Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8 trên sàn Nasdaq (rạng sáng 1/9 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto giảm 15,9% xuống 34,71 USD/cp.

Giao dịch giảm so với các phiên trước đó, xuống gần 6,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu VinFast ghi nhận phiên sôi động nhất là 22/8 với hơn 19,4 triệu cổ phần được chuyển nhượng.

Với mức giá này, vốn hóa của VinFast giảm xuống 80 tỷ USD và đứng thứ 5 trong số các hãng xe hơi thế giới.

Thời điểm mở cửa phiên ngày 31/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VinFast Auto của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm mạnh với mức giảm 10-12% xuống ngưỡng 36 USD/cp. Giao dịch trầm lắng hơn so với các phiên trước đó. Khối lượng khớp lệnh tới 11h30 đêm 31/8 (giờ Việt Nam) đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Vốn hóa VinFast giảm xuống 84 tỷ USD.

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm tương ứng. Trước đó, hôm 30/8 Forbes bất ngờ điều chỉnh tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh không theo những diễn biến của cổ phiếu VinFast như các phiên trước đó, gây nhiều ý kiến trái chiều.

Cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm mạnh.

Trước đó, sáng ngày 30/8 (giờ Việt Nam), Forbes thông kế tài sản ông Phạm Nhật Vượng đạt 39 tỷ USD, đứng hạng 30 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh. Khi đó, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu thứ 4 châu Á và số 1 Đông Nam Á. Tuy nhiên, Forbes sau đó điều chỉnh cách tính và hạ mạnh tài sản và thứ hạng của ông Vượng.

Với mức vốn hóa 84 tỷ USD, VinFast đứng vị trí thứ 4 các hãng xe trên thế giới, sau Tesla (817 tỷ USD) của tỷ phú Elon Musk, Toyota (233 tỷ USD), hãng siêu xe Porsche của Đức (101 tỷ USD) và hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD (96 tỷ USD).

VinFast vẫn có vốn hóa cao hơn các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như: General Motors, Ford, Honda, Ferrari, Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz...

Vốn hóa VinFast còn 84 tỷ USD.

VinFast dự báo doanh số bán hàng sẽ đạt 45.000 đến 50.000 chiếc trong năm 2023. Tesla ước tính có thể bán 2 triệu chiếc trong năm nay, còn BYD có thế đạt doanh số 2,5 triệu chiếc.

Trong nước, tính tới hết ngày 31/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,3 tỷ USD. 

Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.