Robot Biya trả lời câu hỏi của người dùng trong quá trình hoàn thiện.

Với mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng, nhóm sinh viên mang tên Storm đã sáng chế ra robot Biya với 2 chức năng chính là thu gom rác thải và giải đáp các thắc mắc của du khách.

Trịnh Thanh Phú (sinh viên năm 4 khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), một thành viên của nhóm cho biết, sản phẩm này là một phiên bản khác của robot dọn rác dưới sông – cũng là sản phẩm trước đó của một số thành viên trong nhóm.

“Ý tưởng về Biya được truyền cảm hứng từ sản phẩm trước đó của tụi em. Ban đầu làm, nhóm chỉ có suy nghĩ đơn giản là đưa robot dọn rác tự động dưới sông lên cạn”.

Sau 1 tuần thảo luận, khi chưa tìm ra giải pháp để tăng hiệu suất thu gom rác, cả nhóm đã nghĩ đến phương án tăng hiệu quả của sản phẩm bằng cách tác động đến ý thức của người dân. “Đó là lý do Biya có chức năng nói chuyện”.

Hiện tại, robot có thể trả lời được khoảng 1.000 câu hỏi của du khách liên quan đến du lịch Đà Nẵng và bảo vệ môi trường. Nhóm đặt mục tiêu trong 3 tháng tới sẽ “dạy” Biya trả lời được khoảng 5.000 câu hỏi trong 1.000 trường hợp.

“Một câu hỏi có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Bọn em sẽ dạy Biya nhận biết nội dung các câu hỏi bằng cách ‘nạp’ một vài cách hỏi cho 1 trường hợp. Ví dụ, du khách có thể hỏi ‘đến Cù Lao Chàm đi chơi ở đâu?’, ‘trời mưa đi chơi ở đâu?’… Nếu Biya phát hiện nội dung câu hỏi giống nhau 80%, nó sẽ tự động tăng ‘data’ (dữ liệu) hiện có. Nếu câu hỏi chỉ giống 60%, robot sẽ gửi về web để người quản lý xác định nội dung đó giống hay khác nội dung có sẵn. Đó là cách tăng ‘data’ của bọn em”.

Từ 5 thành viên chính, hiện nhóm đã tuyển thêm 8 cộng tác viên làm nhiệm vụ “dạy” thêm ngôn ngữ cho robot. Mỗi ngày, mỗi người sẽ đặt mục tiêu “dạy” 20-30 câu để sớm cho ra một Biya mới có khả năng nói chuyện thành thục hơn.

{keywords}
Nhóm Storm (áo xanh) và robot Biya - thùng rác biết nói chuyện với người dùng.

Khi mang Biya đi tham dự vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa do UNESCO tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái, nhóm của Phú mới chỉ có một phiên bản Biya “rẻ tiền” với lớp “áo ngoài” bằng giấy bìa.

“Vì đang là sinh viên nên bọn em không có nhiều nguồn lực về cả kinh tế lẫn thời gian và kiến thức. Nhóm phải tận dụng phần cứng từ những robot khác mà mình đã làm, sau đó khoác thêm một ‘bộ áo’ bằng giấy bìa cho Biya. Tính ra chi phí cho phiên bản ban đầu chỉ có 5 triệu đồng” – Phú chia sẻ.

Chàng sinh viên năm 4 cũng cho biết, sở dĩ Biya chưa có được chức năng gom rác tự động như robot dọn rác dưới sông là vì địa hình trên cạn có nhiều vật cản hơn. Tuy nhiên, mục tiêu của nhóm trong tương lai là phát triển chức năng này, bước đầu là gom rác bằng điều khiển từ xa, sau là gom rác tự động.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình chế tạo Biya là xử lý khả năng nghe hiểu ở những nơi đông người. “Các robot có khả năng nói chuyện hầu như được đặt ở những nơi vắng người. Nhưng do đặc thù hướng tới du khách tham quan Đà Nẵng, Biya phải đặt ở những nơi có rất nhiều tiếng ồn. Việc xử lý ồn là một vấn đề mà nhóm phải giải quyết”.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là “data”, Phú cho biết. “Bọn em ‘dạy’ ngôn ngữ cho Biya bằng AI (trí tuệ nhân tạo), chứ không dùng từ khóa. Làm AI sẽ phát triển được lâu dài hơn, bởi vì AI có một cái hay là càng dùng càng thông minh hơn”.

{keywords}
Biya là một trong ba sản phẩm đạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa.

Chia sẻ về nhóm của mình, Phú cho biết rất may mắn là các thành viên trong nhóm - mỗi người theo học một chuyên ngành khác nhau vì thế có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong công việc.

“Bọn em gặp nhau ở một câu lạc bộ kỹ năng mềm và đã đi cùng nhau được 2 năm nay. Trước đó, bọn em từng làm chung nhiều dự án nho nhỏ nên không có nhiều áp lực. Đây là dự án đầu tiên lớn hơn một chút nên những ngày đầu, tụi em bắt đầu xảy ra những tranh cãi. Nhưng sau tất cả, bọn em lại trở nên gắn bó và hiểu nhau hơn”.  

Sau khi đạt đồng giải Nhất cùng với 2 đội thi khác, nhóm Storm được nhận giải thưởng 70 triệu đồng cho việc phát triển sản phẩm. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa, nhóm sẽ cho ra mắt một phiên bản Biya hoàn thiện hơn cả về ngôn ngữ lẫn ngoại hình.

Nếu thành công, nhóm dự định sẽ đặt những con robot đầu tiên ở Cù Lao Chàm và một số trường học để nâng cao hiểu biết của người trẻ về bảo vệ môi trường.

Sinh viên Bách khoa sản xuất gạch từ rác thải nhựa

Sinh viên Bách khoa sản xuất gạch từ rác thải nhựa

Chỉ trong vòng 5 tháng, nhóm sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công những viên gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải.  

Đăng Dương