Theo số liệu phân tích của Deloitte, đến hết năm nay, tại Việt Nam sẽ có khoảng 4 triệu thiết bị IoT hoạt động. Dự báo của Research and Market cho thấy, quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ sớm cán mốc 8,5 tỷ USD vào năm 2027.
Tuy có những số liệu tăng trưởng khá tích cực, thị trường IoT Việt Nam vẫn được đánh giá đang thua kém nhiều nước trên thế giới. Điều này phản ánh ở tỷ lệ kết nối IoT trên mỗi người dân vẫn còn thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ về phát triển IoT. Thế nhưng, tồn tại một nghịch lý trên thị trường nhân lực IoT Việt Nam, đó là mức lương mới ra trường của các kỹ sư Việt hiện rất khiêm tốn.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Minh (Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội), đây là ngôi trường có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường IoT.
Khảo sát năm 2022 với các sinh viên mới tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông của trường cho thấy, 57,5% các tân kỹ sư đi theo chuyên ngành điện tử và kỹ thuật máy tính - lĩnh vực liên quan mật thiết đến việc phát triển các hệ thống IoT.
Theo thống kê việc làm của các sinh viên mới tốt nghiệp, khoảng 50% kỹ sư điện tử viễn thông chọn phát triển bản thân trong lĩnh vực software (phần mềm). Đa phần các bạn chọn hướng đi làm web, app thay vì theo đuổi các công nghệ cốt lõi liên quan đến tổng thể hệ thống. PGS. TS Nguyễn Đức Minh cho rằng, đây là một điều đáng buồn đối với cộng đồng IoT Việt Nam.
Hậu quả của thực trạng trên là Việt Nam sẽ thiếu hụt những nhân lực IoT có góc nhìn tổng thể về hệ thống. Đa phần công việc của các kỹ sư IoT tại Việt Nam hiện nay chỉ mới động chạm tới một góc nhỏ của tổng thể hệ thống thay vì ứng dụng IoT vào việc phát triển sản phẩm mới.
Thống kê cho thấy, khoảng 50% kỹ sư được đào tạo về IoT có mức lương chỉ từ 4-10 triệu đồng. Những tân kỹ sư IoT xuất sắc nhất sẽ có mức lương 29-30 triệu. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Mức lương trung bình của các tân kỹ sư IoT tại Việt Nam chỉ từ 10-13 triệu đồng. Đây là con số khá khiêm tốn nếu đem so với thu nhập của các kỹ sư nhóm ngành công nghệ khác tại Việt Nam.
Chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện này, bà Đào Thảo, đại diện Vconnex cho hay, tiềm năng ứng dụng IoT ở Việt Nam rất lớn. Tuy vậy, ở góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất các thiết bị, giải pháp nhà thông minh, bà Thảo cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực IoT chất lượng cao.
Theo đại diện Vconnex, đây là thách thức lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần tới đội ngũ kỹ sư có kiến thức chuyên môn sâu và có tư duy hệ thống để tham gia sâu vào mảng thị trường này. Kinh nghiệm triển khai thực tế và bộ kỹ năng mềm của những người kỹ sư đó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bất chấp nhu cầu của thị trường, việc khan hiếm nhân lực để tham gia phát triển các ngành trong lĩnh vực IoT đang là khó khăn chung của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước. Để giải câu chuyện này, Việt Nam cần có thêm nhiều đơn vị giảng dạy và chương trình đào tạo kỹ sư IoT trình độ cao.
Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm tạo cho các tân kỹ sư những trải nghiệm gần nhất với thực tế. Với mức thu nhập bình quân khá khiêm tốn như hiện tại, có lẽ các kỹ sư cũng cần thêm nhiều động lực hơn nữa để có thêm quyết tâm tham gia vào thị trường IoT vốn đang manh nha bùng nổ tại Việt Nam.