Bùng nổ nhờ giá
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị các bộ ngành có ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió gửi một loạt bộ, ngành đơn vị liên quan.
Ngày 10/9/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37. Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng lên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) lần lượt là: Điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh.
Giá điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Điện gió đang trở nên bùng nổ ở Việt Nam nhờ được giá cao. Ảnh: Lương Bằng |
Nhờ vậy, điện gió đã bùng nổ. Tính đến tháng 9/2020, tổng công suất các dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực khoảng 11.600 MW; 65 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện tổng công suất 2.905 MW. Tuy nhiên, số lượng dự án vận hành phát điện mới có 12 dự án, tổng công suất 470 MW.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của UBND 10 tỉnh (tập trung các tỉnh có số lượng dự án điện gió lớn), Hiệp hội Điện gió thế giới, Phòng Thương mại châu Âu... đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39 cho các dự án vào vận hành thương mại đến năm 2022-2023 (gia hạn 1-2 năm).
Lý do là vướng mắc áp dụng Luật Quy hoạch, do Covid-19 khiến tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, thời gian thi công các dự án kéo dài thời gian và gia tăng chi phí đối với các dự án trên biển,...
Vì thế, Bộ Công Thương nêu rõ, đến hết tháng 9/2020, trong số 11.600 MW được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực, gần 470 MW điện gió đã vào vận hành và khoảng 2.905 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (có khả năng vận hành trong năm 2021). Như vậy, còn khoảng 8.700 MW điện gió đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch (bao gồm cả 7.000 MW mới được phê duyệt bổ sung) có khả năng không kịp vận hành trước tháng 11/2021 - thời điểm hiệu lực để áp dụng cơ chế giá điện cố định tại Quyết định 39.
Bộ Công Thương cho rằng đề xuất của UBND các tỉnh về việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án diện gió tại Quyết định 39 là phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo kịp thời huy động phát triển nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống.
Nhiều dự án điện gió không kịp vận hành để hưởng giá cao. Ảnh: Lương Bằng |
Chậm chân vì tiến độ
Theo báo cáo của tư vấn quốc tế và trong nước (báo cáo tháng 10/2020 do Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức hỗ trợ thực hiện), dự kiến giá bán điện gió từ ngày 1/11/2020 (kịch bản cơ sở) giảm dần so với Quyết định 39.
Cụ thể, dự kiến giá điện gió trên bờ của dự án vận hành từ 11/2021-12/2022 là 7,02 Uscent/kWh; dự kiến giá điện gió của dự án vận hành trong năm 2023 là 6,81 Uscent/kWh. Dự án trên biển, dự kiến giá điện gió trong các giai đoạn tương ứng lần lượt là 8,47 Uscent/kWh và 8,21 Uscent/kWh.
Về nghiên cứu cơ chế đấu thầu/đấu giá cho các dự án điện gió, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng cơ chế. |
Đối với các dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ đầu tư và có ngày vận hành thương mại sau năm 2023, dự kiến áp dụng tỷ lệ giảm giá lũy kế theo tỷ lệ 2,5% sau mỗi quý (tính từ tháng 1/2024).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tiếp tục có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định (FIT) đảm bảo đủ thời gian cho phát triển các dự án đã có trong quy hoạch và huy động thêm lượng công suất khoảng 5.000 MW-7.000 MW cho hệ thống.
Điều này góp phần bổ sung sản lượng điện phát khoảng 11.900-31.700 GWh/năm, thay thế cho sản lượng điện từ nguồn nhiệt điện than, giảm nhiệt điện chạy dầu có chi phí sản xuất điện rất cao và góp đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Công Thương, với mức giá FIT dự kiến, tác động giảm điện sản xuất kinh doanh của EVN từ 0,004-0,2 Uscent/kWh và làm giảm tổng chi phí sản xuất của EVN từ 102-1.035 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020-2030.
Lương Bằng
Tạm dừng bổ sung quy hoạch các dự án điện gió
Bộ Công Thương tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).