Đất nền giá giảm từ 10 - 20%
Tại báo cáo toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, đánh giá về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết từ đầu năm, hiện tượng sốt đất nền cục bộ đã diễn ra tại một số khu vực trên cả nước.
Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng sốt đất ảo, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản.
“Đến nay, thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp”, Bộ Xây dựng thông tin.
Giá đất nền nhiều nơi lao dốc tới 20% so với thời kỳ cao điểm sốt đất, nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường |
Trong khi đó, đối với căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng nhẹ theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. HCM đều tăng do khan hiếm nguồn cung, khan hiếm dự án mới được mở bán.
Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 2% so với quý I/2021. Một số dự án có mức giá tăng cao hơn so với so với mức bình quân đạt khoảng 4-7%.
Ở chiều ngược lại, Bộ Xây dựng cho biết, giá bất động sản cho thuê như căn hộ dịch vụ, văn phòng… vẫn có xu hướng giảm theo quý, khoảng 1-3% so với quý I/2021. Riêng mặt bằng bán lẻ, nhà phố, giá cho thuê đã giảm 10-30% tại các thành phố lớn.
Kinh doanh bất động sản trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch – nghỉ dưỡng là hoạt động gặp nhiều khó khăn nhất.
Đất nền cắt lỗ nửa tỷ đồng vẫn khó bán
Trong báo cáo quý II của Hội môi giới bất động sản Việt Nam mới đây đánh giá về phân khúc đất nền, liền kề tại Hà Nội đơn vị này cho biết nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Lượng giao dịch ảnh hưởng do giá còn ở mức cao, một phần khác là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
"Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường", báo cáo của Hội môi giới nêu.
Theo đơn vị này, khu vực nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chương trình khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.
Về giá bán, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp. Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường nhưng cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Ghi nhận trên thực tế cho thấy, thanh khoản đất nền trên thị trường đều sụt giảm kể cả khi nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nửa tỷ đồng mỗi lô đất.
Trong cơn sốt đất cuối năm 2020 đầu năm 2021 vừa qua Thạch Thất, Hoài Đức…trở thành điểm nóng trên thị trường đất nền Hà Nội thì nay nhiều văn phòng nhà đất im lìm, vắng lặng. Tại khu vực Hạ Bằng, Thạch Hòa, Bình Yên, Đồng Trúc (Thạch Thất) những mảnh đất được “thổi” giá từ 20 – 25 triệu đồng/m2 đến nay vẫn đang nằm đắp chiếu, cỏ mọc um tùm.
Sau cơn sốt đất tại Bắc Giang nhiều khách hàng bỏ cọc, tháo chạy khỏi lô đất trúng đấu giá (Ảnh: Khu đất thôn Chùa, xã Thái Đào (Lạng Giang) sau khi đưa vào đấu giá có nhiều khách hàng bỏ cọc/ Báo Bắc Giang) |
Hay tại Vĩnh Phúc, thị trường cũng có dấu hiệu ảm đạm. Chị Minh trước đó có đầu tư 5 lô đất nền rao bán trong 2 tháng qua, mới đây có khách đặt cọc mua 2 lô nhưng sau ngày hẹn khách thông báo không vào tiếp tiền, chấp nhận bỏ cọc. Hiện chị Minh vẫn tiếp tục rao bán nhưng khách quan tâm hỏi mua ít và thường trả thấp hơn 200-300 triệu đồng/lô.
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2021, khi cơn sốt đất nền đang ở đỉnh điểm khu vực xã Nội Hoàng, Yên Dũng từng là điểm "nóng" nhất về giao dịch, mua bán đất tại Bắc Giang. Giá đất dao động ở mức 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2. Như đất tại Khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên có diện tích 72m2 thời điểm sốt đất được rao với giá gần 3 tỷ đồng. Anh Huy (Hà Nội) đã xuống tiền đầu tư vài ô đất nền với diện tích hơn 70-90m2 giá từ 2,5-2,9 tỷ đồng kỳ vọng giá sẽ tăng sau vài tháng. Tuy nhiên cơn sốt đất nhanh chóng hạ nhiệt, giá đất khu vực này cũng giảm sau thời gian ngắn. Sau vài tháng chào bán không có người mua, anh quyết định bán cắt lỗ 300-500 triệu mỗi lô nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh khoản.
Theo báo cáo quý II của Batdongsan.com.vn, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3, từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm, cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3. Phân khúc đất nền giảm mạnh nhất, gần 21%. Trong đó, các tỉnh thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%), đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý I. Những điểm nóng ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4.
Dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Mức độ quan tâm đến phân khúc đất, đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh, thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).
Xu hướng cắt lỗ được dự báo sẽ còn tiếp diễn trên thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh kịch bản kiểm soát dịch vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Khi thị trường đi xuống xuống, thanh khoản giảm, việc bán bất động sản khó khăn nên giá bán phải giảm mới giao dịch được. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc có cắt lỗ hay không cần phân tích kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì có thể duy trì, chưa vội vàng nghĩ tới chuyện cắt lỗ. Trái lại những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì cũng có thể xem xét đưa ra những mức giá phù hợp cho dễ thanh khoản.
Huỳnh Anh
Sau lùm xùm rao bán ‘siêu’ đô thị TMS Land Đầm Cói điều chỉnh quy hoạch
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói (tên thương mại là TMS Homes Wonder World) do Công ty CP Tập đoàn TMS (TMS Group) làm chủ đầu tư.