Chỉ có 18 quốc gia vượt qua bẫy

Bẫy thu nhập trung bình (*) là khái niệm được dùng để chỉ những quốc gia có thời gian tăng trưởng nhanh và do vậy nhanh chóng đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình nhưng sau đó thất bại trong vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình để tiến lên trở thành các nền kinh tế thu nhập cao.

Cần nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu thúc đẩy thông qua cải thiện chất lượng và hiệu quả của các nhân tố sản xuất dẫn dắt bởi công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục.

Theo Bảng phân nhóm năm 2020 của WB thì các quốc gia được phân thành bốn nhóm tương ứng với mức thu nhập bình quân đầu người cụ thể như sau: Nhóm nền kinh tế thu nhập thấp với thu nhập bình quân đầu người ở dưới mức 1.035 USD; Nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập bình quân đầu người từ 1.036 USD - 4.045 USD; Nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình cao với mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.046 USD - 12.535 USD; và nhóm nền kinh tế thu nhập cao với mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.536 USD.

Thực tế cho thấy một sự thật khá phũ phàng rằng nhiều quốc gia thoát ngưỡng thu nhập thấp nhưng không nhiều quốc gia thành công trong vượt bẫy thu nhập trung bình. Khảo sát của WB trong 50 năm qua cho thấy chỉ có khoảng 18 quốc gia thành công trong chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao trong khi có nhiều quốc gia thành công trong chuyển từ thu nhập thấp sang trung bình.

Daron Acemoglu và James Robinson, các tác giả của cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” đã đúng khi cho rằng mắc bẫy thu nhập trung bình không phải do thất bại của thị trường mà là thất bại của chính phủ/thể chế. Thực tế cho thấy các nền kinh tế “ngôi sao Nam Mỹ” vang bóng một thời như Brazil và Argentina, hay các quốc gia ở châu Á như Philipines và Thái Lan thường được viện dẫn làm minh chứng cho các trường hợp thất bại điển hình do say sưa mãi với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chậm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và bị mắc kẹt ở đó.

Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan lại là các hình mẫu điển hình trong chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, trở thành nền kinh tế phát triển do cải cách thể chế và đổi mới nền kinh tế thành công.

Việt Nam thoát ngưỡng thu nhập thấp, gia nhập nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình thấp năm 2009 với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.160 USD. Đến nay, dù tăng liên tục, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 3.694 USD năm 2021 nhưng vẫn ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp.

Chìa khóa là giáo dục và công nghệ

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đưa Việt Nam tới ngưỡng thu nhập trung bình thấp, đồng thời cũng đã tạo ra những dòng chảy ngầm với những thách thức lớn về thể chế. WB đánh giá rằng đến nay, với quá trình cải cách thể chế kiểu "vừa đi vừa dừng” khiến chất lượng thể chế của Việt Nam được cải thiện không đáng kể, chưa sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng bộc lộ nhiều hạn chế như hiệu quả đầu tư chưa cao, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,...

Rõ ràng là cần nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu thúc đẩy thông qua cải thiện chất lượng và hiệu quả của các nhân tố sản xuất dẫn dắt bởi công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục.

Về giáo dục, báo cáo tháng 8/2022 của WB tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập học sau phổ thông chỉ đạt 28,6% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với tỷ  lệ nhập học trung bình ở các nước có thu nhập trung bình cao là 55,1%. Đặc biệt, nếu tính riêng lực lượng lao động có bằng cấp cao đẳng và đại học thì chỉ đạt 11% và để đạt tỷ lệ nhập học bằng các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, Việt Nam cần có khoảng 3,8 triệu học sinh nhập học, hơn gấp đôi con số năm 2019.

Chúng ta đang tụt hậu quá xa về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Tăng trưởng dựa vào KH&CN và đổi mới sáng tạo còn rất hạn chế, đầu tư cho lĩnh vực này quá ít, tỷ lệ chi cho KH&CN cả khu vực nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP.

Cần những cải cách táo bạo

Rõ ràng là để cởi “nút thắt” thể chế và vượt qua thách thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu đòi hỏi sự chuyển biến lớn, rõ rệt cả về vai trò cũng như năng lực thiết kế chính sách và thực thi. Cụ thể hơn, cần tập trung vào các vấn đề then chốt như:

Cởi "nút thắt" thể chế, thực thi chính sách hiệu quả, không chỉ cải cách thể chế chính thức mà cải cách cả thể chế để phi chính thức nhằm cải thiện vốn xã hội, gia tăng lòng tin, xây dựng tinh thần dám tiến ra thế giới, bước lên “sân khấu toàn cầu” với những sản phẩm đẳng cấp thế giới...

Đặc biệt, thay vì tiến hành cải cách thể chế kiểu tiệm tiến, từng bước, cân bằng giữa ổn định thể chế và khả năng thích ứng, cần cải cách thể chế kiểu táo bạo, tốc độ, ưu tiên cho nâng cao khả năng thích ứng hơn là ổn định để có thể nhanh chóng bắt nhịp, ứng phó hiệu quả trước những biến chuyển lớn của thời đại với những thách thức mới, phức tạp hơn phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Tạo chuyển biến lớn về giáo dục, đây là yếu tố then chốt liên quan tới tất cả các khía cạnh cốt yếu như vốn nhân lực, năng lực chính phủ, vốn xã hội và chất lượng cuộc sống. Trước hết, cần tạo “cú hích” đủ mạnh để cải thiện đáng kể tỷ lệ nhập học giáo dục bậc cao nhằm nhanh chóng có được nguồn nhân lực kỹ năng, trình độ cao tương ứng với các quốc gia thu nhập cao. Đẩy nhanh thực hiện cơ chế tự chủ, tăng nhanh tỷ lệ đầu tư cho giáo dục sau phổ thông, nhất là bậc đại học, vì tỷ lệ hiện nay quá thấp so với các nước, năm 2019 tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục sau phổ thông ở nước ta ở mức 0,6% GDP so với Hàn Quốc là 0,9%  GDP, Malaysia là 0,82% GDP. Riêng đối với bậc đại học thì theo khuyến nghị của WB cần tăng từ mức 0,33% hiện nay lên 0,8% GDP trước năm 2030.

Tinh giản thủ tục, quy trình hành chính rườm rà, tạo môi trường thuận lợi và không gian thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và để khu vực tư nhân vận hành thị trường.

Để có được đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, tinh nhuệ không phải công việc một sớm một chiều. Bởi vậy, trước mắt, để cải thiện chất lượng thể chế và thực thi chính sách hiệu quả, có thể vận dụng chế độ cố vấn cùng mô hình đội đặc nhiệm liên ngành đã được sử dụng rất hiệu quả trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee.

Ông đã bổ nhiệm  các chuyên gia, nhà khoa học ưu tú, có thành tích vượt trội, nhất là về lĩnh vực kinh tế, làm cố vấn trong Ban Cố vấn của Tổng thống. Khi Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc đã có nhận xét rất xác đáng rằng sở dĩ xứ kim chi phát triển bứt phá là nhờ vào tài năng của hơn 300 cố vấn tinh anh này.

Singapore cũng xây dựng đội ngũ 300 cán bộ hành chính tinh hoa, tinh nhuệ được quản lý với hệ thống riêng, phân bố ở các bộ, đó là các thứ trưởng, vụ trưởng, với sứ mệnh dẫn dắt nền công vụ Singapore, xây dựng và lãnh đạo việc thực thi chính sách quốc gia, tư vấn, tham mưu cho chính khách. Đây chính là yếu tố quyết định chất lượng thể chế và thực thi chính sách hiệu quả của Singapore.

(*) Khái niệm bẫy thu nhập trung bình do hai nhà kinh tế học Homi Kharas và Indermit Gill đưa ra vào năm 2006 nhằm vạch ra ranh giới giữa các quốc gia thu nhập cao có mức thu nhập bình quân đầu người là 6.000 USD trở lên theo mức giá năm 1987 với phần còn lại của thế giới. Năm 2007, Ngân hàng Thế giới sử dụng khái niệm bẫy thu nhập trung bình để chỉ tình trạng một quốc gia dù đã thoát nghèo, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ mà vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Nguy cơ ‘loay hoay' trong bẫy thu nhập trung bìnhTrong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mà định chế này đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.