Nếu lắp đặt điện mặt trời áp mái, người dân sẽ không phải lo lắng nhiều về tiền điện khi tự sản xuất được điện. Lượng điện mặt trời không sử dụng sẽ được ngành điện mua lại với mức giá lên đến 2.086 đồng/số điện, cao hơn giá bán lẻ điện trung bình hiện nay khoảng 300 đồng/số điện. 

Bỏ hàng ngàn tỷ mơ hưởng 'lộc trời': Ngon nhưng không dễ nuốt

150 tỷ USD chống thiếu điện: Tiền đâu bây giờ?

Đây là giải pháp quan trọng để người dân không phụ thuộc vào điện của EVN, nhưng Bộ Tài chính lo thất thu thuế nên chưa thể triển khai rộng rãi giải pháp này.

Không lo tiền điện, không "ngán" cúp điện

Ông Đinh Quang Tri, Quyền tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng cần đẩy nhanh điện mặt trời áp mái. Mỗi gia đình lắp trên mái nhà lắp khoảng 3 kW, hay 5-10 kW thì phù hợp lưới điện hạ thế, ngành điện không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.

“Nếu một gia đình lắp 5 kW thì ban ngày hộ đó sẽ dùng điện mặt trời, giảm tiêu thụ điện của EVN, giảm tiền thanh toán cho EVN. Trường hợp hộ đó ban ngày đi làm, không dùng đến điện, thì lượng điện đó tự động được lưới điện của EVN tiếp nhận hết và có công tơ hai chiều để đo. Chúng tôi sẽ thanh toán cho hộ gia đình đó theo giá điện nhà nước quy định là 2.086 đồng/kWh”, ông Đinh Quang Tri cho hay.

{keywords}
Điện mặt trời trên mái nhà sẽ giúp cho nhiều hộ gia đình không lo tiền điện

Với cơ chế đó, theo lãnh đạo EVN, những gia đình dùng 300-400 số điện/tháng trở lên thì thời gian hoàn vốn rất nhanh khi chi phí lắp điện mặt trời áp mái ngày càng rẻ, ở khoảng 17 triệu đồng/kW.

“Việt Nam có 30 triệu hộ gia đình, chỉ cần 1 triệu hộ lắp điện mặt trời áp mái, mỗi hộ lắp 3kW điện mái nhà thì nhân lên cũng được 3 triệu kW, tương đương 3.000 MW (bằng hơn 2 nhà máy nhiệt điện tỷ đô - PV). Đó là con số khủng. Không chỉ lắp trên mái nhà, hộ gia đình có thể lắp điện mặt trời ở ngoài vườn. Nếu đẩy mạnh giải pháp này thì việc thiếu điện sẽ giải quyết được một phần”, ông Đinh Quang Tri chia sẻ.

Kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà - do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai năm 2017 - cho thấy, khu vực nội thành TP.HCM có khoảng hơn 316 nghìn tòa nhà có tiềm năng điện mặt trời trên mái với tổng diện tích khoảng 50,4 triệu m2, tổng công suất khoảng 6.380 MW (gấp khoảng 3 lần công suất nhiệt điện Vĩnh Tân 1), khu vực ngoại thành ước tính sơ bộ khoảng 29.000 MWp. Còn khu vực nội thành Đà Nẵng có hơn 148 nghìn tòa nhà có tiềm năng điện mặt trời trên mái, với tổng công suất khoảng 1.140 MWp. Khu vực ngoại thành sơ bộ khoảng 1.000 MWp.

Sau khi Quyết định 11 được ban hành, đến 31/7/2018 các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã ký thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận với 748 khách hàng với tổng công suất 11,55 MWp. Sản lượng lên tưới tính lũy kế đến ngày 31/7/2018 là 1,77 triệu kWh.

Tuy nhiên, EVN vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng này do quy định hiện hành về chính sách thuế chưa có quy định riêng đối với mô hình bù trừ điện năng cho điện mặt trời trên mái nhà.

Chưa thể triển khai rộng vì lo giảm thuế

Điện mặt trời áp mái có lợi như vậy, nhưng chưa thể triển khai rộng. Lý do, theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đó là vì Bộ Tài chính có ý kiến về một nội dung tại Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời.

{keywords}
Điện mặt trời áp mái sẽ tạo điều kiện cho người dân chủ động phần nào việc sử dụng điện

Theo Quyết định 11, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.

Có nghĩa, nếu hộ dân sản xuất được 300 “số điện” điện mặt trời và chỉ sử dụng 100 “số điện” của EVN, thì EVN sẽ trả tiền 200 số điện cho hộ gia đình đó với mức giá 2.086 đồng/số điện.

Ông Đinh Quang Tri cho biết: Bộ Tài chính yêu cầu sửa lại nội dung này vì không phù hợp các luật về thuế. 

Cụ thể, Bộ Tài chính hướng dẫn rằng, theo quy định của các luật thuế hiện hành, trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời có nhận điện từ lưới điện quốc gia, thì cá nhân, hộ gia đình không được bù trừ trực tiếp lượng điện bán ra và lượng điện mua vào từ lưới điện quốc gia để tính toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Nếu cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ thuế trị gia tăng là 2%. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.

Như vậy, EVN chưa thể áp dụng việc mua bán điện áp dụng hình thức bù trừ điện năng đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Theo một chuyên gia am hiểu về vấn đề này, lý do Bộ Tài chính không muốn bù trừ như vậy vì lo thuế bị giảm thu. Ví dụ, trước đây thuế sẽ thu được tiền thuế của cả 300 số điện thì nếu áp dụng theo Quyết định 11 thì thuế chỉ thu được lượng điện người dân dùng của EVN, chẳng hạn chỉ còn thu được số thuế của 100 số điện.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa Quyết định 11 từ tháng 8/2018, Bộ Công Thương cũng đề nghị sửa theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Hướng sửa đổi được Bộ Công Thương đề xuất là, khách mua điện từ lưới điện quốc gia thì thanh toán hết tiền điện cho EVN. Còn EVN sẽ thanh toán cho dự án điện mặt trời trên mái nhà toàn bộ sản lượng điện phát lên lưới. EVN và hộ đầu tư có trách nhiệm theo dõi và nộp các khoản thuế theo quy định hiện hành.

“Chúng tôi đã có báo cáo rằng, sau năm 2020 nếu không có giải pháp quyết liệt thiếu điện sẽ chắc chắn xảy ra, bởi mấy năm gần đây không khởi công được nhà máy điện nào. Một loạt nhà máy BOT chậm tiến độ. Công suất thiếu thì phải tiêu dùng tiết kiệm, trong đó  giải pháp điện mặt trời áp mái vừa hữu ích cho từng gia đình, vừa hữu ích cho cả xã hội”, ông Đinh Quang Tri chia sẻ.

Lương Bằng 

Thông báo EVN lỗ 2.200 tỷ, Thứ trưởng nói luôn 4 phương án giá điện 2019

Thông báo EVN lỗ 2.200 tỷ, Thứ trưởng nói luôn 4 phương án giá điện 2019

Bộ Công thương đưa ra 4 kịch bản giá điện năm 2019, bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân.