Ngày 10/9, Tổng cục quản lý nhà nước về Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Trung Quốc ban hành loạt quy định mới đối với nghệ sĩ có các hoạt động quảng cáo, làm gương mặt đại diện nhãn hàng.
Luật quảng cáo của Trung Quốc mới chỉ rõ đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm. Theo Sina, đây là đòn giáng mạnh từ giới chức nước này vào nghệ sĩ khi những bê bối liên quan đến sự việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả niềm tin người tiêu dùng.
Vì quảng cáo sai trái, nhiều ngôi sao Hoa ngữ từng vướng vòng lao lý, suýt mất sự nghiệp vì bị tẩy chay. Diễn viên Mã Y Lợi, hot girl Quách Mỹ Mỹ bị điều tra và hầu tòa vì trót quảng cáo cho những sản phẩm lừa đảo. Ngay đến những tên tuổi lớn như Thành Long, Vương Phi, Chương Tử Di… bao nhiêu năm trôi qua vẫn phải chịu vết nhơ tham tiền, vì cát-xê cao mà bỏ quên chất lượng sản phẩm, làm hại người tiêu dùng.
Nghệ sĩ nhận quảng cáo dễ dãi, một lời xin lỗi liệu có đủ?
Nhiều nghệ sĩ Việt vướng ồn ào từ thiện, quảng cáo hàng kém chất lượng thời gian qua. |
Từ sự việc showbiz Hoa ngữ, không ít khán giả Việt ngẫm về giới giải trí nước nhà. Còn nhớ cách đây chỉ 2 tháng, câu chuyện hàng loạt người nổi tiếng bị công chúng chỉ trích khi thổi phồng sản phẩm quá mức. Nhãn hàng được các ngôi sao lựa chọn quảng cáo chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Vậy nhưng những sản phẩm này bị khách hàng phàn nàn, không có tác dụng như lời nghệ sĩ bảo đảm.
Chỉ đến khi vụ việc được các cơ quan quản lý vào cuộc, vài người trong số đó mới có động thái lên tiếng. Trong khi NSND Hồng Vân xin “cúi đầu” nhận lỗi, MC Quyền Linh cũng bày tỏ ân hận và xem đây là bài học sâu sắc sau hơn 20 năm làm nghề. Tương tự, hoa hậu Mai Phương Thúy, diễn viên Diệu Nhi, Nam Thư... cũng nhận sai vì đã không kiểm chứng nhãn hàng trước khi nhận lời PR.
Một lời xin lỗi luôn tốt hơn là im lặng giữa lúc gặp khủng hoảng hay sự cố. Tuy nhiên, những động thái ấy cần phải kịp thời, đúng lúc và đi kèm với những hành động thiết thực. Dễ nhận thấy, các nghệ sĩ có xin lỗi, nhưng sau đó việc chịu trách nhiệm hay nhận các hình phạt liên quan vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy còn những hệ quả họ gây ra cho chính người khán giả liệu có giải quyết được?
Một bộ phận khác thậm chí chọn thái độ “im lặng là vàng” mỗi khi bị “phốt”. Những người nổi tiếng nhận quảng cáo tiền ảo được xác nhận là hình thức lừa đảo như: Kiều Minh Tuấn, Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như, Ngọc Trinh… lại lặng lẽ xóa bài khi bị phản ứng, chưa hề có động thái cụ thể nào về sai sót của mình. Chính sự im lặng ấy cũng phần nào khiến họ đánh mất hình ảnh và cả niềm tin trong lòng công chúng.
Giữa bối cảnh “bát nháo” trên, hình ảnh một vài nghệ sĩ hiếm hoi nói “không” với quảng cáo khiến nhiều người cảm phục. Ở Trung Quốc, diễn viên Lý Bảo Điền – người nổi tiếng với vai Tể Tướng lưu gù làm nghề hơn nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ nhận lời đại diện nhãn hàng.
Nghệ sĩ Giang Còi và Lý Bảo Điền cả đời không nhận đóng quảng cáo vì muốn giữ chữ 'Tín' với khán giả. |
Năm 2003, Lý Bảo Điền nổi tiếng nhờ vai diễn trong phim Thần y Hỷ Lai Lạc. Nhiều hãng thuốc mời quảng cáo, ra giá hàng triệu nhân dân tệ song ông từ chối. Nam diễn viên lý giải, ông không muốn dựa vào sự nổi tiếng của mình để kiếm tiền bất chấp sản phẩm có hiệu quả hay không. "Tôi chưa từng sử dụng thì đâu biết được thuốc có hiệu quả hay không. Việc tôi làm đại diện sẽ khiến khán giả lẫn lộn giữa hình ảnh trong phim và trong quảng cáo, như vậy rất có lỗi với những người đã tin tưởng mình”, ông nói.
Tại Việt Nam, cố nghệ sĩ Giang Còi cả đời say mê nghệ thuật, chỉn chu với từng sản phẩm nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ xuất hiện trên banner của bất cứ nhãn hàng nào. Nam nghệ sĩ cũng từng nhấn mạnh rằng, tiền với mình quan trọng vì anh nặng gánh gia đình. Thế nhưng, cần tiền không có nghĩa phải làm tất cả bằng mọi giá.
Hai nghệ sĩ trên đều đã sống một đời tận hiến, trân trọng công chúng, và không bao giờ nhận quảng cáo để đánh bóng tên tuổi. Một khi họ biết giữ chữ “tín” với khán giả cũng là điều làm nên nhân cách, giá trị của một người nghệ sĩ lớn.
Cần quyết liệt để lập lại trật tự showbiz
Trong vòng một tháng qua, Trung Quốc có màn thanh trừng chưa từng có trong lịch sử showbiz. Màn “rớt đài” của những ngôi sao hạng A Hoa ngữ như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn,… hay mới đây là Triệu Vy cho thấy khán giả và cả giới chức nước này không thỏa hiệp với những hành vi đi quá giới hạn đạo đức và kể cả đời tư.
Giới chức Trung Quốc thực hiện chiến dịch thanh lọc showbiz. Nhiều nghệ sĩ hạng A vướng tai tiếng sụp đổ vì loạt chính sách mới này. |
Những scandal mang tính nghiêm trọng thậm chí khiến họ phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp gây dựng bao năm. Sự quyết liệt với các chính sách, điều luật khác như cấm nghệ sĩ nam ẻo lả, cấm tổ chức các cuộc bình chọn gây tốn kém kinh tế, điều tra vấn đề đóng thuế của nghệ sĩ… càng cho thấy quyết tâm cải cách và khôi phục một nền giải trí lành mạnh, trong sạch.
Từ chuyện xứ người ngẫm đến ta để phải nhìn nhận rằng: Ở Việt Nam trước nay cơ quan quản lý văn hóa chưa có quy định hay chế tài xử phạt nào cho những sai phạm về chuẩn mực đạo đức, lối sống. Nghệ sĩ cứ theo đà làm sai rồi xin lỗi hoặc im lặng đợi thời gian cho qua chuyện. Có người thậm chí lợi dụng chính những kẽ hở này để đánh bóng tên tuổi, gây chú ý.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin đang hoàn thiện dự thảo bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Đây là động thái tích cực từ cơ quan quản lý với việc nỗ lực cải thiện, nâng cao ý thức chuẩn mực của những người hoạt động nghệ thuật.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết bộ quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có quy định cấm sóng, cấm diễn với các nghệ sĩ ứng xử thiếu chuẩn mực. Nhưng đây là cái khung để nghệ sĩ làm việc và ứng xử có văn hóa. Trước đó, Bộ đã chấn chỉnh hiện tượng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc nói quá về công dụng sản phẩm.
Nghệ sĩ cần phản tỉnh lại mình sau những ồn ào
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định việc ban hành bộ quy tắc ứng xử vào thời điểm này là vô cùng cần thiết. Ông Dương nhìn nhận thời gian qua showbiz Việt có những sự việc lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ. Chính ồn ào này ít nhiều tác động tiêu cực đến khán giả.
“Tôi nghĩ đây sẽ là một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ. Còn việc xử phạt tất cả đã có nghị định của Chính phủ hay thông tư của Bộ. Khi nghệ sĩ phạm sai, mỗi đơn vị, bộ phận liên quan có thể lên tiếng, cảnh báo kịp thời để có hướng xử lý phù hợp. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người vi phạm sẽ nhận lấy những hậu quả do mình gây ra”, ông nói.
Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh vướng ồn ào từ thiện trong đợt cứu trợ miền Trung. |
Đa phần dư luận bày tỏ đồng tình trước việc ban hành dự thảo. Tuy nhiên, nhiều người lăn tăn bộ quy tắc này chưa đủ sức mạnh để răn đe. Một nghệ sĩ từng đặt câu hỏi quy tắc ứng xử mà không có giá trị xử phạt, chế tài cụ thể liệu có đủ để mọi người sợ và tuân thủ?
NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội sân khấu TP đồng quan điểm ủng hộ về sự ra đời của Bộ quy tắc. Ông cho rằng mỗi người nghệ sĩ muốn hoàn thành tốt sứ mệnh nghệ thuật của mình trước hết phải có ý thức của một người công dân. Họ phải tuân thủ pháp luật, làm việc và hành động cần đúng chuẩn mực đạo đức.
Chủ tịch Hội sân khấu nói nếu xét ở góc độ đạo đức, xã hội, những quy tắc trên áp dụng cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng giới nghệ sĩ. Vì thế, điều cần thiết là có sự cụ thể hóa và áp dụng được khi ban hành. Bên cạnh giám sát nghệ sĩ, cơ quan quản lý cũng cần siết chặt đầu ra là các sản phẩm nghệ thuật. Sự sát sao cả hai phương diện trên giúp người làm nghề có trách nhiệm hơn với chính mình trong cả cuộc sống và nghề nghiệp. Điều quan trọng là giúp nghệ sĩ có thể nhận ra sai sót, phản tỉnh bản thân nhưng đồng thời không kiềm hãm tính sáng tạo và cảm xúc nghệ thuật của từng cá nhân.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng bộ quy tắc trên kịp thời nhưng chưa đủ mạnh. Anh đề xuất các đơn vị quản lý cần có động thái cứng rắn, quyết liệt như một hình thức răn đe đối với mỗi nghệ sĩ khi vi phạm.
“Một người làm văn hóa trước hết phải có phông văn hóa. Khi họ có vị trí, danh tiếng và sức ảnh hưởng xã hội thì điều tiên quyết vẫn cần có lối ứng xử phù hợp. Việc nhiều nghệ sĩ lợi dụng tên tuổi để trục lợi, sống buông thả, những phát ngôn sai trái hay chạm ranh giới đạo đức rất cần bị xử lý nghiêm. Ngoài việc phạt tiền, có thể xem xét đình chỉ hoạt động có thời hạn, gỡ bỏ tác phẩm trên nền tảng internet hay thậm chí tước giấy phép hành nghề nếu mức độ vi phạm quá nặng”, anh chia sẻ.
Jack khiến công chúng mất niềm tin vì đời tư bê bối. Nam ca sĩ này hiện sở hữu lượng fan đông, đặc biệt là khán giả trẻ. |
Là người của công chúng, mọi thái độ hành xử, lời ăn tiếng nói của nghệ sĩ đều có ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Danh tiếng của các ngôi sao cũng giống như chiếc vương miện của các hoa hậu. Niềm tin bị đánh mất cũng đồng nghĩa vương miện không còn giá trị. Do đó, mỗi người cần ý thức giữ gìn và xây dựng hình tượng đẹp cho mình.
Đã đến lúc trách nhiệm của nghệ sĩ Việt Nam phải được xem xét lại. Và các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng phải mạnh tay với một số nghệ sĩ đang có những biến tướng tiêu cực về đời sống xã hội, không chỉ gói gọn phạm vi quảng cáo mà cả những hoạt động vì cộng đồng không chứng minh được sự minh bạch hay cả mặt đạo đức, đời tư.
Câu chuyện showbiz hay nghệ sĩ cũng phần nào phản ánh đời sống xã hội. Có nghệ sĩ chân chính, cả đời đau đáu vì nghệ thuật nhưng cũng có những cá nhân tiêu cực, những chuyện không đẹp tồn tại song song. Việc lên án những hành vi lệch chuẩn nhưng bên cạnh đó cũng cần ca ngợi những tấm gương tốt vì cộng đồng. Đó cũng là cách để lấy lại niềm tin khán giả, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững nền nghệ thuật nước nhà.
Tuấn Chiêu
Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: 'Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu'
Bộ VHTT&DL vừa đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Dự thảo quyết định về việc ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để lấy ý kiến nhân dân từ nay đến hết ngày 28/11.