Ở một đất nước mà giới trẻ được dạy phải giữ im lặng và tôn trọng người lớn tuổi, 3 người phụ nữ đã quyết định lên tiếng sau khi Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo đưa ra những nhận xét phân biệt giới tính rằng phụ nữ nói quá nhiều trong các cuộc họp.

{keywords}
Momoko Nojo, một sinh viên kinh tế và là đồng tác giả của bản kiến ​​nghị chỉ ra rằng mạng xã hội đã trở thành một phương tiện quan trọng cho sự thay đổi thế hệ như thế nào.

Một bản kiến ​​nghị trực tuyến đã bắt đầu rộ lên trên các mạng xã hội nhằm mục đích loại bỏ nhà lãnh đạo Olympic, Yoshiro Mori, 83 tuổi, và ngăn ông chuyển giao cho một người mà ông chọn. Thay vào đó, bản kiến nghị muốn người thay thế ông là một phụ nữ kém ông 25 tuổi - bà Seiko Hashimoto, cựu vận động viên Olympic và hiện là một nhà lập pháp.

Đối với một số người, khoảnh khắc này là một dấu hiệu đầy hy vọng cho thấy hệ thống phân cấp dựa trên độ tuổi cứng nhắc của Nhật Bản có thể bị tan vỡ. Trong trường hợp này, những người già đã bị buộc phải tuân theo cuộc chơi của những người trẻ, những người luôn cảm thấy ngột ngạt trong một xã hội mà tiền thưởng thường được quyết định dựa trên thâm niên thay vì năng lực.

Trong khi đó, Nhật Bản là một đất nước mà các nhà lãnh đạo chính trị, nhà kinh doanh quyền lực nhất thường rơi vào độ tuổi 70-80 hay thậm chí là 90.

Momoko Nojo, 22 tuổi, đang theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Keio (Tokyo), cho biết: “Những người trẻ tuổi chúng tôi muốn thay đổi những điều như vậy trong xã hội”. Momoko Nojov là một trong 3 tác giả của bản kiến ​​nghị thu hút hơn 150.000 chữ ký trên mạng xã hội.

Koichi Nakano, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho biết: “Có một sự thay đổi thế hệ đang diễn ra trong xã hội dân sự. Nhưng trong chính trị, kinh doanh và các tổ chức nói chung, những người chủ chốt hầu hết vẫn là những ông già”.

Hai năm trước, Yumi Ishikawa - một người mẫu, diễn viên, cũng là một nhân viên thời vụ - đã dẫn đầu một chiến dịch truyền thông xã hội, kêu gọi chấm dứt quy định lao động nữ phải đi giày cao gót khi làm việc. Bộ Lao động khi đó thừa nhận rằng họ cần phải "nâng cao nhận thức" về vấn đề này và một số tổ chức sử dụng lao động đã nới lỏng các quy định về trang phục. Tuy nhiên, ở nhiều nơi phụ nữ vẫn cảm thấy bắt buộc phải đi giày cao gót và mặc váy đến văn phòng.

Ở một khía cạnh nào đó, nhân khẩu học quyết định quyền làm chủ của người già Nhật Bản - hơn 1/4 dân số có tuổi từ 65 trở lên, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Người Nhật có xu hướng sống lâu hơn và có sức khỏe tốt hơn nhiều người dân các quốc gia khác. Và trên phương tiện truyền thông, nhiều tấm gương về những người thợ thủ công ở độ tuổi 70-80 khoẻ mạnh vẫn được ca tụng.

Jesper Koll, cố vấn cấp cao của công ty đầu tư WisdomTree, người đã sống ở Nhật Bản hơn 3 thập kỷ cho biết: “Thâm niên và tuổi tác vẫn quan trọng hơn năng lực. Ở Nhật Bản, thứ hạng không phải là khả năng, mà là tuổi tác”.

Hệ thống thâm niên tồn tại một phần vì nó mang lại cảm giác an toàn.

{keywords}
Ryutaro Yoshioka, người làm việc tại một công ty tiếp thị cho rằng, nhiều thanh niên Nhật Bản đang nổi dậy chống lại hệ thống thâm niên của đất nước.

Ryutaro Yoshioka, 27 tuổi, người làm việc tại một công ty tiếp thị ở Tokyo nói: “Khi tôi còn đi học, tôi hiểu rằng nếu bây giờ bạn lắng nghe những đàn anh lớn tuổi của mình, thì khi bạn có tuổi, mọi người sẽ lắng nghe bạn”. Tương tự, ở nơi làm việc, những nhân viên “ở lại công ty cuối cùng sẽ thăng tiến”.

Giờ đây, khi làm việc tại một công ty tiếp thị lớn ở Tokyo, anh nhận thấy những hạn chế của hệ thống này. “Ngay cả khi bạn không có nhiều khả năng, nhưng bạn vẫn có thể ở lại công ty 10, 20 hoặc 30 năm và nắm những vị trí rất cao. Và với những người nắm quyền này, lời nói của họ rất có giá trị, không ai dám phản bác điều gì”.

Một số nhà phân tích cho rằng văn hóa này đã gây trở ngại cho nền kinh tế Nhật Bản - một loại văn hoá tưởng thưởng cho sự tuân lệnh và loại bỏ đi những mạo hiểm.

Nakano tới từ Đại học Sophia cho biết: “Chúng tôi là một quốc gia có dân số ngày càng giảm, nền kinh tế trì trệ và ít đổi mới. Nhật Bản từng sản xuất ‘walkman’ (máy nghe nhạc di động), và bây giờ chúng tôi mua máy hút bụi từ Anh”.

Mặc dù, nhiều đơn vị sử dụng lao động đã bỏ qua hệ thống việc làm suốt đời phát triển sau Thế chiến thứ hai, nhưng nhiều công ty lớn vẫn thuê nhân sự thông qua một hệ thống gọi là shukatsu. Trong đó, người lao động gia nhập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học và dự kiến ​​sẽ ở lại cho đến khi nghỉ hưu.

Nhiều người trẻ tuổi than thở rằng khi họ không thể đảm nhận vai trò lãnh đạo cho đến khi lớn tuổi hơn, thì họ phải cam chịu với cách hoạt động của nó. Những người khác cảm thấy có ít lý do để làm bất cứ điều gì gây đảo lộn sự ổn định của hệ thống hiện tại. Vì tuy có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhưng phần lớn người dân có cuộc sống dư dả và thoải mái.

Kayo Shigehisa, 22 tuổi, người sẽ tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Kyoto năm nay và dự định giảng dạy cho một trường mẫu giáo, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy thất vọng, nhưng đó là số phận của chúng tôi với tư cách là thế hệ trẻ”.

Tuy vậy, một số người trẻ nói rằng, họ đang nhận thấy những dấu hiệu thay đổi, ngay cả ở những công ty lâu đời. Kaisei Sugawara, 25 tuổi, gia nhập một trong những công ty an ninh lớn nhất Nhật Bản với tư cách kỹ sư vào năm ngoái, được tuyển dụng vào một chương trình dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học có kinh nghiệm quốc tế. Sugawara sẽ được đưa ra nước ngoài vào năm thứ tư làm việc tại công ty, sớm hơn nhiều so với các thế hệ trước.

{keywords}
Kaisei Sugawara, kỹ sư tại một trong những công ty an ninh lớn nhất Nhật Bản dự kiến ​​sẽ được đưa ra nước ngoài vào năm thứ tư của mình ở công ty, sớm hơn nhiều so với thế hệ trước.

Những thay đổi như vậy có thể diễn ra với Nhật Bản ngay cả khi đất nước này không muốn. Do dân số ngày càng giảm, quốc gia này đã bắt đầu nới lỏng việc mời thêm lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể gặp khó khăn trong việc thu hút những người tài năng nhất nếu không khen thưởng xứng đáng hoặc cho nhân viên trẻ cơ hội thử sức với những ý tưởng mới.

Wakako Fukuda, một nhà hoạt động đang theo học ngành xã hội học tại Đại học Wako (Tokyo) nói: “Theo một cách nào đó, đại dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho những người trẻ tuổi”.

Trong xã hội Nhật Bản, “chúng tôi chưa bao giờ được dạy phải lên tiếng về bất cứ điều gì”, Fukuda nói.

Khi mọi người có nhiều thời gian để ở nhà hơn, họ lên mạng xã hội - nơi những người trẻ tuổi có thể bày tỏ ý kiến ​​theo những cách mà họ chưa từng được dạy. “Không gian mà chúng tôi đang tìm kiếm là đây, và nó được thống trị bởi những người trẻ tuổi”.

{keywords}
Wakako Fukuda, một sinh viên xã hội học và là một nhà hoạt động ở Tokyo, cho biết giới trẻ Nhật Bản đã được tiếp thêm sức mạnh bởi sự chuyển hướng sang môi trường trực tuyến trong thời kỳ đại dịch.


Xem thêm video: Tìm hiểu nghề "không làm gì cũng được trả tiền" ở Nhật Bản

Nguyễn Thảo (Theo Japan Times) 

Thế hệ trung niên thất nghiệp ăn bám cha mẹ ở Nhật Bản

Thế hệ trung niên thất nghiệp ăn bám cha mẹ ở Nhật Bản

Bị đẩy ra khỏi thị trường việc làm những năm 20 tuổi, họ tiếp tục tìm kiếm con đường đi ở tuổi trung niên.