Trong chỉ đạo tại cuộc họp chiều ngày 9/2 của Bộ TT&TT với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu, khi nhiều tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố, ảnh hưởng đến kết nối Internet của Việt Nam thì các doanh nghiệp viễn thông phải hỗ trợ nhau. Theo đó, nếu sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật mà vẫn bị nghẽn thì các doanh nghiệp còn dung lượng sẽ san sẻ kết nối đi quốc tế cho doanh nghiệp thiếu nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Thông tin với báo chí vào chiều ngày 10/2, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, với việc 4 tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố gây mất một phần hoặc hoàn toàn dung lượng trên tuyến, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trải nghiệm của người dùng dịch vụ là khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu kết nối quốc tế. Và mức độ ảnh hưởng của các nhà mạng cũng khác nhau, tùy theo đặc thù tập khách hàng của họ.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, khi nhiều tuyến cáp biển xảy ra sự cố, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển. Đặc biệt, Bộ đã đề nghị các nhà mạng ứng cứu cho nhau, những doanh nghiệp có băng thông tốt hỗ trợ doanh nghiệp đang thiếu băng thông, chưa đàm phán mở kịp thêm dung lượng kết nối qua cáp đất liền.
“Đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp mở ứng cứu hỗ trợ nhau băng thông đất liền, đặt lợi ích của người dùng Internet Việt Nam nói chung lên trên hết. Trong điều kiện bình thường, cạnh tranh sẽ thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, khi khó khăn, các doanh nghiệp cần bỏ bài toán kinh doanh, cạnh tranh sang bên và đặt quyền lợi người dùng Internet Việt Nam lên trên hết”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho hay.
Cụ thể, Viettel đã hỗ trợ VNPT mở rộng thêm 100Gbps trong thời gian VNPT đàm phán chưa xong việc mở thêm dung lượng cáp đất liền. Theo kế hoạch, vào đầu tuần tới, VNPT sẽ mở rộng thêm được dung lượng kết nối quốc tế, sau khi hoàn thành thủ tục với đối tác quốc tế.
Đại diện Cục Viễn thông chia sẻ thêm, dù chi phí để bổ sung dung lượng kết nối qua cáp đất liền rất cao, song thời gian qua, các doanh nghiệp rất nỗ lực mở rộng thêm nhiều băng thông. Đến nay, tổng dung lượng kết nối đã được các nhà mạng mở thêm lên tới gần 3Tbps. Trong 1- 2 tuần tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở thêm dung lượng kết nối qua cáp đất liền.
Với việc quyết liệt triển khai các giải pháp kỹ thuật, tăng dung lượng các tuyến cáp đất liền cùng tinh thần chia sẻ, các doanh nghiệp viễn thông cam kết bắt đầu từ đêm nay, ngày 10/2, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế không còn bị nghẽn.
“Bộ TT&TT mong muốn tới đây các doanh nghiệp sẽ hình thành văn hóa chia sẻ, ứng cứu lẫn nhau những lúc khó khăn, với quan điểm chung là đặt bài toán cạnh tranh sang một bên, hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet Việt Nam”, đại diện Cục Viễn thông một lần nữa nhấn mạnh.
Trong năm 2022 và tháng đầu tiên của năm 2023, 4 tuyến cáp quang biển AAG, AAE-1, APG và IA (còn gọi là cáp Liên Á) đã lần lượt gặp sự cố, gây mất một phần hoặc toàn bộ dung lượng trên các tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế. Đến nay, 3 tuyến AAG, APG và IA đã có lịch dự kiến khắc phục sự cố. Cụ thể, sự cố trên nhánh S6 của tuyến APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 23/3/2023 đến 27/3/2023; còn lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản được sửa chữa trong tháng 4/2023. Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa trong thời gian từ 5/4 đến 13/4/2023. Các sự cố trên tuyến AAG sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian 26/2/2023 đến ngày 15/4/2023. |