Theo các thông tư 01, 02, 03, 04 vừa ban hành ngày 02/02/2021 của Bộ GD-ĐT, để được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng, giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở hạng đó.

Giáo viên đổ đi học chứng chỉ

Trong thư gửi về Báo VietNamNet, chị N.T.T cho biết mình là giáo viên THCS ở Hà Nội. Dù đã đứng lớp gần 30 năm nhưng khi nghe thông tin về hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT, cô và nhiều giáo viên khác băn khoăn nếu không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng 2 thì sẽ phải tụt xuống hạng 3. Như vậy, tiền lương cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo chị T, chị đã hỏi hiệu trưởng nhưng vị này cho hay bản thân cũng chưa hiểu rõ và đang chờ hướng dẫn cụ thể.

“Chúng tôi đều có nhiều năm cống hiến cho ngành, chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Nếu giờ đây vẫn phải đi học lấy chứng chỉ để được “giữ hạng” thì thật vô lý”, cô T. nói.

Còn chị Thu Hằng - một giáo viên tiểu học ở Lạng Sơn chia sẻ dù chưa rõ cụ thể, chị đã đăng ký học chứng chỉ nghề nghiệp hạng II vì “thấy đồng nghiệp đi học”.

Không chỉ cô T, chị Hằng, những ngày qua, trên các hội, nhóm của giáo viên, chuyện đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện “nâng hạng”, “tụt hạng” hay có “giữ hạng” được không là chủ đề gây bàn tán nhiều nhất.

{keywords}
Giáo viên sắp về hưu cũng lo học chứng chỉ để “giữ hạng, giữ lương”

Giữa lúc xôn xao vì chưa có đầy đủ thông tin, giáo viên liên tục nhận được tin nhắn quảng cáo các lớp học chứng chỉ “cấp tốc” với mức học phí từ 2 – 3,5 triệu đồng, học khoảng 5 ngày. Đồng thời, người đăng tin cũng “thúc giục” giáo viên đi học sớm để “khi cần là có ngay”, tránh bị lỡ các kì xét hạng, ảnh hưởng tới lương…

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 49 đơn vị được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thì còn hàng loạt đơn vị liên kết đào tạo tổ chức các lớp học tương tự.

Có trường trung cấp điều dưỡng, quản trị kinh doanh hay truyền thông cũng liên kết với trường đại học sư phạm để bồi dưỡng loại chứng chỉ này.

Hiệu trưởng 1 trường sư phạm xin giấu tên phân tích: "Việc tổ chức một số lớp quá đơn giản, chỉ 3-5 ngày thu 2-3,5 triệu đồng/người trong khi chi phí bỏ ra thấp, nên các trung tâm, đơn vị liên kết tuyển sinh mới mọc ra nhiều như vậy. Giáo viên ít thông tin, nên khi không có hướng dẫn từ cơ quan quản lý họ sẽ đi học theo quảng cáo, hoặc người nọ chỉ cho người kia. Hơn nữa, sự thật là đa phần giáo viên không thiết tha học mà chỉ cần chứng chỉ, nên chất lượng lớp bồi dưỡng thấp là dễ hiểu".

"Nên thận trọng"

Sau khi các thông tư mới của Bộ GD-ĐT được ban hành, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra hiện tượng các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ồ ạt đăng ký tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Trước tình trạng này, ngày 26/2, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã phải ra công văn hỏa tốc, trong đó nêu rõ "giáo viên phải xác định bản thân đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng nào để chọn lựa, đăng ký bồi dưỡng lấy chứng chỉ phù hợp, đảm bảo các quy định...

Trong lúc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan, Sở GD-ĐT đề nghị Trưởng phòng GD-ĐT và Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở phổ biến, yêu cầu giáo viên thận trọng, cân nhắc việc đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng phù hợp với hạng của giáo viên, để việc bồi dưỡng thiết thực và có hiệu quả".

{keywords}
Công văn hỏa tốc của Sở GD-ĐT Quảng Trị

Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, người ký văn bản này cho biết: "Sở dĩ Sở GD-ĐT Quảng Trị phải ra công văn hỏa tốc vì khi có sự thay đổi, nhiều giáo viên chưa tiếp cận đầy đủ nội dung thông tư mới. Nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn chuyển hạng nhưng vẫn sốt ruột đi học. Đây là điều không cần thiết.

Ví dụ có giáo viên mới đi làm được 4, 5 năm đã đi học chứng chỉ hạng II, trong khi theo quy định phải 9 năm mới được chuyển hạng.

Việc ra công văn hỏa tốc cũng là để các cơ sở giáo dục có thời gian rà soát, tạo điều kiện cho giáo viên đi học bồi dưỡng, đồng thời thu xếp hoạt động của nhà trường, những ai chưa cần thiết thì có thể để sau chứ không nhất thiết học đợt này" - ông Phương nói.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi, là người đã có một thời gian khá dài trong ngành, việc Bộ GD-ĐT nâng yêu cầu đối với giáo viên hạng 1, hạng 2.... chỉ là một phần trong việc nâng cao chất lượng giáo viên. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác mà quan trọng nhất là tinh thần tự nguyện và sự tâm huyết – học để đạt trình độ chứ không phải để đạt bằng cấp".

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, trước đây đã có tình trạng giáo viên trong tỉnh đua nhau bỏ tiền đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thậm chí nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phải làm bài bản, các đơn vị tổ chức phải có tư cách pháp nhân.

“… Đối với giáo viên, để tránh lãng phí thì đến lúc cần thiết hãy đăng ký học. Ví dụ như còn 6, 7 năm nữa mới tới hạn nâng bậc thì học từ bây giờ làm gì? Hay còn thiếu các điều kiện khác nữa thì cứ bổ sung đi rồi hãy học” – ông Thành nói.

Trước đó, ngày 24/2, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có công văn đề nghị các Phòng GD-ĐT, trường học trên địa bàn rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Trong đó, lưu ý xác định từng giáo viên phải đào tạo trình độ nào, phải bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng bao nhiêu và khuyến cáo giáo viên không tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không đủ điều kiện, không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí không đáng có.

{keywords}
Từ ngày 20/3, giáo viên các cấp sẽ được tính lương theo cách xếp hạng, bậc mới

Ông Thái Văn Thành khẳng định, để công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo hiệu quả, chất lượng và không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ phối hợp với một số cơ sở có năng lực, được Bộ GD-ĐT cho phép để triển khai hoạt động này. 

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

TS Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nhận định, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, nên khi một chính sách mới có hiệu lực sẽ gây những xôn xao. Đây là chuyện bình thường. Điều cần thiết nhất bây giờ là có hướng dẫn thật cụ thể để tránh tình trạng giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ.

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng đồng tình với đề nghị này.

“Dù sao thì giáo viên là nhóm yếu thế nên hay lo lắng. Lợi dụng việc này, các trung tâm, đơn vị không biết hợp pháp hay chưa, đã nhảy vào mời chào, lôi kéo giáo viên. Giáo viên vì lo lắng quá mà đăng ký học và tạo điều kiện cho những trung tâm không hợp pháp trục lợi, tốn kém nhưng không chắc có kết quả” – thầy Tuấn Anh phân tích.

Bên cạnh đó, theo thầy Tuấn Anh thì cần phân loại để hướng dẫn từng nhóm giáo viên về yêu cầu chứng chỉ.

“Như giáo viên có chứng chỉ cao nhất có thay thế được cho các chứng chỉ các hạng thấp hơn được hay không? Có chứng chỉ hạng 1 có phải học chứng chỉ hạng 3 không, hay cứ bắt buộc phải đi học cả 3 loại chứng chỉ…

Rồi với những trường hợp còn vài năm nữa sẽ nghỉ hưu, khi đang ở hạng này rồi, có cần thiết bổ sung thêm chứng chỉ hay không. Hay nếu trong trường hợp không cần học cũng được thì cần nói rõ…” – thầy Tuấn Anh đề xuất.

 Ngân Anh - Thanh Hùng

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.

Bộ GD-ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II

Bộ GD-ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa giải đáp cụ thể những câu hỏi băn khoăn của nhiều giáo viên liên quan đến việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo các thông tư mới ban hành.

Vì sao chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’?

Vì sao chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’?

Chưa kịp vui mừng vì được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhiều giáo viên tiếp tục lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.