- Việc Uber bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tuýt còi hoạt động có thể coi là "án phạt" cho người lách luật, nhưng cũng đồng thời phản ánh một sự bế tắc trong việc quản lý những hình thái kinh doanh mới mẻ đang ngày càng nở rộ.
Grab làm được, tại sao Uber lại không?
Cùng một mô hình kinh doanh giống nhau nhưng 3 năm qua, số phận của hai doanh nghiệp taxi "qua mạng" nổi tiếng lại rất khác nhau.
Với hãng GrabTaxi, doanh nghiệp này đã đăng ký tư cách pháp nhân ở Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách và công nghệ. Hãng xe này đã có phù hiệu riêng và hoạt động như một doanh nghiệp trong nước bình thường, với các nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Việt Nam.
Uber thì ngược lại. Hãng này vẫn dường như nằm ngoài khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, gây ra nhiều tranh cãi về việc quản lý nói chung và thu thuế.
Ngành nghề kinh doanh của Uber Việt Nam |
Ngành nghề kinh doanh của GrabTaxi Việt Nam |
Như Bộ GTVT lý giải, cho đến nay, công ty Uber Việt Nam - đơn vị nhận uỷ thác của Uber BV (Hà Lan) để tham gia thí điểm dịch vụ xe taxi kiểu mới này và nộp thuế thay, vẫn không đăng ký các ngành nghề kinh doanh chính đang hoạt động. Uber Việt Nam chỉ đăng ký đúng 2 ngành nghề là tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, không liên quan đến hoạt động được công ty mẹ uỷ thác.
Và với nhiều thiếu sót khác, Bộ GTVT đã "yêu cầu công ty Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái quy định hiện hành"- đồng nghĩa với việc tạm thời bị "dừng hoạt động".
Năm 2015, đề án thí điểm tham gia kinh doanh dịch vụ taxi này của Uber Việt Nam cũng đã bị Bộ GTVT trả lại với yêu cầu tương tự, phải hoàn thiện theo quy định pháp luật Việt Nam.
Động thái trên của Bộ GTVT là nhằm gây sức ép buộc Uber BV Hà Lan phải đi vào đường ray hiện có của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà Bộ GTVT muốn đối với Uber trong gần 3 năm qua, về bản chất không khó đối với công ty này, đó là đăng ký và hoạt động như một doanh nghiệp Việt Nam nhưng công ty này đã không đáp ứng kỳ vọng đó.
Cục Đăng ký kinh doanh của Bộ KH-ĐT cũng nhận định, theo cách thức hiện nay, Uber BV tại Hà Lan không chịu bất cứ một trách nhiệm nào với khách hàng đi xe khi có rủi ro xảy ra. Mọi tranh chấp phát sinh sẽ phải được giải quyết ở toà án Hà Lan thay vì Việt Nam. Xe Uber cũng không có biển hiệu nên những hoài nghi về tính an toàn là có cơ sở.
Chưa kể, thông tin từ Cục thuế TP.HCM cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của Uber BV - dù đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính - vẫn chưa thực sự tốt. Hãng này phải nộp 19 tỷ đồng tiền thuế cho 20% doanh thu mà Uber BV nhận được, nhưng đến tháng 12/2016 mới chỉ nộp được hơn 13 tỷ đồng.
Có thể thấy, cái khó xử của Bộ GTVT còn nằm ở việc, nếu tiếp tục mở cho Uber như hiện nay thì sẽ là tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, không công bằng với hãng xe còn lại.
Một bên toàn bộ doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ thuế đều thực hiện ở lãnh thổ Việt Nam như GrabTaxi và một bên là doanh thu, lợi nhuận, thuế đều đổ về phía Hà Lan thì việc nhà quản lý chấn chỉnh Uber là điều có thể hiểu được.
Tính đến nay, không chỉ có GrabTaxi, hai hãng xe khác là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Đề án thí điểm V-Car) và gần đây nhất là Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội cũng đã được Bộ GTVT chấp thuận triển khai thí điểm việc ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe.
Ứng xử thế nào với hình thái kinh doanh mới?
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Uber mang lại. Người dân dùng dịch vụ tiện ích hơn, giá rẻ hơn. Uber ra đời cũng chính là một sức ép tự nhiên buộc các hãng taxi truyền thống phải thay đổi để cạnh tranh hơn, vừa tranh thủ huy động được nguồn lực nhàn rỗi để tạo thêm hàng trăm việc làm và thu nhập cho người dân.
Gọi xe qua ứng dụng Uber đang phổ biến ở Việt Nam |
Và cùng với Uber, hàng loạt các dịch vụ kinh doanh xuyên biên giới vẫn đang nở rộ thâm nhập vào Việt Nam như quảng cáo qua Google, Facebook, Youtube, đặt dịch vụ khách sạn du lịch qua mạng như Agoda...
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, bày tỏ: "Động thái của Bộ GTVT với Uber là có thể phù hợp, nhưng về mặt vĩ mô, Nhà nước cần thay đổi phương thức quản lý để phù hợp với nền kinh tế số. Những mô hình kinh doanh mới như Uber mang lại đáng lẽ ra nên được khuyến khích phát triển".
"Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, phát huy tối đa sức sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ tốt nhất và người dân có quyền hưởng những tiệc ích chất lượng cao, giá rẻ,... Phần còn lại là việc của Nhà nước, của Chính phủ đó là việc thu thuế, về an ninh, công bằng trong môi trường kinh doanh,... Nhà nước cần thích ứng để tạo ra công cụ quản lý phù hợp", TS. Thành chia sẻ.
Theo ông, cần có một nghiên cứu kỹ càng về các hiện tượng mới, mô hình kinh doanh mới sáng tạo hiện nay. Tư duy quản lý kiểu "không quản được thì cấm" đã không còn phù hợp.
Có thể nói, những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và trí tuệ sẽ ngày càng nở rộ và ngày hôm nay có thể là Uber, Facebook, Agoda,... nhưng ngày mai, có thể là một hình thái mới hiện đại hơn rất nhiều để đáp ứng tối đa nhu cầu của xã hội.
Nếu Nhà nước chỉ muốn "nắn" doanh nghiệp vào khuôn khổ pháp lý hiện tại thì sẽ là chiếc áo chật hẹp hạn chế sáng tạo, không theo kịp đặc trưng chia sẻ và không biên giới ở một nền kinh tế số trong thế kỷ 21 và cũng không phù hợp với nhu cầu cần tiếp cận văn minh nhân loại của người dân.
Phạm Huyền