Đây là nội dung khác với những thông tin mà Bộ GD-ĐT cung cấp tại cuộc họp báo về SGK mới ngày 22/1 (mà theo đó thì UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK).

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi rõ hơn về vấn đề này với VietNamNet.

{keywords}
 

- Thưa ông, theo các thông tin đưa ra trước đây thì Bộ GD-ĐT chuẩn bị hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng UBND các tỉnh thành có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, trong phiên họp của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sáng 26/11 lại yêu cầu thực hiện theo Nghị quyết 88, tức là thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2020 - 2021 sẽ thuộc về các cơ sở giáo dục. Vậy trong quá trình chuẩn bị các bước cho triển khai chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, Bộ GD-ĐT có lường đến tình huống này?

Từ đầu năm 2019, khi triển khai các văn bản pháp lý để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án hướng dẫn triển khai, trong đó có cả phương án hướng dẫn triển khai theo Nghị quyết 88. Trên thực tế Bộ đã làm, trước khi luật thông qua từ đầu năm 2019. Hồi tháng 2 năm nay chúng tôi cũng đã chuẩn bị rồi.

- Vậy Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK ra sao?

Thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88 mà Bộ đang soạn thảo chỉ áp dụng đối với lớp 1 và có hiệu lực thi hành đến hết tháng 6/2020.

Theo Nghị quyết 88 thì “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh".

Các trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, người đứng đầu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thành viên hội đồng là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đứng lớp và đại diện cha mẹ học sinh.

Bộ cũng sẽ quy định trách nhiệm phòng, sở; chẳng hạn như tiếp nhận báo cáo của trường lên, tổng hợp các trường, để từ đó có thông tin để công bố cho công chúng.

- Việc chọn sách năm nay sẽ do các trường quyết định; còn những năm sau sẽ do UBND tỉnh. Như vậy có thể xảy ra những tình huống như: Hội đồng trường chọn sách lớp 1 là sách A, lên lớp 2 tỉnh chọn sách B. Điều này sẽ xử lý ra sao?

Bộ GD-ĐT đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Các SGK đều phải đảm bảo yêu cầu này. Bởi vậy, học sinh khi học SGK này, sau đó có chuyển sang học SGK khác cũng không gặp phải khó khăn.

Việc chọn sách trong những năm sau năm học 2020-2021 sẽ phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa và chuyển tiếp, chứ không có thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành

- Giáo viên năm nay dạy sách lớp 1 này, sang năm sau lại dạy sách lớp 2, 3, 4....của bộ khác, thì sẽ thích ứng như thế nào?

Ở đây, cũng cần phải nói rõ là các bộ SGK khi được thẩm định đạt tiêu chuẩn đưa vào nhà trường đều đảm bảo viết theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018.

Về kiểm tra, đánh giá, chúng tôi sẽ sửa quy chế đánh giá học sinh hướng dẫn cho giáo viên khi kiểm tra, đánh giá học sinh phải thoát ly được ngữ liệu cụ thể trong sách.

Trong tháng 12, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện sớm thông tư lựa chọn sách theo Nghị quyết 88.

Sự chủ động với chương trình giáo dục các trường cũng đã được chuẩn bị từ trước. Những năm gần đây,  Bộ GD-ĐT đã có các hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo viên chủ động xây dựng bài học.

Bên cạnh đó, cũng đã có những hướng dẫn (chẳng hạn như ở công văn 4612) về đổi mới kiểm tra đánh giá.

Ngay cả trong hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn,  giáo viên cũng đã làm quen với việc chủ động xây dựng bài học.

- Hướng dẫn chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 theo Nghị quyết 88 có ảnh hưởng gì tới tiến độ công bố dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo Luật Giáo dục sửa đổi?

Điều này không ảnh hưởng gì, vì bộ đã có tính toán từ đầu 2019.

Dự kiến, Bộ sẽ công bố dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 vào đầu tháng 12.

Cùng với đó, Bộ sẽ hoàn thiện thông tư triển khai chọn sách giáo khoa theo luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020). Tinh thần của hướng dẫn này là đảm bảo kế thừa tiếp nối với thông tư trước, đặc biệt với sách mà trường phổ thông lựa chọn.

Xin cảm ơn ông!

Hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, làm tiền đề thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi của năm học sau

Tại phiên họp sáng 26/11 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các đại biểu đã đề nghị Chính phủ tuân thủ Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước mắt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK lớp 1 mới theo quy định trong Nghị quyết 88, bảo đảm trình tự và tôn trọng quyết định của cơ sở giáo dục, làm tiền đề cho việc thực hiện Luật của năm học sau, bảo đảm tính ổn định và tránh lãng phí...

 Nghị quyết 88 của Quốc hội là văn bản ban hành năm 2014, quy định về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, SGK. Trong đó nêu: "Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".

Luật Giáo dục (sửa đổi) ở khoản c Điều 32 quy định: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT"

Các trường được tự chọn sách giáo khoa mới ở năm học 2020-2021

Các trường được tự chọn sách giáo khoa mới ở năm học 2020-2021

- Các cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK mới để sử dụng cho năm học 2020-2021 dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Hạ Anh - Thanh Hùng (Thực hiện)