Sáng 10/11, Hội thảo  với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 (Industry Summit 4.0) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và Tập đoàn IEC tổ chức. 

Sự kiện này nhằm thảo luận và làm rõ sự cần thiết và vai trò của đô thị thông minh, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp nhằm phát triển, quy hoạch đô thị thông minh tại Việt Nam. 

Việt Nam hiện ở đâu về xây dựng các thành phố thông minh?

Chia sẻ tại phiên khai mạc, TS Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. 

Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. 

{keywords}
TS Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Việt Nam đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. 

Phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. 

Đến nay, trên cả nước đã có 41 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh. Trong đó, có đề án ban hành cho toàn tỉnh và cả đề án ban hành cho đô thị trực thuộc tỉnh. 

{keywords}
Hệ thống giám sát, điều hành an ninh, giao thông là một trong số những hạng mục quan trọng của thành phố thông minh. 

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thành Phong, việc phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn do nhận thức về đô thị thông minh từ góc độ nhà quản lý ở cấp độ địa phương, nhu cầu cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp và cả nhu cầu thụ hưởng của người dân. 

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế. 

Việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam còn riêng lẻ, manh mún, thiếu tính đặc thù cho mỗi đô thị. Nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh, bao gồm cả nguồn vốn và nguồn lực con người cũng có hạn. 

Những gợi mở về cách phát triển đô thị thông minh Việt

Theo ông Dương Công Đức - Giám đốc Giải pháp đô thị thông minh (Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel), một trong những yếu tố mấu chốt giúp các địa phương triển khai thành công một dự án đô thị thông minh là lựa chọn đúng đối tác triển khai.

Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel để xây dựng thành phố thông minh. Sở dĩ doanh nghiệp này kết nối được với nhiều tỉnh, thành phố như vậy bởi Viettel có thể “may đo”, tư vấn mô hình thành phố thông minh phù hợp với văn hóa, kinh tế và nguồn lực của địa phương. Nhờ đó, các tỉnh vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tránh được rủi ro khi sử dụng các giải pháp đóng gói sẵn tốn kém nhưng không phù hợp với nhu cầu. Đây là một trong những mô hình được đánh giá cao trên thế giới về hiệu quả và tính sáng tạo.

{keywords}
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên. 

Theo ông Dương Công Đức, thuận lợi của Việt Nam là chưa khi nào chúng ta có sự đồng thuận như vậy về việc phát triển thành phố thông minh từ Trung ương đến địa phương. 

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là câu chuyện đầu tư, tiếp cận những công nghệ mới nhất và làm sao để tìm, giải quyết các bài toán Việt Nam. Đó là những bài toán đặc thù, ví dụ như phát hiện người lấn chiếm vỉa hè, đổ rác thải trộm. 

Để xây dựng thành phố thông minh một cách tiết kiệm, hiệu quả, các tỉnh, thành phố nên sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, áp dụng công nghệ để đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó đáp ứng và giải quyết nhu cầu của từng người dân. 

Các địa phương nên dành từ 1-2% nguồn chi đầu tư của tỉnh để xây dựng hạ tầng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đào tạo người dân để họ có đủ năng lực thụ hưởng các thành quả mà việc phát triển thành phố thông minh mang lại, vị chuyên gia này chia sẻ.

{keywords}
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Chiến lược sản phẩm Tập đoàn VNPT.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Chiến lược sản phẩm Tập đoàn VNPT, các trung tâm điều hành thông minh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Điều này là bởi, trong từng lĩnh vực, bộ ngành, địa phương, các thông tin được cập nhật liên tục về trung tâm điều hành thông minh sẽ tạo ra động lực buộc phải chuyển đổi số. 

Lý giải cho điều này, Phó Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT cho rằng, khi các chỉ số mới nhất liên tục được gửi đến lãnh đạo, điều này sẽ tạo nên một sức ép vô hình buộc các cán bộ cấp dưới phải thực thi tốt hơn. 

Theo đại diện Tập đoàn VNPT, trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam, điều kiện cần là phải có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, bên cạnh đó, điều kiện đủ là phải đảm bảo sự liên tục của dòng chảy dữ liệu.  

Trọng Đạt

Thành phố thông minh từ câu chuyện bóng đèn

Thành phố thông minh từ câu chuyện bóng đèn

Nếu áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, các đô thị của Việt Nam sẽ đảm bảo chiếu sáng tốt và có thể tiết kiệm từ 40 - 70% điện năng tiêu thụ.