Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị mới nhất về việc tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới. 

Theo đó, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của thành phố phải xác định phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. 

Hà Nội cũng đề ra một loạt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối F1, quản lý nghiêm các F2,...

Đáng chú ý, trong số 9 biện pháp phòng dịch mà Hà Nội đưa ra, có yêu cầu về việc không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người, liên hoan, tiệc mừng không cần thiết. Thay vì vậy, Hà Nội khuyến khích việc họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin để các công việc có thể tiếp tục được vận hành và không bị đình trệ. 

{keywords}
Làm việc, hội họp online là một trong những giải pháp công nghệ được ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan trở lại. Ảnh: Trọng Đạt 

Việc tổ chức hội họp dưới hình thức trực tuyến là giải pháp công nghệ tiếp theo được chính quyền UBND thành phố Hà Nội khuyến khích trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. 

Trước đó, chính quyền Hà Nội đã ra công điện về việc tăng cường quản lý người trở lại Hà Nội sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Công điện này yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ bắt buộc phải khai báo y tế. Việc khai báo y tế điện tử được thực hiện qua trang web tokhaiyte.vn hoặc dưới hình thức quét mã QR. 

Không chỉ khai báo y tế online, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu người dân quét mã QR để check in, check out khi đến các địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… 

Quét mã QR để check in được xem là một trong những biện pháp giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên điện thoại. 

{keywords}
Bên cạnh việc hội họp online, Hà Nội còn yêu cầu người dân thường xuyên khai báo y tế điện tử và check in bằng mã QR để lưu lại các "mốc dịch tễ". Ảnh: Trọng Đạt

Trong trường hợp một người được xác định dương tính với Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lịch sử quét mã QR của người đó để lọc ra các “mốc dịch tễ” mà bệnh nhân đã tham gia hoặc đi đến trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát bệnh. 

Những người đã đến các “mốc dịch tễ” trong khoảng thời gian bệnh nhân check in, check out sẽ được lập danh sách để cán bộ điều tra truy vết, từ đó xác định ra các F1. 

Với việc yêu cầu người dân khai báo y tế điện tử, check in bằng app để lưu lại các “mốc dịch tễ” và hội họp online để tránh tập trung đông người, Hà Nội đang là một trong những địa phương thực hiện tốt việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để phòng, chống Covid-19. 

Thông tin cụ thể về cách triển khai các biện pháp phòng dịch bằng công nghệ đã được chỉ dẫn chi tiết trong bộ tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng” được Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành. 

Bộ TT&TT mới đây cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu và áp dụng bộ giải pháp nói trên nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Trọng Đạt

YouTuber Duy Nến bị phản ứng vì đưa tin giả Hà Nội phong tỏa

YouTuber Duy Nến bị phản ứng vì đưa tin giả Hà Nội phong tỏa

Với việc sở hữu kênh YouTube và fanpage có lượng tương tác mạnh, hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của Duy Nến đã bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt.