Tâm điểm của dòng vốn đầu tư

Tháng 1 năm nay đón nhận một tin vui khi dòng vốn FDI bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Với một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng 1/2024 đã tăng gần 67% so với cùng kỳ.

Các dự án tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Riêng 7 địa phương này đã chiếm 72,1% số dự án mới và 82,5% số vốn của cả nước trong tháng 1 năm 2024.

doanh nghiep fdi.jpeg

Có thể nói, xu thế này đã được tạo ra từ đà của năm 2023 khi vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng hơn 62% so với năm 2022, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. FDI thực hiện năm 2023 ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Như vậy, tính lũy kế đến nay, cả nước có 39.377 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 472 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 299 tỷ USD, hơn 63% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý IV/2023, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), vừa công bố, đa số nhà đầu tư được hỏi (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước khác, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định; 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN; 2% coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”.

Xu thế này diễn ra trong bối cảnh triển vọng dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo có thể sẽ có nhiều bất định hơn. Đà phục hồi ở các nền kinh tế châu Á, gắn với các FTA, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và thu hút thêm nhà đầu tư mới.

Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, gắn với các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư/chuyển hướng đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI, trong đó bao gồm xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận gia tăng sau đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ucraina.

Dòng vốn FDI tăng chậm lại và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Việc triển khai thực hiện Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và các nhóm chính sách liên quan ở nhiều nước cũng có thể ảnh hưởng đến dịch chuyển FDI.

Hoạt động đối ngoại là điểm sáng nổi bật

Thành quả thu hút vốn FDI diễn ra cùng với các hoạt động đối ngoại sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023.

Các chương trình đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được tổ chức chu đáo, thành công, nhất là: đã tổ chức thành công chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tiếp đón chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững…; tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

tong bi thu.jpeg

Chủ tịch nước sang thăm chính thức Nhật Bản, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; Thủ tướng Chính phủ sang thăm Trung Quốc, Mỹ, Brazil; Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Bănglades, Bungary …

Đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20.

Những cuộc tiếp đón cấp cao mang tính lịch sử đã và đang tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều cơ hội mới đã được mở ra để doanh nghiệp, người dân hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, đào tạo nhân lực, môi trường, biên đổi khí hậu.

tap can binh.jpeg

Vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có

Trong bài viết kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Kết quả là, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023 với nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã đi thăm chính thức nhiều nước, tham dự nhiều diễn đàn quốc tế lớn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc tổ chức đón rất thành công Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun  Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Lan Anh

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư về doanh nhân Việt NamNghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 10/10/2023 mang tính chỉ đạo, định hướng rất kịp thời và cầp thiết cho khu vực doanh nghiệp.