Chi phí lót tay vẫn đáng quan ngại

Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận những phản ánh tích cực từ cộng đồng DN về nỗ lực trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức.

Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức là 53,6%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu so với 70% DN phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006 thì con số này cho thấy nỗ lực lớn của chính quyền các địa phương. Tuy vậy, đây vẫn là con số rất cao và là lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định.

{keywords}
chi-phi2.jpg

Tại một số lĩnh vực ghi nhận chi phí không chính thức đã giảm. Chẳng hạn, tỷ lệ  chi trả “hoa hồng” để có cơ hội thắng thầu còn 41,2%, giảm so với 48,4% (2018) và 54,9% (2017). Hay hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho DN giảm từ 58,2% (2018) xuống còn 54,1%. Tỷ lệ DN lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 21,6%, giảm đáng kể so với con số 31,6% (2017) và 28,8% (2018)...

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực con số này có vẻ không giảm, thậm chí còn tăng. Điển hình, tỷ lệ DN cho hay đã phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi giảm ấn tượng từ 51,9% (2017) xuống còn 39,3% (2018) thì năm 2019 vẫn giữ nguyên. Hay, tỷ lệ DN “lót tay” để đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi giảm từ mức 32% (2017) xuống còn 30,8% (2018) lại tăng lên 36% vào năm 2019.

Báo cáo của VCCI cho thấy, khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính DN gặp vướng mắc rất lớn, nhất là những thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy, chi phí không chính thức trong lĩnh vực này cũng lớn. Có 48% DN FDI thừa nhận đã chi trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép phép xây dựng trong năm qua. Đáng lưu ý, con số trên có thể chưa phản ánh đúng chi phí thực tế, bởi có khả năng các DN FDI đã bỏ qua việc xin cấp phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí “lót tay”.

Suy giảm lòng tin

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nếu nhìn vào mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 139/2018 là đến năm 2020 giảm một nửa tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức thì rõ ràng, chính quyền các cấp cần tiếp tục có thêm các giải pháp mạnh mẽ hơn. Kết quả điều tra PCI 2019 chứng tỏ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn đầy cam go.

{keywords}
chi-phi1.jpg

Chi phí không chính thức được cho là gánh nặng và làm giảm sức cạnh tranh của DN tại Việt Nam. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản phẩm, đẩy giá sản phẩm lên cao, hậu quả là giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Các chi phí không chính thức đang là vấn đề gây khó khăn và tốn kém cho DN nhiều nhất.

Không những thế, nó còn làm phát sinh thêm chi phí khác. Chẳng hạn, để hợp pháp hóa chi phí không chính thức, DN sẽ phải chi thêm tiền, dẫn đến hiện tượng gian dối trong kinh doanh như buôn bán hóa đơn; báo cáo tài chính, thuế không trung thực,...

Chi phí không chính thức còn làm suy giảm lòng tin của DN vào nỗ lực cải cách của Chính phủ, không thúc đẩy sáng tạo, kinh doanh chân chính, hủy hoại liêm chính trong kinh doanh. Ngoài ra, có thể còn nhiều tác động tiêu cực khác, như kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, tham nhũng.

Nguyên nhân cơ bản, theo ông Tuấn, là chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật. Hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu DN và đòi hỏi chi phí không chính thức. Cùng với đó là thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng địa vị của cán bộ giao nhiệm vụ để sách nhiễu DN.

VCCI cho rằng, nguy cơ rõ ràng là những loại tham nhũng này có thể khiến các DN đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh. Như vậy, công cuộc cải cách tại nhiều địa phương vẫn chưa thực chất, còn hình thức và DN vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi các cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.

Để xóa bỏ chi phí không chính thức cho DN, theo các chuyên gia, chính quyền cần công khai minh bạch mọi thủ tục, sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động.

Trần Thủy