- Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến đưa vào nhà trường từ năm 2018 - 2019 được đánh giá là có mục tiêu hoàn hảo, cách tiếp cận hiện đại, với nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi những bất cập của giáo dục hiện hành. Một trong những lo lắng phổ biến khi áp dụng chương trình là sự sẵn sàng, đồng thuận và khả năng thích ứng của đội ngũ giáo viên đến mức độ nào.

"Cơ hội tinh giản đội ngũ"

Giới thiệu về chương trình mới, GS Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán - cho biết môn toán sắp tới sẽ tinh giảm, sẽ dạy những nội dung cốt lõi, thiết thực, làm sao cho học sinh ra sống được, làm việc được. 

Còn PGS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên môn văn cho biết số lượng tiết học của môn này chiếm tới 18,75% thời lượng của cả 3 cấp học, cao nhất so với các môn. Nội dung lý luận văn học và lịch sử văn học sẽ không còn được dạy theo kiểu hàn lâm. Môn văn sẽ xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định một số tác phẩm lớn; còn lại gợi ý danh sách các tác phẩm khác....giáo viên chủ động chọn lựa.

Để đạt được những mục tiêu mới này, PGS Thống cho rằng quan trọng nhất là cách dạy của giáo viên. Người thầy sẽ giúp học sinh tiếp cận và kết nối, liên hệ từ bài học trong sách tới cuộc sống hiện tại; cần chuẩn bị cho việc tiếp cận nhiều tài liệu, phương tiện dạy học khác nhau.

GS Thái cũng nhìn nhận vị trí của sách giáo khoa sẽ thay đổi hẳn, yếu đi rất nhiều - trong khi vai trò của giáo viên quan trọng hơn.

Tại một hội thảo trước đó - ngày 15/4, GS Thái cho rằng GV toán của Việt Nam hiện nay trình độ rất kém nên không truyền tải được hết tinh thần của SGK. Trong khi đó, GV ở nước ngoài chỉ coi SGK như một tài liệu tham khảo để biên soạn một cuốn SGK của riêng họ. Điều mà GS Thái lo lắng là nếu đội ngũ giáo viên, cách thi cử không thay đổi thì đổi mới sẽ thất bại.

Khi tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) cho rằng nếu áp dụng chương trình mới vào năm 2018 hơi gấp vì quá nhiều khó khăn chưa giải quyết.

Hiện tại đội ngũ giáo viên có tuổi đời cao là khá lớn nên tính thụ động nhiều. Số giáo viên giỏi không nhiều do giáo dục chịu hệ lụy đầu vào“chuột chạy cùng sào”. Lựa chọn môn học phải tính toán lại cơ chế biên chế giáo viên khá cứng nhắc. Cơ sở vật chất thiếu thốn, việc dạy học chỉ tập trung vào thi cử”- ông Hiếu liệt kê.

Tại hội thảo khoa học về công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của Hà Nội đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra ngày 22/4, nhiều hiệu trưởng đã nêu vấn đề không nên để học sinh chịu đựng nỗi khổ là phải học với các giáo viên không có năng lực, tâm huyết nghề nghiệp.

"Ngành giáo dục nên coi đây là một cơ hội tốt để thanh lọc và tinh giản đội ngũ" - bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà đề nghị.

Nhiều giáo viên không quan tâm

Hiệu trưởng một trường ở Quận 1 (TP.HCM) cho rằng nhiệm vụ của giáo viên là cập nhật, đổi mới từng ngày, nhưng nếu đổi mới toàn diện thì phải có quá trình chứ không phải làm ngay.

“Nếu đùng một cái, bị ụp lên đầu chương trình mới thì chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Tất nhiên việc dạy thì phải dạy, học thì phải học nên cuối cùng học sinh là người lĩnh đủ” - cô nói.

Một hiệu trưởng ở Q.Tân Bình, TP.HCM kể rằng, khi Bộ ban hành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bà đã thông báo trong cuộc họp giáo viên của trường. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có thông báo để giáo viên tham gia góp ý, "nhưng nhiều giáo viên không quan tâm".

“Nhiều giáo viên vẫn còn tâm lý “thập diện mai phục”, nhiều người thậm chí không đọc dự thảo. Họ bảo ở trên ban hành như thế nào cũng được vì chế độ đãi ngộ như hiện nay, họ không muốn đầu tư thời gian, công sức để đổi mới”- cô kể.

Cô hiệu trưởng này cho rằng, chỉ khi nào “vực” được sức ì của giáo viên và có “đòn bẩy tài chính” mới hi vọng đổi mới thành công.

Trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, thầy giáo Phạm Thái Sơn, tổ trưởng tổ Kỹ năng và Trải nghiệm (Trường THPT Việt - Nhật, TP.HCM) đã hiểu được một phần của việc cần phải đổi mới nên đa đi học những lớp về đổi mới sáng tạo, tham gia các câu lạc bộ khởi nghiệp để được trải nghiệm tinh thần đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu những phương pháp mà các nước, đặc biệt là Nhật Bản, đang làm để áp dụng.

“Thế nhưng, không phải tất cả giáo viên đều làm điều này vì không phải ai cũng có sự chuẩn bị”- thầy Sơn cho hay.

Theo thầy Sơn, có “vực” được giáo viên đổi mới hay không phụ thuộc rất nhiều vào người quản lý vì giáo viên đã chịu rất nhiều áp lực, được đào tạo đã lâu, đổi mới theo chiều hướng mới rất khó.

“Thường thì khi có chương trình mới, chúng tôi mới được tập huấn.Thú thực là hiện nay, chúng tôi vẫn quay cuồng với cách dạy và thi nên cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc đổi mới. Khi nhà trường họp để góp ý cho dự thảo, điều chúng tôi lo lắng nhất là làm thế nào để dạy được. Dù đâu đó chúng tôi cũng biết điều này nhưng lâu nay vẫn với kiểu thi cử, đánh giá kiểu cũ nên cuối cùng chúng tôi bị "lờn" khi nói đến đổi mới”- thầy Sơn chia sẻ.

Thầy Sơn cho rằng, để thực hiện chương trình mới, thì người quản lý phải có kiến thức và kỹ năng về đổi mới sáng tạo, được trải nghiệm để xây dựng mô hình quản trị đạt hiệu quả cao trong việc triển khai chương trình mới.

Về phía giáo viên do đã quen với việc truyền tải kiến thức, mà chương trình mới có nhiều việc liên quan đến kỹ năng và thái độ nên phải được huấn luyện thường xuyên.

“Và vấn đề là lãnh đạo phải trả lời câu hỏi của chúng tôi: Ai là người đào tạo chúng tôi? Ai trả kinh phí cho việc này? Nếu chúng tôi không “thấm” được thì giải quyết họ ra sao?”- thầy Sơn nhấn mạnh.

Hiện trạng chưa thay đổi

TS Phạm Thị Ly (thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực):

Kết quả thực hiện dự án mô hình trường học mới (VNEN) và thông tư 30 về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thong để lại bài học đắt giá về tính khả thi của mọi nỗ lực cải cách. VNEN và thông tư 30 đều dựa trên những ý tưởng đúng đắn, nhưng đã vấp phải phản đối quyết liệt của cả giáo viên lẫn phụ huynh ở nhiều nơi…Điều đó cho thấy mọi đổi mới chỉ có thể thành công nếu thuyết phục được và tìm được sự đồng thuận của giáo viên cũng như phụ huynh. Đó là chưa nó đến trình độ, điều kiện và năng lực thực hiện của đội ngũ thực thi….

Đề án đã tính đến việc đào tạo giáo viên để đáp ứng đòi hỏi của chương trình, nhưng vấn đề của giáo dục phổ thong Việt Nam hiện tại nói chung và chất lượng giáo viên nói riêng không thể giải quyết được chỉ dựa vào dăm ba khoá tập huấn…Giáo viên phổ thông hiện nay thu nhập quá thấp… Thêm vào đó là cách tổ chức quản lý trường học thiếu minh bạch, công bằng; thiếu tôn trọng tiếng nói giáo viên; thiếu điều kiện vật chất và không gian tự do cho giáo viên sáng tạo. Từ trước đến nay, họ phải tuân theo nhiều quy định chi li và nghiêm ngặt, thậm chí xoay như chong chóng trước những thay đổi hàng năm của các quy định và hướng dẫn đó. Trước thực tế đó, nhiều người đã quá ngao ngán, mệt mỏi và chỉ muốn đi theo lối cũ để không phải nhọc công và mất thì giờ…

(Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Số 15-2017, ra ngày 23/4/2017)


  • Lê Huyền - Thanh Hùng