5,850 triệu ô tô và có trên 72 triệu xe máy được đăng ký. Trong đó, ô tô năng lượng xanh (chạy điện, hybrid, hybrid sạc ngoài) tính đến cuối năm 2022 đã lên tới 11.000 chiếc, xe máy điện gần 2 triệu chiếc, tăng nhanh so với vài năm trước đó.

"Năm 2019, ô tô xanh chủ yếu là các dòng xe hybrid (xe lai), và hybrid sạc nhập khẩu với số lượng ít. Đến 2020 xe điện và xe lai gần 550 chiếc, sang đến 2021 đã tăng lên gần 2.400 chiếc. Riêng năm 2022 đã có hơn 8.000 chiếc xe điện mới được đăng ký lưu thông", bà Hiền dẫn số liệu.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải

Trên thực tế, xe điện bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam từ sự tiên phong của Vinfast khi bắt đầu ra mắt mẫu ô tô điện VF e34 cuối năm 2021 kèm theo hệ thống hơn 1.000 trạm sạc trải dài từ Bắc vào Nam. Đến tháng 7/2022, Vinfast đã dừng toàn bộ sản xuất ô tô xăng để tập trung các dòng xe thuần điện như VF8, VF 9, VF 5. Kết thúc 2 quý đầu năm 2023, Vinfast bán được 11.315 ô tô điện.

Cùng với Vinfast, thị trường ô tô hiện có nhiều thương hiệu có danh mục xe điện như Hyundai với mẫu Ioniq 5 giá từ 1,3 tỷ đồng, Mercedes-Benz EQS giá từ 4,8 tỷ đồng, Porsche Taycan giá từ 5,7 tỷ đồng, Wuling Hongguang Mini EV giá từ 239 triệu đồng. Thậm chí ngay trong năm 2023, đã và sẽ có khoảng chục mẫu xe điện mới ra mắt như bộ 3 Mercedes-Benz EQB, EQE, EQS SUV, KIA EV6, VinFast VF 3, Haima 7X-E.

Tại buổi hội thảo, Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - công ty Ô tô Toyota Việt Nam dù tiếp tục khẳng định hướng tập trung 10 năm tiếp theo của công ty vẫn sẽ là xe hybrid, nhưng ông cũng hé lộ thương hiệu lâu đời tại Nhật Bản sẽ sớm mang đến một mẫu xe điện cho khách hàng Việt Nam.

Xe chạy khí hydro ưu việt hơn nhưng giá đắt

Có thể nói, với cam kết COP26 và Quyết định 876 của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyết tâm cao xây dựng một nền công nghiệp ô tô không khói.

Tuy nhiên, xe điện không phải là giải pháp duy nhất. Các chuyên gia tại buổi hội thảo đã phân tích các ưu điểm của những dòng xe năng lượng sạch khác vào nỗ lực trung hòa carbon. Một trong số đó là xe chạy nhiên liệu hydro.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, ô tô chạy nhiên liệu hydro có ưu điểm của xe điện và xe động cơ đốt trong, đó là không thải ra khí CO2, khả năng tăng tốc tốt và tốc độ nạp nhiên liệu nhanh.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc

Động cơ chạy bằng khí hydro có thể chuyển đổi nhiên liệu thành năng lượng với hiệu suất lên đến 60-70%, cao hơn nhiều so với động cơ đốt trong truyền thống. Điều này giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí vận hành xe. Ngoài ra, xe chạy khí hydro cũng có thời gian sạc nhanh và khả năng di chuyển xa.

Một bình khí hydro có thể được nạp lại trong vài phút, ưu việt hơn so với pin xe điện đòi hỏi thời gian sạc lâu hơn. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng tính tiện lợi cho người dùng. Hơn nữa, xe chạy khí hydro có khả năng di chuyển xa hơn so với xe điện, vì năng lượng được lưu trữ dưới dạng khí và dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, xe chạy khí hydro cũng còn đối mặt với một số thách thức như việc sản xuất, lưu trữ và phân phối khí hydro vẫn còn đắt đỏ và hạn chế. Hơn nữa, hệ thống hạt nhiên liệu của xe chạy khí hydro cần được bảo dưỡng thường xuyên và phức tạp hơn so với xe truyền thống. 

Chia sẻ thêm về xe chạy khi hydro, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết hiện Việt Nam đã sản xuất được khí hydro nhưng mới phục vụ xuất khẩu là chính, trong khi đó, để xây dựng nên một trạm nạp khi hydro tiêu chuẩn cho ô tô, mức chi phí hiện khá đắt đỏ, lên tới 2 triệu USD. 

Toyota đã bán mẫu xe chạy thuần khí hydro có tên Mirai từ năm 2015 và duy trì đến hiện nay dù nhiều hãng xe khác dần từ bỏ loại xe chạy năng lượng mới này do các hạn chế về công nghệ chế tạo cũng như giá bán đắt đỏ. Cuối năm 2020, Toyota Mirai thế hệ thứ hai đã chính thức được bán ra tại quê nhà Nhật Bản với giá từ 7,1 triệu Yên và 7,9 triệu Yên (~ 1,576 tỷ VNĐ và 1,752 tỷ VNĐ), chưa kể giá bán loại nhiên liệu này đang ở mức cao hơn so với điện và xăng dầu.

Toyota Mirai tại một trạm bơm khí hydro.

Nếu như ô tô điện hiện mới được nhóm khách hàng trẻ ở Việt Nam quan tâm bởi yếu tố thu hút công nghệ thì phần lớn khách hàng còn lại vẫn e dè bởi hạn chế quãng đường, phân bổ trạm sạc cũng như thời gian sạc chưa nhanh, thì có vẻ xe hydro sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề này.

"Tôi đã đi thăm quan Hàn Quốc và thấy được chính phủ nước này đã có sự quan tâm đặc biệt tới loại xe chạy hydro, thông qua số lượng trạm nạp liên tục tăng. Tôi cho rằng, theo thời gian khi bài toán công nghệ được giải, giá sản xuất cũng như các trạm nạp rẻ hơn sẽ làm thay đổi vị thế của xe chạy nhiên liệu khí hydro", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nói.

Để thực hiện mục cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Glasgow (Scotland) tháng 11/2021, tháng 7/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg đưa ra lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong.

Đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Đến nay, ngoài VinFast, các hãng xe vẫn đang ở giai đoạn khởi động, thăm dò thị trường. Chiến lược xe điện vẫn đang được Bộ Công Thương nghiên cứu và soạn thảo để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên?  Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!