“Sốt đất” có quay trở lại?

Theo báo cáo mới đây của một đơn vị về bất động sản, thị trường đất nền tiếp tục là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm.

Đơn vị này cho hay, thông tin quy hoạch nhiều nơi gây ra hiện tượng sốt đất trong tháng 3/2021 và thông tin quy hoạch tiếp tục khiến mức độ quan tâm đất nền tăng trong các tháng cuối năm. Sau thời gian giãn cách, thị trường đất nền đang chứng kiến đà phục hồi.

{keywords}
Hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô bán nền... khiến lo ngại cơn sốt đất quay lại (Ảnh: Phiên đấu giá 178 lô đất tại khu dân cư phường Xương Giang và phường Đa Mai (TP.Bắc Giang) thu hút 1.732 hồ sơ với 517 khách hàng tham gia)

Cụ thể, tháng 11/2021, lượng tìm kiếm từ khóa quy hoạch bằng 80% so với đỉnh sốt đất của thị trường thời điểm đầu năm là tháng 3/2021.

So với năm 2020, mức độ quan tâm tới phân khúc đất nền tăng mạnh trên diện rộng như Hà Nội tăng 19%, Thái Nguyên tăng 123%,  Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%...

Không chỉ ghi nhận về mức độ quan tâm mà phân khúc này còn chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về giá. Trong phạm vi cách Hà Nội 50km, giá rao bán đất nền miền Bắc đều ghi nhận tăng mạnh như Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%.

Ghi nhận trong năm 2021, mức độ quan tâm tăng tại các khu vực miền Bắc, giảm ở nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam, giá rao bán tăng tại nhiều khu vực miền Bắc, Trung và Nam.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tại nhiều địa phương giá đất chào bán cũng tăng cao so với thời điểm cách đây ít tháng. Hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô bán nền... khiến lo ngại cơn sốt đất quay lại.

Mới đây, báo chí đưa tin phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng.

Hay tại Bắc Giang, mới đây tại phiên đấu giá 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang) thu hút đến 1.788 hồ sơ đăng ký. Được biết, khu đất rộng 12.900 m2 có tổng giá khởi điểm là hơn 137 tỷ đồng; các lô có diện tích khoảng 126 -180m2/ lô, giá khởi điểm từ 1,2 – 2,85 tỷ đồng/lô.

{keywords}
Ô B12 diện tích 44,5 m2 mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) có mức giá khởi điểm là 182,3 triệu đồng/m2 trúng đấu giá lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm

Kết thúc phiên đấu giá, 98 lô đất đều có khách hàng trúng, tổng giá trúng là 338 tỷ đồng, chênh lệch so với mức khởi điểm hơn 201 tỷ đồng; đặc biệt 2 lô góc rộng 180m2 có giá trúng chênh lệch so với giá khởi điểm từ 3,3 – 2,4 tỷ đồng. 

Tại Hà Nội, 25 lô đất thuộc khu X4 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) dù có giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Nhưng kết quả của phiên đấu giá sau đó đã khiến nhiều người bất ngờ vì giá trúng cao gấp 2 - 2,6 lần mức giá khởi điểm. Trong đó, giá thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2.

Mới đây nhất, một cuộc đấu giá đất được coi là "vô tiền khoáng hậu" tại Thủ Thiêm (TP.HCM) với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 lập kỷ lục trên thị trường bất động sản vượt xa giá đất "kim cương" quận 1 (TPHCM) hay quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thậm chí "vượt mặt" cả Mỹ, Hong Kong…

Trước những diễn biến mới của thị trường, nhiều chuyên gia lo ngại sốt đất quay trở lại. Khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung, một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao. Đặc biệt dịp cuối năm thông thường cũng là thời điểm bùng nổ về nhu cầu đầu tư bất động sản.

Địa phương vào cuộc chấn chỉnh, công khai quy hoạch

Trước hiện tượng giá đất tăng mạnh, một số địa phương đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng, siết điều kiện tham gia đấu giá đất…

Như tại Khánh Hoà, sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc định hướng quy hoạch, phát triển khu vực Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), thuộc Khu kinh tế Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics; nhiều nhà đầu tư đã rậm rịch về khu vực này để khảo sát, tiến hành mua, bán đất và giá đất ở đây cũng bắt đầu có chiều hướng “tăng nóng”.

{keywords}
Mỗi mét vuông đất này ở Thủ Thiêm vừa được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng

Nhận thấy nguy cơ rõ ràng của cơn sốt đất giống như hồi năm 2018 và đầu năm 2021, mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã ban hành thông báo số 5275/UBND về việc tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, để tránh phát sinh việc mâu thuẫn giữa các quy hoạch (quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch SDĐ cấp huyện, quy hoạch Vân Phòng và các quy hoạch chuyên ngành khác) và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người SDĐ (cụ thể đối với kết quả giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ). UBND thị xã Ninh Hòa thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích SDĐ từ ngày 10/12 2021 cho đến khi Quy hoạch SDĐ 2021- 2030 và Kế hoạch SDĐ năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh  – ông Võ Trọng Hải cũng có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử.

Ghi nhận từ thực tế, từ đầu năm đến nay từ Bắc vào Nam, nhiều quy hoạch đã tác động đến thị trường bất động sản. Có thể thấy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.

Như tại Hà Nội, sau khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6, ở Đông Anh, nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 giờ lên 50-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5-8 triệu/m2 chỉ qua một ngày...

Hay tại Quảng Trị, thời gian qua, sau khi một ông lớn bất động sản trúng đấu giá khu đất rộng hơn 13ha thuộc dự án khu đô thị Thương mại – Dịch vụ Nam Đông Hà tại phường Đông Lương (TP. Đông Hà, Quảng Trị), thị trường nhà đất ở khu vực này có sự “sốt’” nóng.

Theo đó, nếu như trước đây giá đất ở các khu đô thị mới tại TP Đông Hà dao động trong khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 thì nay đã ở ngưỡng 40 – 70 triệu đồng/m2.

KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, theo ông Tùng người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.

Theo chuyên gia bất động sản, bản chất thị trường là phải có đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự thì giá trị đất mới tăng lên, chứ chưa đầu tư mà giá đã tăng mạnh thì đó là bất hợp lý.

Việc khó khăn trong tiếp cận các thông tin về quy hoạch đang vô tình tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng quy hoạch để đầu cơ, thổi giá bất động sản nhằm kiếm lời. Đây cũng là khó khăn ở các địa phương, bởi để điều tiết giá đất thì còn cần sự vào cuộc của các bộ, ban ngành Trung ương trong việc tháo gỡ nút thắt trong phê duyệt dự án để tạo thêm nguồn hàng cho thị trường, bởi khi nguồn cung dồi dào thì giá ắt sẽ tự điều chỉnh.

Thanh Sơn 

Giá đất vượt xa thế giới, dự báo lập đỉnh căn hộ 50 tỷ ở Thủ Thiêm

Giá đất vượt xa thế giới, dự báo lập đỉnh căn hộ 50 tỷ ở Thủ Thiêm

Một doanh nghiệp vừa trúng đấu giá lô đất 10.000m2 ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 2,4 tỷ đồng/m2. Mức giá này có bất thường hay không vẫn còn nhiều tranh cãi...