Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phác thảo bức tranh về công tác bảo vệ môi trường và tình hình xử lý, tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Tồn đọng chục triệu tấn tro xỉ nhiệt điện: Dân sống bất an

Lo sợ tro thải nhiệt điện: Bình Thuận kêu lên Thủ tướng

Áp lực lớn trong việc xử lý tro xỉ 

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân gồm 5 dự án nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) với tổng công suất 6/264 MW. Trong đó Vĩnh Tân 2 do Tổng công ty Phát điện 3  và Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Còn nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 của nhà đầu tư Trung Quốc đã vận hành thử nghiệm tổ máy 1 và tổ máy 2, dự kiến phát điện thương mại từ tháng 9/2018.

Hai nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng.Đó là Vĩnh Tân 4 mở rộng (dự kiến đi vào vận hành chính thức từ tháng 12/2019) và Vĩnh Tân 3 (đang thực hiện các thủ tục đầu tư).

{keywords}
Tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân là vấn đề gây nhiều băn khoăn.

Theo Bộ Công Thương, khi các nhà máy này đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ phát sinh theo thiết kế là khoảng 3,8 triệu tấn/năm. Trong đó, ba nhà máy là Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng dùng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích hơn 38 ha; chứa khoảng 9,3 triệu m3.

Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 và dự kiến đầy trong khoảng hơn 2 năm nữa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận vị trí bãi tro, xỉ nằm gần đường quốc lộ, chịu tác động bởi gió biển cường độ mạnh và sử dụng phương án thải tro, xỉ khô bằng phương tiện ô tô nên tiềm ẩn rủi ro phát tán bụi, tiếng ồn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ.

Bộ Công Thương cho biết, tro xỉ phát sinh nhiều nhất từ Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nguyên nhân là do hai nhà máy này sử dụng than antraxit với lượng tro, xỉ chiếm tới 30-37% tổng lượng than. Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 đã được Thủ tướng cho phép giữ thời gian lưu tro xỉ dài hạn. Còn Vĩnh Tân 2 đang chịu áp lực lớn về xử lý tro, xỉ do không tiêu thụ được tro, xỉ.

Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh trong cả đời dự án để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên Công ty Mãi Xanh mới lắp đặt được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch không nung và tiêu thụ tro, xỉ khoảng 450 tấn/ngày. Trong khi đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 phát sinh tro, xỉ khoảng 4.500 tấn/ngày. Vì vậy khó có khả năng thực hiện được cam kết tiêu thụ hết tro, xỉ do khó khăn về tài chính, công nghệ và sản phẩm gạch không nung khó cạnh tranh về giá.

Từ đầu tháng 9/2018, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng và tiêu thụ được khoảng 100 nghìn tấn tro, xỉ với 7 công ty khác. Nhà máy này còn lập dự án đầu tư hệ thống đường ống xuất tro bay qua cảng và làm việc với nhiều đối tác dể tiêu thụ tro, xỉ phát sinh.

Bộ Công Thương thừa nhận: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang chịu áp lực lớn nhất trong việc xử lý tro, xỉ do tro, xỉ không tiêu thụ được và bãi tro, xỉ đã chứa 4,5 triệu tấn.

{keywords}
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân dự kiến có 5 nhà máy nhiệt điện.

Lý do tiêu thụ chậm là tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có chất lượng rất thấp, tỷ lệ các bon chưa cháy hết còn lại trong tro cao (tới 15%) nên không sử dụng trực tiếp làm phụ gia bê tông.

Mặt khác khu vực miền Trung, thị trường tiêu thụ gạch không nung ít, không có thói quen dùng gạch không nung. Nhà máy nằm xa nơi tiêu thụ nên giá thành vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp do Bộ Xây dựng soạn thảo vẫn chưa được ban hành, dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thụ tro, xỉ.

Còn Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 lượng phát sinh tro xỉ không nhiều nhưng nhà máy cũng đã ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ khoảng 30.000 tấn tro, xỉ.

Đánh giá tổng thể môi trường Vĩnh Tân

Dù hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay không quy định việc “đánh giá tác động môi trường tổng hợp” của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, nhưng Bộ Công Thương cho hay đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực chỉ đạo và giao Công ty CP tư vấn điện 2 thực hiện nhiệm vụ này, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Công ty CP Tư vấn điện 2 đã thu thập dữ liệu khí tượng, thủy văn khu vực Trung tâm điện lực Vĩnh Tân từ 2000-2017, số liệu về hệ sinh thái khu vực, thông tin kinh tế xã hội về cộng đồng dân cư khu vực dự án trung tâm điện lực...

Ngoài ra, Công ty CP Tư vấn 2 đã hoàn thành đợt đo đạc, lấy mẫu phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường giai đoạn mùa mưa: 8 mẫu khí, 17 mẫu nước và 6 mẫu đất và trầm tích; Hoàn thành khảo sát, phỏng vấn dân cư trong phạm vi khoảng 5-7 km có khả năng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Trung tâm điện lực với 170 lượt người phỏng vấn và thu thập 101 phiếu phỏng vấn tại các khu vực xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Tân.


Giữa năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Thủ tướng bày tỏ lo ngại về việc xử lý tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Để đảm bảo hoạt động các nhà máy trên, Bộ Công Thương đã quy hoạch khu vực bãi thải xỉ để đổ tro xỉ sau khi đốt từ các nhà máy này với diện tích hơn 181 ha và cao trình tối đa là 27 mét (sau khi lu lèn, đầm nén).

Hiện nay, bãi thải xỉ đã tiếp nhận xỉ tro từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và trong thời gian tới, khi các nhà máy còn lại đi vào hoạt động, lượng tro xỉ thải ra sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng 3.000 tấn/ngày/nhà máy.

Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng giao các bộ đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ và thạch cao, UBND tỉnh Bình Thuận than phiền sau 3 năm kể từ ngày nhà máy Vĩnh Tân 2 hoạt động, việc tiêu thụ sử dụng tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Điều này khiến cho khối lượng tro xỉ lưu trữ tại bãi ngày càng lớn, làm cho bãi thải xỉ quá tải, dẫn đến các nguy cơ xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường khi có gió lớn và mưa to như mưa lũ gây tràn tro, xỉ xuống khu dân cư và quốc lộ 1A; gió mạnh và lốc xoáy gây phát tán tro bụi ra môi trường xung quanh. Hệ quả là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và bức xúc cho nhân dân trong khu vực.

Lương Bằng