Tái cấu trúc hệ thống các trường đại học, cao đẳng là vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 12/6.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam.

“GDĐH Việt Nam nên xây dựng theo mô hình university thực sự”

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết giai đoạn 1990, Bộ đã đề nghị xây dựng 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng theo mô hình đại học đa lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện này đã diễn ra không đúng như thiết kế.

Lý do chủ yếu là các trường thành viên phản đối việc sáp nhập vì mất nhiều ghế “quản lý”. Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, do đó các quy chế tổ chức được xây dựng theo mô hình “đại học hai cấp”.

Mô hình này đã làm vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình đai học đa lĩnh vực. Trước những nhược điểm ấy, GS Thiệp đề xuất hệ thống GDĐH của Việt Nam nên xây dựng theo mô hình university thực sự.

Muốn vậy, theo ông, tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý một đại học hai cấp theo một trong hai giải pháp. Thứ nhất, cho phép các trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành các university và đại học hai cấp biến thành một tập đoàn các university.

Thứ hai, đại học hai cấp chuyển thành một university đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp; toàn bộ university có một chương trình đào tạo chung.

GS Lâm Quang Thiệp cũng đề xuất Việt Nam nên xây dựng hệ thống GDĐH đẳng cấp thế giới hơn là tập trung phần lớn nguồn nhân lực của mình để tạo ra số ít các trường đại học đẳng cấp thế giới.

“Hệ thống GDĐH mang đẳng cấp thế giới là hệ thống mạnh, đa dạng, phân tầng, đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu khác nhau của sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu học tập”.

{keywords}

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nhìn nhận, nguyên nhân làm cho các trường đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như đại học đa lĩnh vực đích thực là do chưa phải là một chỉnh thể thống nhất. Chúng chỉ được vận hành dưới dạng một “tập đoàn đại học” hay “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.

Mặt khác, về mặt pháp lý, các trường thành viên đã được Nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập, làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các trường này.

Để các trường đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của GDĐH Việt Nam, một trong những giải pháp được TS Khuyến đưa ra phải trao quyền tự chủ, đồng thời đề nghị xóa đi cơ chế bộ chủ quản.

“Khi đó, bộ chủ quản chỉ cử một người tham gia vào hội đồng trường để điều hành, chứ không phải bắt hội đồng trường phải báo cáo công việc và có đồng ý hoặc không. Nếu chấp nhận cơ chế trao quyền tự chủ cho nhà trường thì phải bỏ cơ chế bộ chủ quản”, ông Khuyến nói.

Nên giảm bớt trường công lập

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Bá Cần, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) đã chỉ ra những điều chưa đạt được trong việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH ở Việt Nam.

Theo TS Cần, hầu hết các cơ sở GDĐH dù định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng đều tập trung ưu tiên cho mở rộng tuyển sinh đầu vào đào tạo đại trà. Hoạt động đào tạo tinh hoa và nghiên cứu khoa học của các trường thuộc tốp trên chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, chi phối, hỗ trợ cho các cơ sở thuộc tốp trung và tốp dưới.

Về số lượng và quy mô sinh viên đào tạo tại các cơ sở đều tăng về số lượng nhưng không tăng tỉ lệ phần trăm theo quy hoạch.

Ông Cần lấy dẫn chứng, năm 1995, cả nước có 23 cơ sở đào tạo ngoài công lập với quy mô đào tạo là 54.100 sinh viên, chiếm 14,7% tổng số quy mô sinh viên của cả nước. Đến năm 2018, số cơ sở đào tạo ngoài công lập tăng lên thành 65, với quy mô là 267.530 sinh viên, chiểm tỷ lệ 15,7% tổng số quy mô sinh viên.

“Như vậy, trong suốt 23 năm, tỷ lệ sinh viên đại học ngoài công lập so với tổng quy mô sinh viên của cả nước chỉ tăng đúng... 1%, trong khi mục tiêu đặt ra là 30% trong năm 2020”, ông Cần cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia tư vấn cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2016-2021, đưa ra đề xuất nhằm tái cấu trúc hệ thống các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2020-2045 phù hợp với mô hình phát triển nguồn nhân lực cùng giai đoạn.

Ông Cảnh kiến nghị Nhà nước nên có chủ trương tập hợp số lớn đại học cùng chuyên ngành thành đa ngành, giảm số trường đại học công lập từ 171 trường xuống còn khoảng 160 trường nhằm quản lý và phân phối nguồn lực hiệu quả.

{keywords}

Nếu thực hiện tái cấu trúc đại học, cao đẳng theo quy mô nói trên, ông Cảnh nhận định sẽ giúp Việt Nam có được nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý, thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động. Đến năm 2045, dân số Việt Nam có bằng đại học (4 năm) tăng từ 9,3% đến 20% đáp ứng nhu cầu quản lý, kỹ thuật và chuyên môn.

Thúy Nga – Thanh Hùng

Thủ tướng: Không để tự chủ đại học "gây rối loạn"

Thủ tướng: Không để tự chủ đại học "gây rối loạn"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp là một mục tiêu của đại học.