Phạm Thái Sơn (sinh năm 1995) - Phó Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: NVCC |
Còn trẻ, phải thấy vui khi làm việc, không hẳn là lương cao
Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau một thời gian làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, Phạm Thái Sơn đầu quân về Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông.
Không giống như thông lệ ở một cơ quan Nhà nước, 25 tuổi, Sơn đã được bổ nhiệm vị trí Phó trưởng phòng một bộ phận quan trọng của Cục. Không chỉ được lãnh đạo cơ quan đánh giá cao về năng lực cũng như tinh thần làm việc, Sơn còn được các tổ chức về an toàn thông tin trên thế giới vinh danh vì những đóng góp có ý nghĩa của mình.
Khi được hỏi về mức thu nhập sau khi chuyển từ doanh nghiệp tư nhân sang cơ quan Nhà nước, Sơn thẳng thắn chia sẻ rằng thu nhập của cậu “giảm đi một nửa”.
“Tôi nghĩ, ở góc độ tuổi trẻ chúng tôi, mình phải thấy vui khi làm việc đã, chứ không hẳn phải là lương cao hay quyền lợi lớn. Thời điểm đó tôi không suy nghĩ nhiều về thu nhập” - Sơn chia sẻ về lý do chuyển sang nơi làm việc mới.
Với cậu, một môi trường làm việc lý tưởng với người trẻ là nơi được phát huy tối đa khả năng của mình, là nơi được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Và một yếu tố quan trọng khác là Sơn cảm thấy phù hợp với văn hóa ở đây.
“Ở cơ quan, khi làm việc mọi người hầu như không nói chuyện với nhau, nhưng ngoài giờ thì mọi người rất quan tâm và thoải mái với nhau. Ở một số doanh nghiệp tôi từng làm việc, khi gặp một tình huống khó, có thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi người này người kia, thì người ta có thể bắt đầu sinh ra chuyện đùn đẩy.
Tôi thấy không thích và không phù hợp với điều đó. Còn ở đây, khi có một sự cố, tất nhiên sẽ có người này, người kia mắc lỗi nhưng mọi người sẽ cố gắng để hỗ trợ nhau, chứ không ai muốn làm căng thẳng chuyện đó lên. Tôi thấy đó là một văn hóa rất tuyệt vời”.
“Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc với những đồng nghiệp cũng rất trẻ, ngang tuổi tôi, thậm chí là trẻ hơn. Vì nơi làm việc có nhiều người trẻ nên mọi người luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc thân thiện nhất có thể", Sơn nói thêm.
Thích làm việc với người trẻ
Sơn nói, cậu thích được làm việc với người trẻ vì học được nhiều điều từ họ. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Hiện tại, ngoài bộ phận mình phụ trách, Sơn còn đang phụ trách một nhóm sinh viên thực tập khoảng 20 người. Mặc dù vẫn là một người còn rất trẻ nhưng Sơn tỏ ra ngưỡng mộ nhiều bạn trẻ hơn mình và cho rằng thế hệ các bạn còn có tiềm năng đi xa hơn nữa.
“Ở Việt Nam mình có rất nhiều bạn giỏi dù mới chỉ bằng hoặc kém tuổi tôi. Tôi cũng học được ở các bạn ấy rất nhiều. Đôi khi làm việc với các bạn, việc các bạn giúp mình chỉ là đặt câu hỏi ‘tại sao chỗ này anh không làm cách khác?’. Như thế là đã giúp cho mình có một ý tưởng về hướng đi khác rồi”.
Sơn luôn nhìn những người giỏi hơn mình với suy nghĩ: “Tại sao các bạn ấy cũng học như mình mà các bạn ấy làm được?”. Từ đó, cậu luôn nỗ lực học hỏi, kể cả từ những người trẻ hơn mình cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm làm việc.
Cậu nói, từ thời còn là sinh viên đã thích tham gia nhiều hoạt động và từng là “leader” của nhiều hội nhóm. Đến bây giờ, sự nhiệt huyết ấy vẫn còn hừng hực trong cậu dù đã ra trường. Sơn vẫn thường xuyên tham gia các hội nhóm dành cho những người làm trong ngành, thích hướng dẫn các bạn trẻ.
Sơn nhận thấy ngành An toàn thông tin của mình vẫn còn rất “mỏng manh” về đội ngũ nhân sự so với các ngành khác về công nghệ thông tin, “quay đi quay lại vẫn là những con người ấy”. Vì thế, cậu luôn muốn làm mọi việc có thể để mở rộng, phát triển nó.
Sơn và nhóm của mình thường tổ chức những buổi hội thảo, gặp gỡ giữa những người làm trong ngành để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ nhau về mặt chuyên môn.
“Hồi sinh viên, hầu như tôi cũng không được tiếp xúc nhiều thông tin về ngành, cũng không biết học ở đâu, phải tự đi tìm, thậm chí tìm rất là khó để có một môi trường thực tập sớm và tìm hiểu sâu. Tôi mong muốn các bạn trẻ có những môi trường tốt hơn mình ngày trước”.
Cậu đánh giá, nhân sự của ngành này còn “mỏng”, trong khi nhu cầu về nhân sự của các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng lớn. “Đó cũng là cơ hội để các bạn có việc làm, có mức đãi ngộ tốt hơn các ngành khác sau khi ra trường”.
Muốn để mọi người làm việc mình thích
Ngoài thời gian dành cho công việc, nhiếp ảnh là một trong những sở thích của Sơn. Ảnh: NVCC |
Nói về vị trí Phó trưởng phòng mà cậu đảm nhiệm khi mới chỉ 25 tuổi, Sơn chỉ cười và chia sẻ nhẹ bẫng. “Tại thời điểm được giao nhiệm vụ ‘leader’, tôi từng nghĩ chắc là mình sẽ làm tạm một thời gian rồi sẽ bổ nhiệm một anh nào đấy vào làm thay mình. Phản ứng đầu tiên của tôi là suy nghĩ xem mình có làm được không. Sau khoảng 1 tuần suy nghĩ, tôi chuyển sang nghĩ rằng bây giờ phải làm sao để làm được tốt nhất có thể và hi vọng anh em hợp tác với mình để làm việc cho vui vẻ, thoải mái”.
Chia sẻ về cách làm việc của mình, Sơn nói, trước tiên sẽ ưu tiên cho mọi người được làm việc mà mình thích, những việc là sở trường của họ. “Đương nhiên có những việc không nằm trong phạm trù mình thích nhưng là công việc thì vẫn sẽ làm”.
Sơn nói, ngay từ khi cậu còn là “lính”, cậu cũng được “leader” của mình ưu tiên cho làm những việc mình thích nhiều nhất có thể. "Tôi tôn trọng mong muốn đó của mọi người vì trước đây tôi cũng được tôn trọng như thế. Có những việc mình không thích thì “sếp” cũng nói cố gắng giúp anh làm cái này cho xong. Lúc ấy, mình làm việc vì tập thể của mình, chứ không phải vì mức lương mình nhận được bao nhiêu thì mình chỉ làm như vậy".
“Trước đây, mình với đồng nghiệp là những đường thẳng song song, không ai can thiệp vào việc của ai. Nhưng khi mình làm 'leader', mình phải can thiệp vào công việc của mọi người. Vì thế, tôi phải làm sao để cân đối cho phù hợp và để mọi người cảm thấy giống như trước đây họ đã từng làm, nếu có thể thì thoải mái hơn, hiệu quả công việc tốt hơn".
"Trong công việc cũng sẽ có rất nhiều khoảnh khắc xung đột thông tin với nhau. Thời gian đầu chưa hiểu nhau thì xảy ra nhiều, dần dần mọi người chia sẻ với nhau nhiều hơn. Chia sẻ trong phòng họp chán thì ra trà đá, nhậu nhẹt... Nhìn chung, các đồng nghiệp của tôi cũng là những người trẻ văn minh. Tôi cũng thấy mọi người luôn cố gắng hết sức để cùng nhau làm việc trong không khí thoải mái, chứ không có ai muốn làm khó ai cả”.
Chàng trai 25 tuổi được châu Âu vinh danh: Làm an toàn thông tin để luôn theo kịp công nghệ
Sơn không thích nói những chuyện to tát mà chỉ khẳng định rằng cậu thích việc mình đang làm và sẽ cố gắng làm nó tốt nhất có thể.
VietNamNet khởi động bình chọn “Nhân vật truyền cảm hứng 2020”
14 nhân vật được chọn trong danh sách đề cử “Nhân vật truyền cảm hứng 2020” xuất hiện trên VietNamNet, có đóng góp thiết thực, đôi khi là quyết sách táo bạo. Mời độc giả bình chọn tại đây.
Nguyễn Thảo