Tôi đã theo dõi khá kỹ với ngổn ngang tâm trạng cuộc phỏng vấn của báo VietNamNet với ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ về chủ đề chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Thế mới biết tác động to lớn của mấy văn bản này đến đội ngũ giáo viên công lập trong cả nước.
Nhiều câu hỏi đặt ra
Tâm trạng ngổn ngang thứ nhất, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức đã có 20 năm nay và đã chứng tỏ trong phạm vi nhất định tác dụng trong việc quản lý và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Điều phù hợp với thực tiễn hơn, đó là căn cứ vào vị trí việc làm để tuyển dụng, sử dụng |
Cứ tưởng mọi thứ tiếp tục ngon lành, nhưng đùng một cái có câu chuyện với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì buộc phải suy nghĩ lại.
Cái tâm trạng ngổn ngang thứ hai, câu chuyện chứng chỉ cho giáo viên là tương đối mới, trong khi thực ra chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức đã có từ rất lâu. Vô vàn công chức hành chính trong cả nước đã học qua các lớp này để lấy chứng chỉ mà chẳng hề thấy phàn nàn ghê gớm gì.
Hoặc có lẽ chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức là đúng, chuẩn và cần tiếp tục phát huy khác hẳn với bên mảng viên chức? Vấn đề này sẽ xem xét sau.
Cái tâm trạng ngổn ngang thứ ba liên quan nhiều tới các bình luận, đề xuất mà bạn đọc gửi đến báo VietNamNet. Có lẽ gần 100% bạn đọc, đặc biệt là giáo viên, đề xuất nên bỏ cái chứng chỉ này đi.
Bỏ hay không bỏ và nếu bỏ thì cái lý của nó ở đâu, nếu bỏ có trái quy định pháp luật nào? Bỏ đi thì có cái gì thay thế hay không? Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Câu trả lời có vẻ rất dễ, đó là bỏ được. Trước hết vì quả thực không cần nó. Những người tốt nghiệp các trường sư phạm, nhận tấm bằng cao đẳng, đại học sư phạm là đủ tư cách và năng lực, trình độ chuyên môn là giáo viên trường này trường kia. Nếu phải có cái chứng chỉ này mới được công nhận chính thức là giáo viên thì hóa ra các trường sư phạm bấy lâu nay chưa làm trọn chức trách đào tạo giáo viên và phải đợi họ đi làm, lấy được chứng chỉ này mới “nên người“ giáo viên.
Mặt khác, theo dư luận thì chất lượng của khóa bồi dưỡng để lấy được chứng chỉ này cũng đáng quan ngại. Và cuối cùng, hết sức lưu ý là cả mấy thông tư của Bộ GD-ĐT không có quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên. Điều đó có nghĩa là Bộ đã loại câu chuyện ngoại ngữ, tin học ra khỏi quy định về tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, Bộ hoàn toàn có thể loại nốt cái chứng chỉ bồi dưỡng này ra khỏi tiêu chuẩn về giáo viên.
Căn cứ vị trí việc làm
Câu hỏi thứ nhất đặt ra là bỏ như vậy có vướng quy định của pháp luật không? Ông Nguyễn Tư Long hoàn toàn đúng khi khẳng định không vướng gì.
Luật Viên chức chỉ đưa ra quy định chung, đó là việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhiều thứ, trong đó có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
Nội dung của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được cụ thể hơn một bước tại văn bản gần đây nhất là nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, theo đó có một nội dung là Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Nghị định không quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên... mà dành việc đó cho Bộ GD-ĐT được coi là Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định cụ thể. Và nếu Bộ này không quy định chứng chỉ bồi dưỡng trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì hoàn toàn là có thể và không vi phạm quy định nào. Nói một cách rộng ra thì cánh cửa đã mở toang cho việc xem xét bỏ các loại chứng chỉ bồi dưỡng kiểu này đối với viên chức cả nước.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là liệu Bộ GD-ĐT có tự mình bỏ chứng chỉ này hay không, bởi lúc quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì theo nghị định 115, Bộ phải có được ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Do đó, sửa theo hướng bỏ chứng chỉ này cũng phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.
Câu hỏi thứ hai: Vậy quản lý tiếp theo sẽ ra sao, bỏ chứng chỉ bồi dưỡng này có cần cái gì thay thế không? Tiêu chuẩn viên chức chắc chắn vẫn phải có để trên cơ sở đó tuyển dụng, sử dụng, nhưng tiêu chuẩn chỉ nên quy định những cái chung nhất.
Cái quan trọng hơn và cũng phù hợp với thực tiễn hơn, đó là căn cứ vào vị trí việc làm mà tuyển dụng, sử dụng. Trường mầm non công lập nọ cần tuyển giáo viên thì tiêu chuẩn cứng nhà nước quy định phải đáp ứng, đó là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên. Trường sẽ quy định người được tuyển phải biết, phải có khả năng gì thêm là căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, ví dụ về ngoại ngữ, về tin học...
Hoặc giả nếu có trường mầm non nào đó mà trọng tâm giáo dục hướng thêm tới hội họa, thì tiêu chuẩn tuyển dụng rất có thể sẽ là những yêu cầu về năng lực, cảm nhận hội họa của người dự tuyển được cụ thể bằng chứng chỉ, bằng cấp tương ứng nào đó... Nói cách khác, then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện bỏ chứng chỉ chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.
Cuối cùng vẫn phải lưu ý rằng theo quy định cứng vẫn có việc bồi dưỡng cho viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm và bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. Đây là những khóa bồi dưỡng hết sức cần thiết, thông qua đó bảo đảm được chất lượng của đội ngũ viên chức.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên: Quản lý theo chứng chỉ hay thực tài
Việc Bộ GD-ĐT thống nhất được với Bộ Nội vụ sẽ bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho giáo viên các trường công lập liệu có phải là một bước cải cách đột phá?
Giáo viên 'đổ xô' đi học chứng chỉ, các lãnh đạo Sở nói gì?
Việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã diễn ra từ trước. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương càng khiến giáo giới xôn xao.