- Trong phần tiếp theo của bàn tròn gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, các khách mời cho rằng cần thay đổi trong tư duy quản trị đại học: Môi trường cần giữ tính nhân văn của giáo dục nhưng cách quản trị phải chuyên nghiệp hoá, giảng viên cần "ra ngoài, ra đời" nhiều hơn.
Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Gắn kết doanh nghiệp và trường đại học", do Bộ GD-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng báo VietNamNet tổ chức có sự tham gia của các khách mời: GS.TSKH Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm. |
Quản trị trường đại học như quản trị doanh nghiệp
Nhà báo Phạm Huyền: Mối quan hệ giữa nhà trường và DN không chỉ đơn thuần là câu chuyện nhân lực. Trong quan sát quan sát của giới nghiên cứu giáo dục đại học, có nhều hình thức hợp tác đa dạng giữa nhà trường và doanh nghiệp như: Hợp tác trong nghiên cứu, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên, thúc đẩy sự vận động và lưu chuyển của giới hàn lâm, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, học tập suốt đời, hỗ trợ khởi nghiệp và sáng nghiệp, tham gia quản trị nhà trường.
Các ông nhìn nhận thế nào về những hoạt động hợp tác nêu trên? Đâu là cái cần nhưng chưa làm, cái đã làm nhưng chưa tốt…?
Ông Hồ Đắc Lộc: Các hình thức hợp tác nào cũng đúng, bất kỳ chỗ nào cũng cần như vậy. Đáng tiếc, thực tiễn không xảy ra như thế.
Ví dụ câu chuyện chuyển giao công nghệ. Các trường ĐH VN phần lớn không có công nghệ gì để chuyển giao thành một sản phẩm có giá trị thương mại. Đó là điều rất khó, không phải vì chúng ta kém mà không nhiều nước làm được việc này.
Nếu để ý, chúng ta thấy xung quanh chúng ta chỉ có một số ít đơn vị nắm bắt bí quyết công nghệ ,còn lại là đi lắp ráp. Chuyển giao công nghệ là bài toán bất kỳ đơn vị nào cũng muốn làm, nhưng không làm được.
Một câu chuyện khác là khởi nghiệp. Nghe thì hào nhoáng, nhưng nói mạnh dạn thì được vài % thành công, kể cả ở Mỹ hay ở Israel.
Nếu ai cũng suy nghĩ mông lung về khởi nghiệp, sẽ sinh ra rất nhiều quán cà phê vỉa hè mấy tháng thì đóng cửa,hay những bạn xách bánh mì đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán cũng là khởi nghiệp.
Tôi nghĩ khởi nghiệp rất hay, là động lực để xã hội phát triển, nhưng với DN và nhà trường thì cái cần nhất là hun đúc ý chí cho SV, chứ không phải là chỉ cho SV làm cái gì.
Có thể có hoạt động khác như giúp DN quản trị hoặc mời DN tham gia quản trị trong nhà trường. Ý tưởng thì hay nhưng thực tiễn còn chờ thời gian. Vì thực tế, trường ĐH vẫn mang đặc thù của một cơ sở giáo dục, không hoàn toàn như một DN mặc dù có thể hoạt động theo cơ chế thị trường.
Vì thế, DN đến trường chủ yếu chia sẻ hoạt động của họ, chứ tham gia quản trị nhà tường thì phải đợi thời gian.
Trường chúng tôi, văn hóa là văn hóa giáo dục, nhưng quản trị theo DN. Có nghĩa là có tính điểm, có đánh giá, nhưng môi trường thì là môi trường nhân văn, môi trường giáo dục.
Đây là là chỗ giữa 2 hình thức có sự gặp nhau và tôi nghĩ ranh giới sẽ sớm xóa nhòa, vì gần đây nhiều người đặt vấn đề như “ông” hiệu trưởng có cần là nhà khoa học không hay chỉ cần là một người quản lý? Giám đốc bệnh viện có cần là giáo sư, bác sĩ không hay chỉ cần một nhà quản trị?... Đây là câu chuyện không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng đang trăn trở.
Các khách mời tham dự bàn tròn |
Một người giỏi chuyên môn nhưng quản trị chưa chắc đã tốt.
Một giảng viên tuyệt vời chưa chắc đã là hiệu trưởng giỏi.
Chúng tôi đang cố gắng dung hòa việc này, nghĩa là môi trường vẫn giữ tính nhân văn của giáo dục nhưng quản trị phải đi theo hướng chuyên nghiệp hóa, kể cả những bộ phận như Trung tâm quan hệ DN.
Giảng viên phải "ra đời"
Nhà báo Phạm Huyền: Với những vấn đề vừa nêu, theo ông Dũng đâu là điều các trường ĐH nên làm, cần làm và làm tốt được?
Ông Đỗ Văn Dũng: Các trường đã làm hết những vấn đề nói trên.
Ở đây, tôi muốn nói đến khía cạnh khác là sự phản biện. Nhiều trường cứ bảo là trường tôi thế này thế nọ, nhưng chất lượng thế nào thì phải có sự kiểm định.
Chúng ta dùng kiểm định như cách kích thích mối quan hệ hợp tác giữa DN và nhà trường.
Thứ hai, tôi cũng đánh giá cao vai trò của cựu SV.
Bên cạnh đó, tôi thấy hàng năm nhà trường nên buộc giảng viên phải ra ngoài.
Nói gì thì nói, phải cập nhật công nghệ mới ở bên ngoài, làm bên ngoài, khuyến khích giảng viên làm cho bên ngoài.
Tôi thấy các Trung tâm nghiên cứu triển khai làm việc này rất hiệu quả.
Một số trường yếu thì không nói, nhưng những trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật thì làm đề tài nghiên cứu cho DN luôn.
Một vấn đề nữa, là tại sao một số SV ra trường không kiếm được việc. Theo tôi, bởi vì hiện nay xã hội thay đổi, ngành nghề thay đổi liên tục. Dự kiến, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ở Mỹ có 46% những ngành nghề hiện tại sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, mà sự thay đổi diễn ra rất nhanh.
Hiện nay, chúng ta một không có sự mềm hóa trong đào tạo. SV vào trường học nghề nào là bắt họ phải theo cái nghề đó.
Ví dụ, trước đây Nhà nước có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, thì SV ùa vào học rất nhiều. Bây giờ bảo đình lại, động lực học tập của số SV tự động kém hẳn, ra trường không thất nghiệp mới là lạ. Bảo làm việc khác, thì trong quá trình học đã nản rồi, nên không kích thích họ học được đâu.
Ông Đỗ Văn Dũng |
Học sinh hiện nay tập trung học Toán, Lý, Hóa hoặc là Lý, Hóa, Sinh để trở thành bác sỹ, kỹ sư chứ không có ý thức, đam mê gì về nghề nghiệp cả. Hiện nay, trường chúng tôi đã ký kết với 60 trường THPT, hàng năm gửi nhóm SV có năng lực về “ươm mầm” các học sinh từ lớp 11-12. Các em có đam mê, vào trường mới có ý thức học và đi tìm DN, kêu gọi DN hỗ trợ, hỏi DN cần cái gì và các em nên học theo kế hoạch nào...
Chúng ta phải có những biện pháp đồng bộ như linh hoạt chương trình đào tạo, ươm mầm học sinh, thay đổi cách nhìn của học sinh và phụ huynh…, thì lúc đó mới sự phối hợp của nhà trường và DN mới tốt hơn được.
Xây dựng lòng tin
Nhà báo Phạm Huyền: Ông Trí có quan điểm như thế nào về vấn đề hợp tác các điểm, lĩnh vực hợp tác giữa DN và nhà trường Việt Nam hiện nay, đặc biệt việc DN là tham gia quản trị nhà trường hay câu chuyện thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường ĐH?
Ông thấy cái nào chúng ta có thể làm được, và cái nào cần làm tốt hơn nữa?
Ông Vũ Minh Trí: Tôi thấy các trường đại học Việt Nam có thể làm được những điều đó. Nhưng đó là quá trình xây dựng lòng tin giữa 2 bên.
Rất nhiều DN nhìn vào nhà trường và nói là nhà trường hiện nay chỉ dạy lý thuyết. Nhà trường cần chứng minh được mình làm được nhiều hơn thế.
Quan trọng là trong trường phải có tinh thần khởi nghiệp.
Tôi có làm việc với một số trường ĐH ở Mỹ. Họ cũng trăn trở để làm sao tăng tinh thần khởi nghiệp lên. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì nếu có điều đó, một học viên cao học khi chọn lựa đề tài sẽ chọn đề tài đang nóng bỏng mà DN cần để làm. Lúc đó, họ có thể bắt đầu kêu gọi tài trợ - tôi đang giải quyết được vấn đề này, tôi làm dự án và kêu gọi tài trợ nghiên cứu.
Cách làm đó sẽ giải quyết đầu ra, vì khi có tài trợ, học viên phải làm rất đàng hoàng và kết quả làm ra phải dùng được.
Hiện nay ở nhiều trường học viên cao học lựa đề tài rất là hoành tráng, nhưng chỉ là copy trên mạng sau đó viết lại, mấy thầy cho bảo vệ rất đề tài hoành tráng, nhưng sau đó thì cất ngăn kéo, không làm được gì cả.
Vì vậy, chúng ta phải thấy tinh thần khởi nghiệp là rất quan trọng. Chỉ cần người ta có tinh thần đó, họ sẽ coi đó là dự án để ra trường với tư thế rất tốt.
Đó là quá trình xây dựng lòng tin giữa 2 bên.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông Trịnh có ý kiến như thế nào về việc này?
Ông Phí Ngọc Trịnh: Tôi cũng thấy chúng ta có rất nhiều đề tài, nhưng đề tài để đi vào thực tế rất khó.
Doanh nghiệp, như ông Trí nói, có rất nhiều vấn đề, và các vấn đề đấy luôn luôn cần người giải quyết. Giáo dục không cần phải làm gì quá cao siêu mà cần đi vào vấn đề cụ thể của từng DN, có thể đưa lên cấp độ đề tài để nghiên cứu.
Điều quan trọng đối với nhà trường là phải tạo ra cho người ta động lực, để người ta sẵn sàng khởi nghiệp.
Một điều tôi thấy rất nan giải với nhà trường bây giờ là định hướng đào tạo. Nếu cơ chế không cho phép, các trường phải tập hợp với nhau để đề xuất, để làm sao mà đích đến cuối cùng vẫn là thị trường, đáp ứng được thị trường, đáp ứng được nhu cầu DN.
Đào tạo ra nhiều mà DN không có nhu cầu sử dụng thì chả giải quyết được vấn đề gì hết.
Còn tiếp…
- Thực hiện: Hạ Anh - Phạm Huyền - Hồng Hạnh
- Clip: Đức Yên - Xuân Qúy - Huy Phúc
- Ảnh: Lê Anh Dũng