- "Bây nhà trường và doanh nghiệp cứ như người yêu, suốt ngày khen nhau. Vì vậy, hãy cưới nhau để chấp nhận khiếm khuyết của nhau"  - Tại một hội thảo đầu tháng 3, TS Nguyễn Thành Nam đến từ Tập đoàn FPT cho rằng, đã đến lúc phải dừng việc kêu gọi doanh nghiệp và trường đại học hợp tác với nhau.

Nhiều sinh viên ra trường không viết nổi lá đơn

Trước đó, tại một sự kiện về chủ đề này do Trường ĐH Thương mại tổ chức hồi cuối tháng 2, ông Nguyễn Duy Đạt, giảng viên Trường ĐH Thương mại nhìn nhận nhiều SV hiện nay ra trường thiếu hụt các kỹ năng cơ bản mà doanh nghiệp (DN) đòi hỏi. 

Có nhóm SV sau khi ra trường rất yếu các kỹ năng tưởng chừng như đơn giản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, thậm chí trình bày một văn bản, viết một cái đơn trình bày ý tưởng của mình cũng không có hoặc có thì rất yếu.

{keywords}
Nhiều SV tốt nghiệp ra trường được đánh giá là yếu những kỹ năng cơ bản. Ảnh minh họa.

Ông Đạt kiến nghị việc đào tạo kỹ năng cho SV cần phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động mà cụ thể là với DN.

 "Thông tin phản hồi từ DN là rất cần thiết để chúng ta xem xét việc đào tạo kỹ năng đã đáp ứng yêu cầu của khách hàng hay chưa. Việc thực tập tốt nghiệp của SV nên tiến hành từ năm thứ 2 hoặc thứ 3 trong quá trình đào tạo, để điều chỉnh sau khi nhận phản hồi từ các DN".

Tán đồng với ý kiến này, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, ở các nước phát triển các doanh nghiệp mặc định có vị trí cho SV thực tập. Gần đây một số doanh nghiệp ở VN cũng đã bắt đầu hình thành văn hóa tuyển thực tập sinh. Để làm được điều này, cần phải có sự tổ chức của trường.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Thủy, Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, hiện tại, Trường ĐH Ngoại thương cũng mong muốn tăng cường gắn kết giữa nhà trường và DN thông qua tăng cường hoạt động thực tiễn của SV.

"Tránh tình trạng hai bên bàn nhau được 2 câu rồi thôi"

Nhu cầu gắn kết hợp tác giữa các trường ĐH với các DN, đơn vị tiếp nhận lao động là có thật, tuy nhiên, làm thế nào để sự hợp tác này có hiệu quả lại là điều không đơn giản trên thực tế.

Tại buổi tọa đàm về về chủ đề này trong khuôn khổ Hội thảo STEMCOM diễn ra đầu tháng 3, TS Nguyễn Thành Nam đến từ Tập đoàn FPT cho rằng, đã đến lúc phải dừng việc kêu gọi DN và trường ĐH hợp tác với nhau.

"Bây nhà trường và DN cứ như người yêu, suốt ngày khen nhau. Vì vậy, hãy cưới nhau để chấp nhận khiếm khuyết của nhau" - ông Nam so sánh.

Ông Nam cho rằng, việc dạy cho SV trong trường ĐH giống như dạy cho một đứa trẻ biết bơi để sống sót nơi vùng lũ. Chúng phải làm sao học cách nhịn thở lâu nhất. "Đứa trẻ bị rơi xuống sông cũng giống như SV ra đời. Nó phải bơi suốt đời mà không chết" - ông Nam nói.


{keywords}
Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, nhà trường và DN nên cưới nhau để chấp nhận những khuyết điểm của nhau thay vì suốt ngày ngồi khen nhau. Ảnh: Lê Văn.

Chia sẻ ý kiến của ông Nam, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TP. HCM cho rằng, trường ĐH và DN phải là 2 chủ thể không thể thiếu được của trường ĐH.

Bà Hằng nêu ví dụ, để đào tạo SV ngành xử lý nước thải công nghiệp, bà đã mời 5 DN xử lý nước thải của TP. HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu trực tiếp dạy cho trường. Các SV được đến tận nhà máy, có cán bộ nhà máy dạy luôn trên quy trình của nhà máy nước thải.

Bà Hằng cho rằng, việc hợp tác giữa DN và nhà trường sẽ gúp cho 2 bên cùng có lợi. Quan trọng là tìm được tiếng nói chung để có thể ngồi với nhau bàn tính chuyện lâu dài chứ không nên đổ tại cơ chế.

Theo bà, việc các nhà trường được thực hiện cơ chế tự chủ sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới để hợp tác chặt chẽ với các DN trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.

Ông Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cũng chia sẻ, cơ chế tự chủ cao của ĐHQG Hà Nội đã giúp việc hợp tác giữa nhà trường và DN trở nên thuận lợi hơn, từ tiếp nhận SV, mở các viện nghiên cứu chung cho tới mức cao nhất là chấp nhận DN điều hành 1 trường ĐH.

"Mới đây, Tập đoàn Viettel và ĐHQG Hà Nội đã bàn bạc phương thức làm sao để cả một ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG HN do Viettel đầu tư và tham gia quản lý" - ông Quân cho hay.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, việc hợp tác giữa DN và nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn khi các DN Việt Nam thường nhìn vào lợi ích ngắn hạn trong khi việc hợp tác với các trường ĐH thì cần thời gian dài mới mang lại hiệu quả. 

Bên cạnh đó, trong khi các DN nhìn nhanh, quyết nhanh, làm nhanh thì các trường lại bị gò bó bởi thủ tục hành chính.

"Việc hợp tác giữa nhà trường và DN cần phải dựa trên mặt mạnh của mỗi bên sẽ thuận lợi hơn. Tránh tình trạng hai bên bàn nhau được 2 câu rồi thôi, yêu nhau mà cuối cùng không cưới được nhau" - ông Quân nói.

Lê Văn