ViettelPay là tên tuổi mới nhất gia nhập thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. ViettelPay cũng cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt đến tận nhà trong vòng 2 giờ hoặc tại hơn 100.000 điểm cung cấp dịch vụ, ở tất cả các quận/huyện, phường/xã trên toàn quốc.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một trong những thành tựu của cuộc Cách mạng này là việc số hóa cuộc sống của con người, giúp các công việc phức tạp giờ đây đều có thể thực hiện được chỉ với một chiếc điện thoại di động.
Khi thương mại điện tử trở thành xu hướng mua sắm mới, thanh toán di động, thanh toán trực tuyến cũng lên ngôi. Đó là lý do xuất hiện ngày càng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt là thực trạng và xu thế của thế giới. Phần lớn các nước đều đã chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ở một vài nước, việc sử dụng tiền mặt để thanh toán thậm chí còn khá khó khăn.
Tại Việt Nam, phần lớn các giao dịch chuyển khoản trong tiêu dùng chủ yếu là các hoạt động thanh toán thẻ. Thời gian gần đây, các hoạt động liên quan đến ngân hàng điện tử cũng đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Đó là các dịch vụ internet banking, mobile banking và một số dịch vụ thanh toán mới. Ở Việt Nam, giao dịch phi tiền mặt chủ yếu vẫn là thẻ tín dụng. Điều này khác biệt khá nhiều so với các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ về thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các dịch vụ ví điện tử đã mở ra một hướng đi mới cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ ví điện tử đã nổi lên và ngày càng có chỗ đứng, tiêu biểu là những tên tuổi như MoMo, VNPAY, ZaloPay... Đáng chú ý khi những cái tên kể trên đều là các sản phẩm thuần Việt.
Tại thảo luận chuyên đề về kinh tế số bên lề Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018 sáng 6/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: “Tổng phương tiện thanh toán hằng năm của Việt Nam tăng trưởng khoảng 14 - 15%. Như vậy, càng ngày tiền ở trong túi của các cá nhân, tổ chức ngày một nhiều lên. Đây cũng là cơ hội để ứng dụng các công tác thanh toán nhiều hơn”.
Sự đầu tư ồ ạt của các công ty công nghệ nước ngoài,cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp nội địa cần xây dựng những sản phẩm thuần Việt để phát huy nội lực, tăng năng lực cạnh tranh trước làn sóng hội nhập toàn cầu.
Mới đây, thị trường thanh toán phi tiền mặt Việt Nam vừa chứng kiến sự xuất hiện của một tên tuổi mới là ViettelPay. Với mạng lưới gồm hàng trăm nghìn điểm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền trên toàn quốc, ViettelPay đáp ứng hầu hết nhu cầu chuyển tiền của mọi người dân như chuyển tiền liên ngân hàng, qua số điện thoại, chuyển tận tay tại nhà…
Theo đại diện doanh nghiệp này, 10.000 người đầu tiên đăng ký sử dụng ViettelPay sẽ được miễn phí hoàn toàn các giao dịch chuyển tiền theo tài khoản ngân hàng, theo số thẻ, số điện thoại.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel chia sẻ về cách mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên trong nền kinh tế số. Viettel cũng chính là ông lớn mới nhất gia nhập thị trường thanh toán phi tiền mặt Việt Nam với sự xuất hiện của ViettelPay. Ảnh: Trọng Đạt |
ViettelPay còn mở rộng cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt. Người dùng có thể nhận tiền mặt tại nhà trong vòng 2 giờ hoặc tại hơn 100.000 điểm cung cấp dịch vụ, ở tất cả các quận/huyện, phường/xã trên toàn quốc. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhằm cạnh tranh với các ông lớn trên toàn cầu.
Công ty tư vấn tài chính Mỹ Javelin và công ty kiểm toán EY dự đoán, tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động sẽ đạt mức 319 tỷ USD vào năm 2020.
Để Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này, các tổ chức tài chính, công nghệ nên triển khai đầu tư mạnh về công nghệ thanh toán di động, thay đổi thói quen chi tiêu tiền mặt của người dùng và duy trì thói quen của người dùng thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, mua sắm có lợi.
Việc sử dụng quá nhiều tiền mặt dẫn đến những phí tổn không cần thiết đối với nền kinh tế. Đó là chi phí cho việc duy trì lưu thông tiền tệ bằng tiền mặt, thu chi, kiểm đếm, bảo quản, đóng gói… Không những vậy, mỗi ngân hàng tại Việt Nam cũng phải duy trì đội ngũ nhân sự vài ngàn người chỉ chuyên để kiểm đếm, đóng gói tiền mặt.
Nếu chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, các chi phí đó sẽ giảm đi rất nhiều, bên cạnh đó là việc hạn chế các rủi ro trong khâu vận hành, bao gồm cả gian lận. Các giao dịch bán lẻ trong nền kinh tế khi chuyển đổi sang không dùng tiền mặt sẽ có lợi cho cả nền kinh tế lẫn người dân cũng như các tổ chức, ngân hàng. Chính vì vậy, nhu cầu chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết.
Trọng Đạt
Xu hướng tương lai: Thanh toán không dùng tiền mặt
Khi thương mại điện tử trở thành xu hướng mua sắm mới thì thanh toán di động (TTDĐ), thanh toán trực tuyến (TTTT) cũng lên ngôi.
VNPAY hợp tác UnionPay hỗ trợ thanh toán bằng mã QR
Người sử dụng dịch vụ mobile banking của nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam có thể thanh toán tiền qua mã QR trên diện thoại thay vì quẹt thẻ như thông thường.
Vietcombank công bố đạt chuẩn Đổi mới thanh toán toàn cầu
Ngày 04/06/2018 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố là Ngân hàng đạt chuẩn GPI (Global Payments Innovation Initiative - Sáng kiến Đổi mới Thanh toán Toàn cầu của Tổ chức SWIFT).
Thanh toán qua di động sẽ bùng nổ tại Việt Nam?
Với tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lên đến 72% và ngày càng gia tăng, thanh toán di động được dự đoán sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai.