Cần tư duy lại cách làm du lịch

Tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển" diễn ra sáng 28/11 tại Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành du lịch đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2015-2019.

Khách quốc tế đến Việt Nam từ 7,9 triệu lên 18 triệu, bình quân tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015). 

Song, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề khiến các điểm đến vắng khách, đặc biệt là vắng bóng hoàn toàn khách quốc tế từ tháng 3. Hàng nghìn DN du lịch phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng,  phát biểu tại hội nghị
{keywords}
Quang cảnh hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

“Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cần được hỗ trợ dòng tiền

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch, cho rằng, hàng không và du lịch nằm trong nhóm các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Do đó, một trong nhóm các giải pháp ông đưa ra để Việt Nam phục hồi nhanh chóng du lịch nội địa, chống đổ vỡ hàng loạt - cần có hỗ trợ DN hàng không, du lịch có dòng tiền để có thể tiếp tục hoạt động, giữ được lực lượng lao động có chuyên môn, kinh nghiệm.

Theo ông Kiên, Chính phủ bảo lãnh cho các DN đang hoạt động và có nhu cầu có thể vay bằng số tiền nộp thuế trong năm 2019. Đây là giải pháp căn cơ và có thể hỗ trợ ngay các DN đang trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, cho phép khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay cho các DN hàng không và khách sạn đang hoạt động đến hết năm 2021.

{keywords}
Ông Trần Trọng Kiên

"Ngành hàng không và du lịch sẽ phải đương đầu với thách thức lớn hơn nhiều trong 3 năm tới và 2021 chắc chắn vẫn làm năm hết sức khó khăn" - ông Kiên nói và bày tỏ đề xuất của ông sẽ được cân nhắc khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ thứ hai.

Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cho rằng những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, các gói tài chính ưu đãi dànho cho doanh nghiệp của Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính, giúp DN có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động.

Theo ông Phương, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 40% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, vì vậy cần có chính sách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn dịnh và thúc đẩy các DN tiếp tục đầu tư, phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT công ty Vietravel, kiến nghị cần định hình lại chính sách hỗ trợ và tái cơ cấu lại ngành du lịch Việt Nam sau lịch Covid-19.

Ông Kỳ đề xuất, nên gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Đối với cá nhân, gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch.

Đồng thời, gia hạn 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành, bởi nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì DN không đủ thời gian tái tạo và hồi phục.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay cho các DN lữ hành; đồng thời giảm lãi suất với những khoản vay cũ. Ngoài ra, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trở lại. Các DN cũng cần được vay vốn lãi suất ưu đãi nhất để trả lương cho người lao động trong vòng 12 tháng.

Chuyển đối số trong phát triển du lịch

Để khôi phục ngành du lịch, Thứ trưởng Bộ VH-TT& DL Nguyễn Văn Hùng đề xuất bốn nhóm giải pháp gửi Chính phủ, gồm: cơ cấu lại thị trường, phát triển sản phẩm, hợp tác công tư liên kết vùng và áp dụng chuyển đổi số.

Ông Hùng cho rằng, để giữ đà lạc quan, thời gian tới ngành du lịch cần tập trung khai thác thị trường nội địa, xây dựng các sản phẩm phù hợp hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với môi trường.

Các địa phương cũng cần bám sát các DN để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách để tạo môi trường an toàn tại các điểm đến", ông Hùng nhấn mạnh.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 
{keywords}
Ông đề nghị các cấp, ngành, DN cùng nắm chặt tay nhau, quyết tâm phát triển ngành kinh tế xanh

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, vấn đề liên kết, thời gian qua mặc dù một số địa phương đã hình thành được các liên minh, liên kết nhưng mới chủ yếu tập trung ở hoạt động xúc tiến du lịch. Liên kết phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong các hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch,... chưa được quan tâm.

Hơn nữa, chuyển đối số trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng không chỉ đối với ngành du lịch mà đối với tất cả các ngành kinh tế khác. Việc chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư cần phải được khẩn trương thực hiện trong tất cả các khía cạnh của hoạt động du lịch, không chỉ trong hoạt động xúc tiến, quảng mà trong quản lý, trong nghiên cứu cũng như trong quản lý kinh doanh du lịch.

“Chuyển đổi số là một quá trình công phu, không dễ dàng, đòi hỏi phải có quyết tâm và sự hợp tác chặt chẽ của các bên. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đây là vấn đề lớn, tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL cùng các địa phương cần xây dựng phương án giải quyết cụ thể. Nếu không giải quyết được vấn đề này, ngành du lịch Việt Nam sẽ lạc hậu, đi sau và không thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Kiều Oanh - Lê Bằng