Đa số các cổ phiếu trụ cột đảo chiều từ giảm giá vào đầu phiên sang tăng giá vào cuối phiên giao dịch 1/3. Trong đó, cổ phiếu Sacombank (STB) của chủ tịch Dương Công Minh phiên sáng giảm giá, cuối phiên tăng trần.

Trừ Vietcombank (VCB), tất cả nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đồng loạt từ màu đỏ (giảm giá) trong sáng 1/3 chuyển sang màu xanh tăng giá vào cuối phiên giao dịch.

Nhiều cổ phiếu cũng đảo chiều tăng giá, như: Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên; Sabaco (SAB) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi; Bất động sản Phát Đạt (PDR),...

Thị trường tăng giá chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu trụ cột hồi phục. 

Trên diện rộng, thị trường phân hóa. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh, nhưng cũng có nhiều mã giảm sâu.

Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh nhưng thanh khoản thấp, khối  ngoại bán ròng. (Ảnh: HH)

Cổ phiếu DIG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp giảm sàn với dư bán lớn do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu này sau khi có thông tin doanh nghiệp bị thanh tra về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ hôm 28/2 công bố quyết định thanh tra toàn diện DIG trong vòng 30 ngày, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Trước đó, cổ phiếu DIG đã có đợt giảm sâu gần 90% theo đà giảm chung của các cổ phiếu bất động sản và thị trường chứng khoán chung từ tháng 4/2022, xuống mức thấp nhất dưới 10.000 đồng/cp. DIG sau đó hồi phục, có lúc lên trên 20.000 đồng/cp trước khi giảm trở lại. Phiên giảm sàn hôm nay 1/3 kéo DIG xuống còn 12.600 đồng/cp.

Chủ tịch HĐQT DIG Nguyễn Thiện Tuấn có thư trấn an cổ đông, trong đó khẳng định đây là "hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay". Theo đó, không chỉ riêng DIG mà rất nhiều doanh nghiệp cũng thuộc đối tượng được kiểm tra.

Bất động sản Hải Phát (HPX), Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn, Nhà Khang Điền (KDH),... cũng giảm giá.

Ở chiều ngược lại, nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ tăng mạnh, trong đó có nhiều mã cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng... tăng trần như: Thủ Đức House (TDH), DRH, LGC, HSG, NKG...

Nhóm vận tải cũng có nhiều mã tăng hết biên độ cho phép như: Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP), Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO), PVP, PVT,...

Chốt phiên 1/3, chỉ số VN-Index tăng 15,87 điểm lên 1.040,55 điểm sau khi giảm hơn 10 điểm trong buổi sáng. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức thấp, đạt 11.500 tỷ đồng, trong đó có 8.261 tỷ đồng trên HOSE. Thanh khoản vẫn ở mức dưới trung bình 20 phiên.

Một điểm đáng lưu ý là khối ngoại tiếp tục bán ròng, với mức bán ròng gần 300 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Khối ngoại mua ròng mạnh từ tháng 11/2022 cho tới đầu tháng 2/2023, qua đó kéo thị trường chứng khoán chung đi lên.

Tuy nhiên, khối ngoại bắt đầu bán ròng từ tuần thứ 2 của tháng 2/2023, kéo dài cho tới nay. Tổng giá trị cổ phiếu khối ngoại bán ròng từ ngày 9/2 cho tới ngày 1/3 là 2.589 tỷ đồng.

Việc thị trường chứng khoán đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên 1/3 khá bất ngờ trong bối cảnh thanh khoản thấp và khối ngoại tiếp tục bán ròng.

Gần đây, một số dự báo cho rằng, thị trường còn gặp nhiều rủi ro do các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong ít nhất nửa đầu năm 2023 khi mà lãi suất cao, sức cầu tiêu dùng thấp, tỷ giá USD/VND có tín hiệu tăng trở lại.

Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư có xu hướng chờ đón ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và đánh cược vào khả năng cổ phiếu hồi phục trước ngưỡng này. Sức cầu ở mức thấp cùng với những tín hiệu tích cực trên thị trường lãi suất (theo xu hướng giảm) cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhiều cổ phiếu.

Mặc dù hồi phục khá mạnh, VN-Index được cho là sẽ gặp chạm vùng cản 1.054 điểm.