Cú sốc lớn đối với tỷ phú Jack Ma

Hệ thống của Jack Ma đang ở trong tình trạng khủng hoảng khi mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) yêu cầu hãng thanh toán Ant Group, một nhánh của Alibaba, điều chỉnh lại hoạt động cho vay và một số mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng. Đây được xem là cú sốc lớn đối với tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập và cổ đông.

Theo Bloomberg, PBOC đã triệu tập các giám đốc điều hành của Ant và yêu cầu điều chỉnh các dịch vụ cho vay, bảo hiểm và dịch vụ quản lý tài sản. PBOC buộc Ant phải nhanh chóng đánh giá lại hoạt động kinh doanh và thực hiện càng sớm càng tốt. Ant cần thành lập một công ty tài chính riêng để đảm bảo đủ vốn và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cơ quan chức năng cũng chỉ trích Ant về việc hoạt động quản trị yếu kém, không chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước và có hành vi độc quyền. Theo PBOC, Ant đã tận dụng sự thống trị để loại bỏ các đối thủ, gây tổn hại đến lợi ích của hàng trăm triệu người dùng.

{keywords}
Ứng dụng Alipay của hãng thống trị mảng thanh toán số tại Trung Quốc

Phó Thống đốc PBOC Trung Quốc Pan Gongsheng cho biết, Ant phải quay trở lại gốc của mình trong thanh toán trực tuyến và nghiêm cấm cạnh tranh bất thường, bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh xếp hạng tín dụng cá nhân.

Bên cạnh đó, Ant cũng phải thành lập công ty tài chính để quản lý hoạt động kinh doanh, khắc phục những bất thường trong kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản và tín dụng và điều hành hoạt động kinh doanh chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) để cho vay tiêu dùng.

“Ant cần trở lại gốc của thanh toán điện tử”, Pan nói. Vị lãnh đạo này thay mặt cho các cơ quan quản lý tài chính lớn của Trung Quốc, bao gồm PBOC, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc.

Sau thông báo của các cơ quan quản lý, đại diện Ant nói rằng họ sẽ nghiêm túc nghiên cứu và tuân thủ chặt chẽ tất cả các yêu cầu quy định và cam kết nỗ lực hoàn thành mọi việc liên quan. Ant cho hay sẽ thành lập một nhóm đặc biệt để đưa ra các đề xuất và thời gian biểu cho kế hoạch đại tu. Công ty này sẽ duy trì các hoạt động đối với người dùng, cam kết giữ nguyên chi phí cho người tiêu dùng, đối tác tài chính và tăng cường kiểm soát rủi ro.

Chính phủ Trung Quốc ngày càng lo ngại với hoạt động của đế chế của Ant, đặc biệt là hoạt động kinh doanh tín dụng sinh lời béo bở của công ty này. Tuần trước, Trung Quốc đã đưa ra những động thái tăng cường giám sát 2 trụ cột trong lĩnh vực Internet của Jack Ma, đồng thời mở rộng cuộc điều tra về các hoạt động độc quyền bị cáo buộc tại Ant.

Theo giới chuyên gia, các công ty công nghệ như Ant Group đại diện cho quá trình hiện đại hóa thành công của Trung Quốc và năng lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng. Mặt khác, Bắc Kinh từ lâu đã chật vật với việc kiểm soát những công ty lớn này trong nền kinh tế.

Các nhà quản lý đang quan ngại về hàng triệu người dùng mà những tập đoàn này nắm trong tay và sức ảnh hưởng của họ đối với cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc, bao gồm cả việc mua sắm và thanh toán.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng về sự giàu có và sức ảnh hưởng mà các công ty này tạo dựng. Cùng với đó là những rủi ro đối với các hoạt động không chịu kiểm soát gắt gao của những công ty này, điển hình là lĩnh vực cho vay trực tuyến của Ant Group.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR), bắt đầu điều tra hoạt động của Alibaba. SAMR đã phạt Alibaba 500.000 NDT (76.500 USD) vì tăng cổ phần của tập đoàn này trong công ty cửa hàng bách hóa Intime Retail Group lên 73,79% vào năm 2017 mà không xin phép.

Guo Wuping - Giám đốc Bảo vệ Người tiêu dùng tại Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc - khẳng định, dịch vụ cho vay tiêu dùng của Ant tương tự thẻ tín dụng, nhưng lãi suất cao hơn. Ông cáo buộc các fintech dùng quyền lực của mình để tính phí cắt cổ, dù khi hợp tác, ngân hàng mới là bên cung cấp nhiều hơn trong các khoản cho vay chung đó.

Trung Quốc cũng đã ban hành các quy tắc dự thảo nhằm ngăn chặn hành vi độc quyền của các công ty Internet, đồng thời, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực chống độc quyền vào năm 2021 và kiềm chế “sự bành trướng vốn gây rối loạn”.

{keywords}
Trung Quốc giục Ant Group cải tổ hoạt động

Hoãn đợt IPO lịch sử

Các động thái mới nhất chống lại Ant có thể cản trở việc IPO. Fang Xinghai, Phó Chủ tịch CSRC, tiết lộ vào tháng trước rằng, việc tiếp tục niêm yết sẽ phụ thuộc vào cách mà Ant thích ứng với các quy định mới của Bắc Kinh đối với fintech.

Jack Ma - người kiểm soát đế chế thanh toán Ant Group - được triệu tập để tham gia vào cuộc họp PBOC và ba quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc. Dù không tiết lộ nội dung cuộc họp, nhưng theo Bloomberg, nhóm lãnh đạo của Ant được thông báo rằng công ty này sẽ đối mặt với kiểm soát gắt gao hơn và chịu ràng buộc về vốn, đòn bẩy tương tự các ngân hàng.

Những thay đổi trong môi trường quản lý lĩnh vực fintech tại Trung Quốc khiến cả sàn Hồng Kông và Thượng Hải thông báo hoãn IPO của Ant.

Tháng 11, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group. Việc này diễn ra một ngày sau khi bộ tứ cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính Trung Quốc triệu tập lãnh đạo Ant Group đến một cuộc họp kín.

Vào đầu tháng 12, dưới sự giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý đối với Ant, Jack Ma bị cơ quan chức năng yêu cầu ở lại trong nước.

Đây có thể chỉ là khởi đầu cho kế hoạch Bắc Kinh kiềm chế sự bùng nổ của các fintech nước này. Bloomberg đánh giá, thương vụ IPO của Ant chỉ có cơ hội hồi sinh rất nhỏ trong năm tới. Những thách thức pháp lý Ant phải đối mặt gồm các yêu cầu về vốn và giấy phép, giới hạn về lãi suất cho vay...

Ant Group được thành lập vào năm 2004 và thuộc sở hữu của Alibaba với 33% cổ phần. Ứng dụng Alipay của Ant đã thống trị thị trường thanh toán kỹ thuật số ở Trung Quốc, với hơn 730 triệu người dùng mỗi tháng. Ant cũng thống trị thị trường thanh toán tại Trung Quốc, thông qua ứng dụng Alipay. 

Tháo chạy khỏi Alibaba

Giá cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc giảm 9%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng Sáu, trong phiên giao dịch ngày 28/12.

Theo Bloomberg, một đợt bán tháo cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang diễn ra trên sàn giao dịch, dẫn đầu bởi chứng khoán của Alibaba Group Holdings Ltd.

Alibaba đã nâng kế hoạch mua lại cổ phiếu từ 4 tỷ USD lên 10 tỷ USD, bắt đầu có hiệu lực đến cuối năm 2022. Kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ bắt đầu từ quý này, tuy nhiên cũng không thể ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu.

Giá cổ phiếu Alibaba lao dốc đi xuống khi các nhà quản lý Trung Quốc cuối tuần qua thông báo khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba, và họ sẽ triệu tập công ty con Ant Group của Alibaba. Cùng ngày, giá cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại Mỹ giảm hơn 15%.

 

Bảo Anh