60 năm trước Nhật giống Việt Nam, cả về cơ chế nguồn nhân lực, cơ cấu GDP, xuất khẩu rất tương đồng. Nhưng trong 20 năm, Nhật Bản đã thay đổi toàn diện thành nước công nghiệp hiện đại.

Năng suất lao động thua xa nhiều nước Asean

Tại Hội thảo chuyên đề "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa", ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore; 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào.

GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Việt Nam phải tăng năng suất để tránh bẫy thu nhập trung bình.

60 năm trước Nhật giống Việt Nam, cả về cơ chế nguồn nhân lực, cơ cấu GDP, xuất khẩu rất tương đồng. Nhưng trong 20 năm, Nhật Bản đã thay đổi toàn diện thành nước công nghiệp hiện đại.

{keywords}
Năng suất thấp kéo lùi tăng trưởng.

“Khoảng cách công nghệ Việt Nam với thế giới còn rất xa. Đơn giản nhất là nhập khẩu công nghệ, ứng dụng vào Việt Nam. Làm cái này rất dễ. Đó là điểm tôi muốn nhấn mạnh thêm”, ông Thọ nói và cho rằng, du nhập công nghệ cùng với cải cách thể chế là hai yếu tố quan trọng làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp TFP. Trong đó cải cách thể chế là trước nhất.

Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.

Ông Trần Văn Thọ nhấn mạnh, công nghiệp hóa là mũi đột phá năng suất. Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất.

Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

“Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp”, ông Thọ cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thọ lo ngại vấn đề của Việt Nam là sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa Việt Nam còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm.

GS Trần Văn Thọ nhận xét, với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng hậu công nghiệp quá sớm. Hai lĩnh vực có thị trường lớn, Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các máy móc cơ khí và công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp  hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến cần tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề diễn đàn, một chuyên gia tỏ ra băn khoăn về việc phát triển công nghiệp của Việt Nam. Bởi công nghiệp của Việt Nam chủ yếu gia công lắp ráp, vẫn còn tập trung vào các ngành gây ô nhiễm môi trường.

“Càng phát triển công nghiệp thì càng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, càng kích thích nhập khẩu”, vị này phản biện và cho rằng dịch vụ mới là ngành Việt Nam nên chú trọng.

{keywords}
Phải nâng cao năng suất lao động bằng cải tiến công nghệ

Chìa khóa tăng trưởng kinh tế

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000 xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.

Như vậy, tăng trưởng đã giảm khá nhanh và nếu tiếp tục xu hướng này Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.

Nhưng thực tế là các nước vẫn đang tiến lên chứ không đứng một chỗ đợi Việt Nam đuổi kịp.

GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Nhật Bản, cho rằng: Tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ do số lượng không phải chất lượng. Chất lượng chính sách Việt Nam vẫn thấp so với các nước có năng suất cao ở Đông Á.

Tình hình tăng cao năng suất lao động ở Việt Nam rất lo ngại.10 năm qua năng suất lao động không thay đổi mấy. Tăng trưởng giảm do năng suất lao động thấp.

Làm thế nào thúc đẩy năng suất? Theo GS Kenichi Ohno, phải có tầm nhìn, chẳng hạn Việt Nam là nước công nghiệp hoàn toàn vào năm 2025. Rõ ràng điều đó là hơi tham vọng, nhưng nếu muốn nó không mơ hồ phải có gạch đầu dòng trong mục tiêu ấy. Thậm chí có con số cụ thể luôn để xem xem các mục tiêu này có đạt được hay không.

“Tôi làm việc ở Việt Nam 20 năm. Các vấn đề Việt Nam thảo luận rất chung chung. Nếu chỉ nói chung chung thì khi đến các hội thảo chuyên đề khác lại nhắc lại thì không đi vào cụ thể”, GS Kenichi Ohno nói.

GS Kenichi Ohno cho rằng để nâng cao năng suất lao động, phải bắt đầu chiến dịch tư duy nâng cao nhận thức quốc gia về năng suất. Nhật từng dành 3-5 năm để tất cả ý tưởng ngấm vào không chỉ người làm chính sách mà cả người lái taxi. Chúng ta phải cho họ thấm nhuần tư tưởng tăng năng suất là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế.

Hà Duy