Nếu ví con đường từ một lập trình viên nhận mức lương không đủ sống, tới vai trò người giữ chiếc ghế nóng tại tập đoàn công nghệ mũi nhọn hàng đầu Việt Nam như hành trình "from Zero to Hero", Trương Đình Anh có thể được xem là ví dụ mang đầy cảm hứng.

"Tôi nhớ một ngày cuối năm 1992, có một thanh niên trẻ măng đến đứng trước cổng nhà tôi gọi toáng lên: 'Anh Nam ơi, em xin sang FPT. Em tin là nếu là lập trình viên thì phải ở FPT mới có cơ hội để phát triển!'.

Đó là Đình Anh, một lập trình viên sẵn sàng bỏ ngang việc học hành, khi đó đang có một công việc rất tốt, thách thức và thu nhập cao tại một ngân hàng lớn. Nhưng anh hiểu rằng muốn sống với giấc mơ công nghệ của mình, phải sang FPT".

Đây là những dòng viết về tân CEO FPT Trương Đình Anh của người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam ngay trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực của FPT vào giữa năm 2011, được gửi tới toàn bộ nhân viên FPT.

{keywords}

Trong những dòng thư ngắn, ông Nam khi đó nhận định rằng, con người vốn gây nhiều tranh cãi này là lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai FPT trong mục tiêu vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu của Forbes (trong Forbes Global 2.000) trong vòng 10 năm.

Trong những dòng tâm sự trên blog của mình, chính cựu CEO Trương Đình Anh cũng thừa nhận, FPT có một lực hấp dẫn mạnh mẽ với ông.

Một ngày sau khi tham dự tiệc sinh nhật FPT tròn 5 tuổi ở Hồ Tây, khi nghe được tiếng nhạc vui nhộn của những người trẻ tuổi, tâm huyết và cùng chí hướng, Trương Đình Anh rời khỏi công việc ngân hàng từng khiến ông lơ đãng việc học hành tại trường kinh tế, để đến với FPT nhận đồng lương không đủ ăn tiêu.

Những ngày đầu ở FPT, Trương Đình Anh làm việc tại Trung Tâm Dịch vụ Tin học ISC, phụ trách dự án cho Ngân hàng Công Thương, "thi thoảng làm cửu vạn bốc vác máy tính cho các anh kinh doanh ISC".

Năm 1994, Trương Đình Anh bắt tay vào lập trình các hệ thống dịch vụ truyền tin kinh doanh nội bộ, sau đó phát triển mạng Trí Tuệ Việt Nam - một trong những diễn đàn dành cho người yêu tin học nổi bật nhất giai đoạn này. Đến năm 1997, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến của FPT, viết tắt là FOX.

Chiếc ghế thủ lĩnh ban đầu trong tay Trương Đình Anh chỉ là vị trí quản lý của một nhóm 4 người với quá khứ "chết đói và lỗ chỏng gọng" và doanh thu những năm trước chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng/năm.

"Văn phòng của chúng tôi là 6m2 ở tầng 3 tòa nhà FPT 89 Láng Hạ. Tài sản quý nhất là một chiếc PC Server IBM chạy phần mềm TTVN Server và 12 cái modem xếp chồng lên nhau trong một chiếc chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát", Trương Đình Anh từng miêu tả như vậy về "tài nguyên" của FOX trong những ngày đầu thành lập.

Kết quả cuối cùng của năm đầu tiên giữ vị trí CEO tại một công ty của Trương Đình Anh là khoản lỗ 50.000 USD.

Tháng 12/1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet, chuyển tên thành FPT Internet. Năm 1998, FPT Internet dưới thời Trương Đình Anh tạo nên một kiểu mẫu mới cho doanh nghiệp Internet ở Việt Nam, với đình điểm là đợt khuyến mãi tăng modern cho khách hàng, gián tiếp tạo nên cuộc bùng nổ trong thị trường Internet thời kỳ trước năm 2000.

Cuối năm đó, FPT Internet có doanh thu 540.000 USD, có lãi, và Trương Đình Anh nhận danh hiệu một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam.

Sau chiếc ghế CEO tại FOX, Trương Đình Anh còn tham gia xây dựng nên nhiều đơn vị nòng cốt khác của FPT, và cuối cùng trở thành CEO của toàn tập đoàn. Ông kết thúc năm đầu tiên giữ ghế CEO FPT tốt hơn nhiều so với thời kỳ ở FOX, đạt doanh thu đạt gần 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.515 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khác với FOX, con đường của Trương Đình Anh với chiếc ghế CEO FPT ngắn ngủi hơn nhiều, chỉ hơn 1 năm so với 14 năm tại FOX.

(Theo Trí Thức Trẻ)