Chiều nay, tại Đại lễ đường nhân dân, Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia cùng những nghi thức lễ tân đặc biệt.

{keywords}

Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Ngay sau lễ đón, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Tin cậy chính trị chưa cao

Ông Tập Cận Bình đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã đạt được sau gần 30 năm đổi mới; tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những thành tựu to lớn hơn nữa, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông khẳng định, Đảng, Chính phủ TQ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

{keywords}
Hai nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng những tiến triển quan trọng mà nhân dân TQ đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản TQ trong đi sâu cải cách toàn diện, xây dựng đảng và quản lý đất nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với TQ là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Hai Tổng bí thư chia sẻ quan điểm cho rằng, trong 65 năm qua, mặc dù có những khó khăn, có những lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính trong quan hệ hai nước.

{keywords}

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: VOV

Hai Tổng bí thư cũng cho rằng, quan hệ hai nước có giai đoạn khó khăn, hiện nay một số lĩnh vực hợp tác chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao; trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Xử lý thỏa đáng bất đồng

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, cả hai nước đều đang đứng trước nhiều cơ hội to lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Để tranh thủ được thời cơ, đối phó hiệu quả với thách thức, hơn bao giờ hết hai Đảng, hai nước cần tăng cường hợp tác hữu nghị, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để tập trung hợp tác, phát triển đất nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Hai Tổng bí thư đã trao đổi thẳng thắn và đạt được nhận thức chung quan trọng, sâu rộng về một một số định hướng và biện pháp lớn nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả các linh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển thực chất, lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Một là, duy trì và tăng cường hơn nữa các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; coi đây là cơ chế trao đổi có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng không thể thay thế để tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, duy trì và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển bền vững; đồng thời, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò các cơ chế hiện có để kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh, duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định trong quan hệ giữa hai nước.

Hai là, tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung đã đạt được; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực;  tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, tổ chức tốt các hội thảo lý luận và kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng, tăng cường đi sâu trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, giáo dục chính trị, tư tưởng, trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, quản lý đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và mong muốn TQ tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là có những dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại tiên tiến, ưu tiên trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đồng thời đề nghị TQ quan tâm chỉ đạo lựa chọn nhà thầu có năng lực và khả năng tài chính để các dự án đầu tư tại Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Phía TQ nhất trí sẽ khuyến khích doanh nghiệp TQ mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam, cùng phía Việt Nam tích cực nghiên cứu, đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung; sớm xác định và trao đổi quy hoạch về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thiết thực thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng; thúc đẩy hợp tác trong các ngành nghề nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ và các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, kiểm nghiệm, kiểm dịch…

Phía TQ ủng hộ doanh nghiệp TQ sang Việt Nam đầu tư và sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại TQ.

Tổng bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ kinh tế thương mại hai bên cơ bản tốt. TQ không tìm kiếm xuất siêu sang Việt Nam, mong muốn nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Việt Nam.

Hai bên tuyên bố chính thức thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ và nhất trí cùng nhau thúc hoạt động của cả 3 nhóm công tác về tiền tệ, trên bộ và trên biển.

Hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Ba là, đối với vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh xây dựng COC là một phần quan trọng để giải quyết vấn đề trên biển; TQ đang cùng ASEAN bàn bạc nhiều lần để xây dựng COC.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2015.

Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sớm sang thăm chính thức Việt Nam. Ông Tập Cận Bình vui vẻ nhận lời.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng kiến ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác:

- Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020;

- Hiệp định hợp tác dẫn độ;

- Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ;

- Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ” (MOU) giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia TQ;

- Điều khoản tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân TQ;

- Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa hai Bộ Tài chính;

- Bản ghi nhớ về hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TƯ TQ.

Theo TTXVN, VOV