- “Hơn 30 năm công hiến cho ngành giáo dục, tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn.Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nhồi".

Một ngày 20/11 nữa lại đến. Môt ngày hạnh phúc. Học trò cấp 2 chưa phải lớn nhưng các em cũng không còn nhỏ nữa. Tôi hạnh phúc vì những tấm thiệp chi chit chữ. Các em trong sáng, hồn nhiên với những câu chữ lê thê

Tôi luôn có học sinh ở bên cạnh và tôi cảm thấy các em hiểu, yêu quý và dành cho tôi những điều bất ngờ. Thế nên tôi ngạc nhiên trước suy nghĩ “Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn”.

Vì tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Mọi nỗ lực của tôi không chỉ được cấp trên ghi nhận mà phụ huynh, học sinh luôn trân trọng.

Còn việc được xã hội biết đến rộng rãi hay không, tôi nghĩ không quan trọng cho lắm. Đó dường như là ước muốn của những ngôi sao.

Đối với tôi, những gì tôi để lại trong lòng học sinh, phụ huynh mới là điều có ý nghĩa nhất.

{keywords}

Đối với giáo viên cấp THCS ở Thủ đô như tôi, những thành tích thiết thực nhất vẫn được đưa ra làm cơ sở xét thưởng là: số học sinh đạt giải các kì thi học sinh giỏi, học sinh đỗ vào chuyên, vào cấp 3…

Trường tôi, lớp tôi chủ nhiệm, cứ đến kỳ lại được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trở thành “lá cờ đầu”.

Mỗi khóa của tôi đều có hàng chục học sinh có giải thành phố, đỗ vào các trường chuyên danh tiếng của Hà Nội với số điểm rất cao.

Sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhiều học sinh thành đạt đã trở về cảm ơn cô giáo.

Nhưng nếu có ai hỏi tôi có hài lòng với những thành tích mấy chục năm dạy học không, tôi đánh số 0 ngay.

Tôi hiểu chia sẻ của đồng nghiệp Nguyễn Thị  Nhiếp khi tri ân những thầy cô lặng lẽ đóng góp cho ngành giáo dục mà không đòi hỏi, hay những đồng nghiệp của tôi muốn một sự bình yên để những giờ giảng bài thực sự thuần khiết.

Với tôi, hơn 30 năm làm nghề, tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn. Cái guồng quay của ngành vẫn đang quay vô cùng mạnh mẽ và những măt xích như tôi vẫn đang hối hả quay theo.

Những cuộc đuổi lao căng thẳng

Tôi cho rằng, thi học sinh giỏi mới là cuộc thi kinh khủng! Kì thi vào các trường chuyên, các trường cấp 3 công lập ở Hà Nội thực sự là một cuộc chiến nóng bỏng, gây áp lực nặng nề đối với thầy cô, phụ huynh và nhất là học sinh.   

Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nhồi!

Mỗi lần nhận đội tuyển, đồng nghĩa với mỗi lần nhận mình viết tiếp bảng thành tích chói sáng cho trường, cho quận.

Nhưng mỗi lần như thế, cả tôi và trò lại gân sức lên để làm việc. Trò thì trải qua đủ các vòng thi từ  lớp, trường, quận rồi thành phố. Sau mỗi vòng thi lại một chu trình “nhồi” thêm, nâng cao thêm kiến thức. Cứ thế, cả cô và trò ì ạch leo lên từng nấc. Học sinh thức, cô thức, bài vở chất đống. Cô trò đánh vật với nhau để được kết quả cuối cùng.

Bởi vì sao, vì mức độ khó của đề thi học sinh giỏi thì nhiều thầy cô dạy bình thường cũng không thể làm được. Thậm chí, trong tổ toán của một trường uy tín thì cũng chỉ khoảng 6 - 7 người làm được nhưng chưa chắc đã làm đúng hết.

Nhiều khi, tôi phải làm cái việc không đúng và  bất công với các đồng nghiệp khác là phải “chiếm dụng” các giờ học như Thể dục, Giáo dục công dân, Công nghệ…

Và học trò của tôi còn ám ảnh về  các kì thi này đến mức còn để lại trong lưu bút: “Có những hôm nằm mơ cũng phải nhớ đến môn Toán!”

Nhưng đã vào guồng rồi thì phải theo chỉ tiêu thi đua. Vì trách nhiêm của người đứng lớp, lòng tự trọng nghề nghiệp trong bối cảnh chung của giáo dục là thế, tôi không thể làm khác.

{keywords}
Học sinh Hà Nội sau buổi thi vào lớp 10. Ảnh: GDVN

Đó là kì thi học sinh giỏi. Còn kì thi vào cấp 3 mới khiến tôi trăn trở nhiều nhất. Kì thi này cùng với thi học sinh giỏi đã khiến cho chương trình học nặng nề thêm. Có ở trong nghề như chúng tôi mới thấm vì sao học sinh cứ phải oằn lưng mà cõng sách vở đi học thêm.

Chương trình có những nội dung được đưa vào giảng dạy sớm hơn và theo sách giáo khoa, những kiến thức đó mới chỉ mang tính giới thiệu. Nhưng vì đi học thêm, học sinh được học nhiều dạng bài hơn, sẽ giải quyết nhanh gọn các câu hỏi trong đề thi. Điều đó tác động đến kết quả thi, đến tỉ lệ học sinh được vào cấp 3.

“Đất” vào cấp 3 công lập ở Hà Nội vô cùng chật hẹp, chỉ đáp ứng được một nửa số lượng học sinh là nhiều. Vì thế, mức độ khó của đề thi cũng phải co duỗi cho vừa với “đất”. Thế là, rút kinh nghiệm đề thi năm trước học sinh đáp ứng tốt, năm nay đề sẽ khó hơn!

Cứ sau mỗi lần rút kinh nghiệm và  dự báo xu hướng ra đề của những giáo viên có  kinh nghiệm như tôi, những kiến thức truyền cho học sinh cứ thế phải nặng dần, khó dần để theo kịp với đề thi.

Thi cử chính là nguyên nhân khiến cho học thêm, nhồi nhét phát triển và mọi thứ quay lại ràng buộc nhau khiến cuộc chiến càng gay gắt.

Tôi nhận thấy, nếu chỉ học sách giáo khoa, ít nhất là học sinh thủ đô không thể vào cấp 3. Chỉ vì sách giáo khoa hạn chế dạng bài, mức khó cho phù hợp vùng miền, nhưng việc học thêm, dạy thêm và ra đề thi ở thủ đô thì muôn hình muôn vẻ và đương nhiên độ khó thì vượt xa.

Ngoài các trường phổ thông thi đề chung của Sở GD-ĐT, mỗi trường chuyên ở Hà Nội lại có kiểu ra đề khác nhau khiến cho việc ôn thi của các em càng phức tạp.

Phụ huynh, học sinh và giáo viên cứ thế lao theo các kì thi. Nhiều khi, học sinh của tôi không biết các em học để làm gì, học cho ai, lựa chọn như thế nào. Nhiều phụ huynh của tôi rất quyết tâm để con vào trường chuyên. Họ cho rằng vào đó là đảm bảo đỗ đại học, danh tiếng gia đình…

Một sự thật khác

Vì thế, có một sự thật khác mà tôi muốn nói. Những em tư chất chỉ đạt đến 6 -7 phần và không phù hợp với các trường chuyên vốn dành cho các em thực sự có tư chất tốt.

Nhưng vì học thêm nhiều, nhồi nhiều nên thành “đường cày đảm đang” và các em có thể vượt qua bài thi.

Nhưng kiến thức đó chỉ đáp ứng được bài thi. Khi vào môi trường rèn luyện ác chiến như thế, các em sẽ chơi vơi mà học, trong khi các bạn có năng lực được chú ý để thành mũi nhọn.

Các em sẽ rất khổ sở với những kiến thức kinh viện, chuyên sâu không phù hợp và không cần thiết ở thi đại học.

Vì thế, cho dù các em có vào chuyên thì kết quả đó chỉ là sự hài lòng cho một khoảng ngắn và chẳng nói lên rằng các em đã chọn đúng hướng và sẽ thành đạt.

Để thành đạt trong cuộc sống, các em cần rất nhiều kỹ năng và hiểu biết xã hội khác.

Tôi mong sao phụ huynh hãy tôn trọng và hiểu sở trường của con mình, để các em được theo đuổi những mặt mạnh đó.

Nếu được quyết định, tôi sẽ làm gì?

Tôi cũng cho rằng, giáo dục sẽ không thể toàn diện nếu thi cử vẫn tiếp diễn như  thế. Có những ngôi trường, để có thành tích đẹp thi học sinh giỏi, thi đại học, thi chuyên, đã sẵn sàng hi sinh những giờ học khác để tập trung cho các môn thi. Học sinh phần nhiều trở thành mọt sách, tự bản thân các em sẽ phát triển lệch mà thôi. Chưa kể, điều đó vô tình khiến các em xem nhẹ những kiến thức ở các môn khác, là cách đối xử bất công và thiếu tôn trọng với các giáo viên.

{keywords}
Một không gian vui chơi giải trí dành cho giới trẻ ở Hà Nội

Nếu được quyết định, tôi sẽ bỏ  ngay kì thi học sinh giỏi để các em có thêm nhiều sân chơi vui học. Kiến thức trong sách giáo khoa sẽ  giúp các em giải quyết và lý giải nhiều vấn  đề trong cuộc sống, hình thành cho các em phương pháp tư duy chứ không chỉ là ghi nhớ kiến thức phục vụ những kì thi.

Tôi đang chờ sự thay đổi trong đề  án đổi mới giáo dục trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng dự báo sẽ được triển khai từ năm 2015.

Liệu những mong muốn, đề xuất của một giáo viên vẫn được ngành công nhận là giáo viên giỏi như tôi có được đáp ứng?

Còn ở thời điểm hiện tại, những người thầy như chúng tôi vẫn đang quay cùng guồng quay thành tích của ngành giáo dục, của xã hội.

Chúng tôi có mong muốn như thế và hi vọng rằng chúng tôi không cô đơn!

  • Hường Nguyễn (Ghi từ lời kể của một giáo viên)