Trong nỗ lực lập lại trật tự đô thị, những năm qua, chính quyền quận Cầu Giấy đã giải tỏa và sắp xếp lại khoảng 20 chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn và được rất nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, đối với việc dẹp bỏ, di dời khu chợ tạm Dịch Vọng Hậu (chợ Sinh viên) hay còn gọi là Chợ nông sản Dịch Vọng Hậu thì dường như lại đang bị bỏ quên.
Chợ Dịch Vọng Hậu (hay còn gọi là Chợ Sinh viên) vốn là chợ tạm hiện đang lấn chiếm vỉa hè lòng đường... |
Trong những năm gần đây, Hà Nội rất quyết liệt trong việc giải phóng nhiều chợ tạm, chợ cóc. Đối với chính quyền quận Cầu Giấy cũng không phải là ngoại lệ.
Theo số liệu thống kê, những năm qua, trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có trên 20 chợ tạm, chợ cóc đã được giải tỏa, sắp xếp lại, tiêu biểu như chợ số 90 Hoa Bằng, chợ số 110 Trần Duy Hưng, khu vực xung quanh chợ Đồng Xa, chợ cóc bờ mương Nghĩa Tân… và đặc biệt là khu chợ Nhà Xanh (phố Phan Văn Trường)
Nhưng riêng đối với chợ Dịch Vọng Hậu (hay còn gọi là Chợ Sinh viên) vốn là chợ tạm hiện đang lấn chiếm vỉa hè lòng đường lại vẫn ngang nhiên hoạt động bấp chấp việc gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Chợ Dịch Vọng Hậu đều tấp nập cảnh mua bán từ sáng sớm đến đêm khuya tràn lan ra vỉa hè, lề đường. |
Theo ghi nhận của phóng viên, từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, khu vực chợ Dịch Vọng Hậu đều tấp nập cảnh mua bán. Từ sáng sớm, hàng chục tiểu thương đã xếp hàng rau củ, thực phẩm tràn lan ra vỉa lè, lề đường. Còn đến tối, khu chợ này lại biến thành những sạp bán quần áo, giày dép, thời trang.
Đáng nói hơn, thay vì giữ gìn trật tự, sắp xếp các gian hàng ngồi đúng vị trí, giải tỏa việc lấn chiếm thì Ban quản lý chợ Dịch Vọng Hậu lại cho dừng đỗ xe trên hè, dưới lòng đường, tổ chức trông giữ xe thu tiền trên vỉa hè khu vực cổng chợ gây ra cảnh nhiễu loạn mỗi khi vào giờ cao điểm.
Khu vực chợ Dịch Vọng Hậu tồn tại rất nhiều bất cập trong các hoạt động mua bán, lấn chiếm chưa được mạnh tay xử lý. |
Không những việc họp chợ tại chợ Dịch Vọng Hậu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các tiểu thương tại chợ này còn có hành vi phá hoại, ngăn cản dự án trồng cây xanh tại khu vực nút giao thông Mai Dịch.
Theo tìm hiểu, hưởng ứng kế hoạch trồng mới 600.000 nghìn cây xanh, bằng nhiều hình thức, trong đó, khuyến khích tăng cường huy động nguồn lực từ xã hội hóa của thành phố Hà Nội đưa ra, việc trồng cây xanh tại nút giao Mai Dịch (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) và được chính quyền chấp thuận.
Sau khi hoàn thành thủ tục theo quy định của pháp luật, bằng kinh phí của mình, một doanh nghiệp đã khẩn trương tổ chức thực hiện việc trồng cây xanh theo thiết kế để kịp góp phần làm đẹp cảnh quan thành phố trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, đơn vị này lại gặp phải vô vàn khó khăn vì hành vi phá hoại của các tiểu thương cũng như cản trở của Ban quản lý chợ Dịch Vọng Hậu.
Doanh nghiệp gặp khó trong việc trồng cây xanh tại nút giao Mai Dịch. |
Cụ thể, thay vì hợp tác và bàn giao mặt bằng vỉa hè tại khu vực cổng chợ lại cho đơn vị thi công để thực hiện dự án trồng cây xanh, Ban quản lý chợ Dịch Vọng Hậu, lại tổ chức trông giữ xe trên vỉa hè tại khu vực dự án.
Thêm vào đó, các tiểu thương tại chợ tạm Dịch Vọng Hậu vẫn tổ chức kinh doanh trái phép, lấn chiếm trên toàn bộ tuyến vỉa hè. Những tiểu tương này cố tình ngăn cản không cho đơn vị thi công nhận mặt bằng để trồng cây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện trong thành phố nói chung, quận Cầu Giấy nói riêng để xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, di dời các chợ cóc, chợ tạm. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cải tạo các chợ để bố trí các hộ kinh doanh vào bán hàng, hạn chế tình trạng hàng rong, chợ cóc tràn lan, đồng thời, siết chặt giải tỏa vỉa hè và các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, khu vực chợ Dịch Vọng Hậu tồn tại rất nhiều bất cập trong các hoạt động mua bán, lấn chiếm lại chưa được mạnh tay xử lý.
Để nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND phường Dịch Vọng Hậu và UBND quận Cầu Giấy cần ra quân lập lại giữ kỷ cương trật tự đô thị, nhanh chóng trồng cây vỉa hè làm đẹp đô thị theo chủ trương chung cũng như chấn chỉnh lại hoạt động tại khu vực chợ Dịch Vọng Hậu.
Nhật Minh
Hà Nội xử lý các công trình sai phép ở quận trung tâm
8 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) có 550 công trình vi phạm trật tự đô thị, trong đó có tòa nhà cao tầng sai phép nằm ngay cạnh trụ sở UBND phường Cát Linh.