Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm. 

Theo VAFI, hiện các nước có nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm, tức thu phí tiền gửi, nhằm đảm bảo lãi suất cho vay từ 2% - 5% tuỳ thuộc đối tượng và thời hạn vay. 

Việc hạ lãi suất tiền gửi xuống thấp như trên sẽ kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà, chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp. 

{keywords}
VAFI đề xuất các giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm. 

Cũng theo VAFI, lãi suất tiền gửi và cho vay ở nước ta vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển. 

Nguyên nhân do nước ta chưa có hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế. Đồng thời, ngăn chặn dòng tiền chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như bất động sản hay ngoại tệ. 

Nếu hạ lãi suất tiền gửi, VAFI cho rằng, mặt tích cực là làm cho việc gửi tiền không còn hấp dẫn như trước, từ đó dòng tiền sẽ đổ vào các kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, mặt hạn chế là xuất hiện dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh, người thu nhập thấp khó có khả năng mua nhà. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Nguyên Đán – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ về những vấn đề liên quan đến việc hạ lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như đề xuất của VAFI. 

{keywords}
Ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Về mặt tích cực, giảng viên Trần Nguyên Đán cho rằng, lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm sẽ có lợi vì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm. Khi đó, người dân dễ tiếp cận với nguồn vốn hơn, bởi lãi suất cho vay chỉ còn khoảng 3%/năm - 4%/năm. Đây là điều người dân mơ ước. 

Về mặt tiêu cực, nếu hạ lãi suất tiền gửi còn 0%/năm thì người dân không mặn mà gửi tiền vào ngân hàng nữa. 

Khi lãi suất đầu vào thấp nhưng không ai gửi tiền thì buộc ngân hàng phải lấy các nguồn vốn khác để cho vay. Lợi tức đòi hỏi cũng cao hơn, cuối cùng lãi suất cho vay cũng phải cao chứ không còn thấp”, giảng viên Trần Nguyên Đán nói. 

Nếu lãi suất tiền gửi về mức 0%, theo giảng viên Trần Nguyên Đán, người dân sẽ có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư hấp dẫn hơn như thị trường chứng khoán hoặc bất động sản. Số lượng nhà đầu cơ bất động sản tăng lên. 

Thay vì gửi ngân hàng, người dân sẽ lấy tiền đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Mà thị trường bất động sản có thanh khoản tốt hay không phụ thuộc nhiều vào người mua nhà có nhu cầu thực. Trong trường hợp này, người mua thực không tiếp cận được vốn vay nhưng nhà đầu cơ tăng lên sẽ gây rủi ro cho thị trường, dễ xuất hiện bong bóng”, giảng viên Trần Nguyên Đán phân tích. 

Theo giảng viên Trần Nguyên Đán, lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm chỉ thực hiện được khi nguồn cung về vốn lớn. Những quốc gia áp dụng được chính sách này vì tiền tiết kiệm trong dân nhiều, lượng vốn thừa lớn. 

Vì nguồn cung vốn quá lớn nên lãi suất tiền gửi giảm. Trong khi đó, dân số nước ta đa phần trong độ tuổi lao động, đang “đói vốn”. Vì vậy, nếu hạ lãi suất tiền gửi về 0%/năm thì khó thu hút người gửi tiền. 

Lạm phát cũng là vấn đề khiến cho đề xuất hạ lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm khó thực hiện được. Giảng viên Trần Nguyên Đán cho biết, các quốc gia áp dụng lãi suất tiền gửi 0%/năm có  mức lạm phát rất thấp. Trong khi nước ta mới kiểm soát lạm phát ở mức 3% - 4% chỉ vài năm nay. Nếu lạm phát ở mức 4%/năm người gửi tiền sẽ bị lãi suất thực âm. 

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm sẽ là con dao 2 lưỡi. Lãi suất tiền gửi thấp kéo theo lãi suất cho vay cũng xuống thấp. Người dân có xu hướng đi vay để chi trả cho các nhu cầu tiêu dùng. 

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là sẽ có dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản. Giá nhà đất bị đẩy lên cao, người mua nhà ở thực khó có cơ hội sở hữu nhà. Về kinh tế vĩ mô, việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ khiến cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường.

Cẩn trọng ‘bẫy nợ’ với hình thức mua nhà 0 đồng

Cẩn trọng ‘bẫy nợ’ với hình thức mua nhà 0 đồng

Không cần bỏ vốn, người mua nhà còn được hỗ trợ vay 100% giá trị căn hộ với lãi suất 0%. Hình thức vay mua nhà này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, tuy nhiên có phải khách hàng được hưởng lợi? 

Phương Anh Linh