Chị Nguyệt Lê, giảng viên một trường ĐH tại Hà Nội, có hai con đang học lớp 2 và lớp 6. Những ngày này được 3 mẹ con gọi vui là “kỳ nghỉ không tình nguyện”. Sự gián đoạn trong học tập của hai bạn nhỏ khiến cuộc sống gia đình chị ít nhiều thay đổi.
“Dịch bệnh khiến mọi người từ nông thôn đến thành thị đều có sự xáo trộn trong lối sinh hoạt cũng như các vấn đề của cuộc sống. Bản thân mình cảm nhận rõ rệt thế giới xung quanh và cả chính mình cũng đang thay đổi. Nhưng cách gia đình mình đối mặt với nó là thích nghi trong vui vẻ”, chị Nguyệt chia sẻ.
Kể từ ngày nghỉ dịch, chị chuyển sang giảng dạy online cho sinh viên tại nhà. Chuyện dọn dẹp nhà cửa, nấu đồ ăn sáng đã trở thành việc làm thường xuyên của Thỏ (12 tuổi) và Gấu (8 tuổi). Nhân kỳ nghỉ, chị Nguyệt muốn dạy thêm cho các con cách làm một số công việc nhà, tạo ra một vài món tráng miệng đơn giản như tiramisu, mousse hay caramel. Được phụ mẹ vào bếp khiến cả hai chị em đều tỏ ra háo hức.
Thỏ và Gấu cùng vào bếp. Nhân kỳ nghỉ dài, chị Nguyệt muốn dạy cho các con thêm một vài kỹ năng.
Mới đây, nhân kỷ niệm ngày cưới, chồng chị đã tặng cho vợ một bộ tạ để tập thể dục trong nhà. Thay vì đến phòng gym, giờ đây cả gia đình cùng tập thể dục mọi lúc.
“Đôi khi, mẹ vừa tập tạ, vừa nấu cơm làm cả nhà phải ôm bụng cười”, Thỏ kể.
Ở nhà những ngày “cách ly xã hội” cũng khiến cô bé 12 tuổi được làm một số kế hoạch nho nhỏ mà bình thường vốn không đủ thời gian như dựng video về những chuyến du lịch trước đó của cả nhà, làm sơ đồ tư duy về những nơi mà mình đã từng đi qua hay thuyết trình về các nước trên thế giới.
Căn hộ chung cư diện tích không quá lớn cũng được tận dụng thành nơi để hai chị em cùng nhau cắm trại. Trong khi Thỏ chọn mang theo cuốn “Trở về nơi hoang dã” đang đọc dở dang, Gấu lại lựa bộ “Ngôi nhà trên thảo nguyên” bằng tiếng Anh. Được đọc sách và chơi cùng nhau trong lều trại khiến cả hai chị em cảm thấy thích thú.
“Trước đấy, con và Gấu đôi khi có cãi cọ với nhau, nhưng thời gian này lại trở nên hòa thuận hơn bao giờ hết vì hàng ngày tụi con vẫn chơi và chia sẻ cùng nhau. Em Gấu đã thực sự trở thành một người bạn thân của con”, Thỏ hào hứng khoe.
Việc cắm trại trong nhà giúp cả hai cùng thay đổi không khí
Đến buổi chiều, khi bố đã đi làm về, cả nhà sẽ cùng uống trà và tâm sự, sau đó xem một bộ phim tài liệu như "Earth Planet" hay "Seven Worlds One Planet" của BBC. Ngoài ra, Thỏ và Gấu cũng xin mẹ cho xem mỗi ngày một tập của bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” để vừa giải trí, vừa học tiếng Anh.
Chị Nguyệt thừa nhận, trước đây do bận mải, bố mẹ và con cái không có nhiều thời gian cùng nhau xem một bộ phim ý nghĩa. “Đây thực sự là khoảng thời gian cả nhà được gắn kết bên nhau”.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, chị Nguyệt cũng thường xuyên cùng các con cập nhật tin tức về dịch bệnh. Theo chị, đây là cách để giúp các con nhận thức rõ hơn về cuộc sống.
“Mình cho các con xem hình ảnh và video về cách người dân các nước đối mặt với dịch bệnh, giống như khi người Ý đứng trên ban công và hát hay chuyện người dân ở chính thành phố của mình giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn”.
Nghe những câu chuyện mẹ kể và xem những hình ảnh trên TV, cả hai chị em của Thỏ thống nhất sẽ trích một phần tiền tiết kiệm để ủng hộ vào quỹ “Mỗi ngày một quả trứng”.
“Khi con cảm thấy vẫn ổn thì có rất nhiều người đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Con muốn được giúp đỡ những người đang gặp khó khăn xung quanh mình”, cô bé 12 tuổi nói.
Cả nhà cùng chơi với nhau vào buổi tối
Cũng vì tính chất công việc, kể từ đầu mùa dịch, chị Lương Huyền (Hà Nội) tạm thời nghỉ việc ở nhà. Thu nhập của gia đình giảm đi phần nửa khiến đôi lúc chị cảm thấy căng thẳng và áp lực.
Hai vợ chồng thống nhất cuối tuần sẽ gửi con về quê cho ông bà ngoại chăm giúp. Tuy nhiên, ngày 1/4, toàn xã hội thực hiện việc cách ly, vợ chồng chị đành phải để con ở lại thành phố.
“Ở trong nhà nhiều khiến mình cảm thấy căng thẳng. Đôi khi các con ồn ào hay tranh cãi cũng khiến mình bực tức. Có những lúc mình quát con dừng lại, nhưng rồi sau đó lại nhận ra đó không phải là giải pháp tốt nhất”, chị Huyền kể.
Để giữ năng lượng tích cực cho mọi người, chị Huyền bắt đầu tìm cách giúp các con làm những việc có ích và có mục tiêu.
Buổi sáng khi thức dậy, hai cậu con trai 5 tuổi và 8 tuổi sẽ tự giác hút bụi, lau nhà và dọn khu vực chơi của mình.
Trong khi mẹ chuẩn bị bữa trưa, Bin (8 tuổi) học bài qua mạng, còn em trai sẽ ngồi tô màu. Nghỉ học dài ngày không ảnh hưởng quá nhiều đến Bin bởi cậu bé đã quen với việc tự học tại nhà.
“Con làm phiếu bài tập cô giao, đọc sách tiếng Anh online như Raz-kids, Epic và tự viết topic theo chủ đề mẹ đặt”, chị Huyền chia sẻ.
Buổi chiều, hai anh em sẽ cùng nhau tạo ra những trò chơi vận động trong nhà như nhảy lò cò lên các tờ giấy đặt sẵn hay trò bowling vui vẻ - ném bóng vào các chai nhựa xếp thành hàng trước mặt sao cho các chai đổ hết.
Tranh thủ lúc rảnh, chị Huyền cũng dạy con tập gõ 10 ngón trên Word hay tự làm các slide thuyết trình.
“Mình luôn cố gắng tạo ra thật nhiều hoạt động đa dạng để các con không cảm thấy nhàm chán. Ở trong nhà nhiều, mình cũng chú trọng cho con các hoạt động thể chất để tránh việc bọn trẻ lên cân”.
Những trò chơi được các bạn nhỏ sáng tạo trong ngày nghỉ
Hàng ngày, buổi tối là quãng thời gian lũ trẻ thích nhất bởi chúng được tham gia vào trò chơi mà chúng đã bốc thăm.
Trong “chiếc hộp bí mật” với khoảng 30 trò được ghi trong các tờ giấy nhỏ, Bin và em trai sẽ bốc một tờ giấy, trúng trò nào sẽ chơi trò đó. Các trò chơi được ba mẹ con thống nhất và cả nhà sẽ cùng tham gia vào, từ đuổi hình bắt chữ, sáng tác thơ, cắt dán,... đến các trò vận động như vượt chướng ngại vật (thi bò qua những chiếc gối, bò vào trong hộp các - tông để về đích) hay trò tắt nhạc, bật nhạc (khi nghe thấy tiếng nhạc thì nhảy hoặc làm bất cứ động tác vận động nào; khi tắt nhạc thì phải dừng lại),...
Được bốc thăm để chơi những trò mình yêu thích khiến cả hai anh em Bin đều cảm thấy thích thú. Nhờ vậy, “kỳ nghỉ bất đắc dĩ” trở nên vui vẻ và bố mẹ cũng có thể “trở lại tuổi thơ” cùng các con.
“Đôi khi con có vẻ chán khi lặp đi lặp lại một trò nhiều lần. Lúc này mình lại tìm cách cùng con thảo luận và thay thế danh sách trò chơi bằng các công việc khác con thích thú hơn.
Tất nhiên cũng có lúc con khiến mình vẫn phải tức giận hay mắng mỏ. Nhưng khi nghe thằng lớn động viên em: “Mẹ ở nhà nên khó tính, em xin lỗi mẹ đi” thì mọi bực bội lại tan biến”, chị Huyền chia sẻ.
Thúy Nga
Trải nghiệm học ở nhà của trẻ em nước Anh khi bị cách ly
"Chứng kiến các con đang học tiểu học mà sử dụng ứng dụng giống hệt bố mẹ đang dùng ở công ty, chợt thấy khoảng cách thế hệ thực ra không tồn tại khi nói về công nghệ".