Bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu những ngôi biệt thự, nhà phố liền kề tại các khu đô thị mới nằm ven tuyến đường Lê Trọng Tấn, đại lộ Thăng Long (Hà Nội) nhưng nhiều gia đình đang phải sống như cảnh làng xã, ốc đảo mỗi khi mưa lớn.
Kết cấu hoàn thiện công trình ảnh hưởng nặng
Như VietNamNet đã phản ánh, cơn mưa lớn kéo dài vừa qua tại Hà Nội đã khiến cho nhiều đường phố, khu vực dân cư, khu đô thị (KĐT) mới ngập chìm trong nước. Trong đó phải kể đến KĐT mới Lê Trọng Tấn- Geleximco bị ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà nhiều hộ dân. Nhiều dãy nhà liền kề, biệt thự ngập nặng, nước tràn vào các hầm nhà để xe mặc dù người dân đã cố gắng đắp các bao tải đất để ngăn nước.
Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn chìm trong nước sau cơn mưa lớn. |
Điều đáng nói, theo phản ánh của những người dân sống tại đây, tình trạng ngập nặng tại khu đô thị năm nào cũng xảy ra. Hễ mưa to là nước tràn đường, ngập cả tầng hầm.
Trao đổi với PV VietNamNet, ThS. KTS Cao Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA cho rằng, nhà cửa bị ngập lâu trong nước đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
“Trước hết là hạ tầng chung bị ảnh hưởng. Đường, hệ thống điện âm (nếu có) , đường ống kỹ thuật ...sẽ bị ảnh hưởng nặng. Còn trong nhà, kết cấu hoàn thiện cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ sàn, tường, các kết cấu bao che. Hệ thống điện nước, hệ thống bao che như tường, sàn phải cải tạo lại” – KTS Hoàng Anh phân tích.
Tầng hầm các nhà liền kề luôn trong tình trạng ngập sâu trong nước khi mưa lớn. |
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng- Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng khi bị ngập trong nước lâu chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng.
“Đơn giản nếu ngập trong nước công trình sẽ dễ bị ẩm mốc, thậm chí có thể bị sụt lún. Nó sẽ ảnh hưởng các vật liệu như gỗ, sắt bị mục, rỉ... làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng” – ông Chủng cho biết.
Người dân chèo xuồng, ngồi thùng xốp di chuyển trong khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Ảnh: Diễn đàn cư dân). |
Theo KTS Hoàng Anh, người dân sống ở đây cần lưu ý kiểm tra thường xuyên hệ thống thoát nước, làm sạch bùn, rác tại các phễu thu, đường ống thoát nước..., cải tạo hệ thống điện như bố trí các ổ cắm có cao độ thích hợp tránh tiếp xúc với nước, sử dụng dây cáp điện chịu nước, ngắt nguồn và tất cả các thiết bị điện khi nhà bị ngập nước.
Tầng hầm vẫn mênh mông nước khi hết mưa. |
“Người dân sống tại những công trình bị ngập nước nên chủ động bảo vệ bằng các giải pháp như nâng nền nhà, trang bị máy bơm cho tầng hầm, Bố trí hợp lý nhiều phễu thu, đường ống có đường kính lớn giúp thoát nước nhanh hơn.... chống thấm kỹ tường bao, gia cố keo chống nước cửa sổ trước mùa mưa....sử dụng vật liệu mới có khả năng chịu nước tốt như bê tông, gạch, vách thạch cao chống nước, sàn chống nước …” - Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA cho hay.
Bao giờ thoát cảnh cứ mưa to lại lo ngập?
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các khu chung cư, KĐT mới càng xây về phía Tây; Tây Nam; Tây Bắc Hà Nội thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông, Hoài Đức. Bởi hầu hết các khu đô thị mới ở khu vực trên đều xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa chứ không phải đất đô thị. Trong khi hệ thống thoát nước không được quan tâm. Các KĐT không có sự liên kết với nhau. Khi thực hiện quy hoạch trong khu vực này không có hệ thống thoát nước đấu nối chung với hệ thống của thành phố.
Nước ngập sâu trong nhà cũng như ngoài đường (Ảnh Dân Việt). |
Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cũng thừa nhận đây không phải lần đầu mà liên tục trong thời gian gần đây tình trạng ngập úng khi mưa lớn liên tục xảy ra tại nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, KĐT mới tại địa bàn Hoài Đức như nút giao Thiên Đường Bảo Sơn - Lê Trọng Tấn với đoạn đường gom Đại lộ Thăng Long.
Lý giải về việc ngập tại các khu vực trên, theo vị này, về nguyên nhân có một số nguyên nhân chính. Đầu tiên là do quy hoạch hạ tầng thoát nước của khu vực này không đồng bộ. Dự án KĐT Lê Trọng Tấn - Geleximco, KĐT Nam An Khánh Sudico, khu Thiên đường Bảo Sơn..., đều được triển khai từ thời điểm trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Do vậy đến khi điều chỉnh lại quy hoạch, quy hoạch phân khu thì giữa quy hoạch mới và quy hoạch cũ có sự “đá” nhau về các mạng hệ thống thoát nước ngay ở các KĐT mới này. Thứ hai là có những hạng mục về hạ tầng ở khu vực này chậm triển khai. Thậm chí có những “xôi đỗ” khi không được triển khai đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Theo cư dân kể cả sau khi mưa tạnh thì nước rút cũng rất chậm. (Ảnh: Người dân dọn dẹp tầng hầm sau trận mưa lớn). |
Đề cập về giải pháp khắc phục tình trạng “cứ mưa là ngập”, vị cán bộ UBND huyện Hoài Đức cho rằng, đang gặp khó vì liên quan đến nhiều sở ngành, chưa rõ trách nhiệm nên chưa có hướng xử lý đồng bộ.
Tầng 1 những nhà biệt thự trong khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn ngập nặng, nhiều gia đình phải phá cửa cuốn xuống hầm để ô tô để cứu tài sản (Ảnh: Phạm Hải) |
Trong khi đó, phía Công ty Thoát Nước Hà Nội cho rằng, khu vực này tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng hầu hết hệ thống thoát nước tại đây là tự chảy (thoát nước tự nhiên) hoặc có nhưng chỉ mang tính nội bộ.
Cổng vào khu đô thị Nam An Khánh Sudico (Hoài Đức) ngập trong nước mỗi khi mưa lớn. |
Đánh giá về thực trạng “cứ mưa là ngập” tại khu vực này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ở đây đã ngập và sẽ còn ngập nữa.
Nước ngập trong khu đô thị Văn Quán (Hà Đông). |
“Không chỉ không đồng bộ trong hệ thống thoát nước, các khu đô thị cũng không có sự liên kết với nhau. Bên cạnh đó các chủ đầu tư khi làm đô thị chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán. Thậm chí, ăn bớt mà không ai giám sát cả, cho nên hệ thống đấu nối của các chủ khu đô thị này nối thẳng vào đường ống, bất kể khả năng đường ống đó chịu được bao nhiêu. Cho nên, việc cứ mưa to mưa kéo dài bị ngập lụt nặng ở khu vực này là tất yếu” – ông Tùng nói.
Bao giờ hết cảnh sống trong những ngôi biệt thự, nhà phố liền kề triệu đô cảnh cứ mưa to lại lo ngập? (Ảnh Dân Việt). |
Ông Tùng cũng nhấn mạnh: "Nếu cứ để tình trạng ngập như thế sẽ làm biến đổi địa tầng tức bản đồ địa tầng sẽ bị thay đổi. Úng ngập lâu quá về lâu dài có khả năng sẽ gây ra sụt lún các công trình làm phá hỏng những hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội ở đó bị đảo lộn. Đây là vấn đề mà Hà Nội phải nhìn nhận giải quyết một cách khoa học".
Còn người dân sống tại khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco cho biết, kể cả sau khi hết mưa thì nước rút cũng rất chậm phải 1-2 ngày sau nước mới rút hết trên mặt đường. Còn ở tầng hầm bị ngập cũng phải 2-3 ngày nước mới rút. Ngoài việc chuẩn bị những tải đất, cát để “đắp đập be bờ” mỗi khi mưa lớn hay mua sẵn máy bơm để bơm nước khỏi tầng khi mưa tạnh người dân cũng cũng chỉ biết kêu trời, ngán ngẩm “sống chung với lũ”. Và không biết bao giờ mới hết cảnh sống trong những biệt thự, nhà phố liền kề triệu đô mà cứ mưa to lại lo ngập?
Hồng Khanh
Bi hài Hà Nội: Ngồi thùng xốp, chèo xuồng vào ‘làng’ biệt thự triệu đô
Hàng loạt dãy nhà phố liền kề và biệt thự thuộc khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) ngập trong biển nước sau cơn mưa kéo dài tại Hà Nội.
Hàng loạt đô thị phía Tây Hà Nội "khóc thét" vì ngập
Nhiều khu đô thị mới phía Tây Hà Nội chìm trong nước sau mưa lớn. Đặc biệt các dự án dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, đại lộ Thăng Long
Cách khắc phục tình trạng nhà ngập nước mùa mưa bão
Dù nhà bạn ở khu vực trũng sâu nhưng nếu đảm bảo những điều kiện dưới đây cho ngôi nhà thì sẽ việc ngập nước mùa mưa bão sẽ được giải quyết.
Dự án An Bình City: Hàng nghìn căn hộ thiếu hụt diện tích
Hàng nghìn căn hộ tại dự án An Bình City có diện tích thông thủy bị thiếu từ 1,5-4 m2 so với hợp đồng mua bán