Tín hiệu tích cực mới
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đầu giờ sáng 17/4 (giờ Việt Nam) bất ngờ tăng vọt với chỉ số công nghiệp Dow Jones tương lai tăng thêm 700 điểm (tương đương tăng thêm 3,3%) ngay sau khi hãng dược phẩm Gilead công bố một loại thuốc mang tên Gilead Sciences cho thấy có tác dụng tốt trong việc điều trị coronavirus.
Đây là thông tin tốt tiếp theo đối với ông Donald Trump trong bối cảnh áp lực dồn dập vay quanh vị tống thống thứ 45 của Mỹ này, từ những số liệu thất nghiệp cao kỷ lục, bán lẻ tụt giảm, giá dầu vẫn xuống dốc không phanh, nền kinh tế ngưng trệ cho tới những đòn phản công từ Trung Quốc sau quyết định trừng phạt Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ cũng đã khởi sắc trở lại nhờ một loạt ổ phiếu công nghệ lớn vốn được hưởng lợi từ quyết định ở nhà của chính phủ (stay-at-home stock) như Amazon và kênh phim truyện Netflix tiếp tục tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới.
Tính tới 7h45 phút sáng nay 17/4, chỉ số Dow Jones tương lai tăng thêm 772 điểm lên 24.179 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq và chỉ số tầm rộng S&P 500 tương lai cũng đều tăng điểm.
Thuốc của hãng Gilead có tác dụng tốt đối với bệnh nhân Covid nặng. |
Đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng đã tăng thêm hơn 33 điểm, chỉ số S&P 500 tăng thêm 0,58% lên gần 2.800 điểm, còn chỉ sô Nasdaq Composite tăng gần 1,7% lên 8.532 điểm.
Các cổ phiếu Amazon và Netflix liên tục lập các kỷ lục cao mới nhờ các đơn đặt hàng tại nhà đã thúc đẩy nhu cầu dịch vụ phát trực tuyến và giao hàng tận nhà.
Chứng khoán Mỹ tăng trở lại đã giúp ông Donald Trump giảm bớt áp lực giữa tâm bão đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, vốn đang nhấn chìm nền kinh tế Mỹ, vùi dập những thành quả trong 3 năm qua của ông chủ Nhà Trắng.
Đêm qua, Mỹ công bố có thêm hơn 5 triệu người nộp đơn thất nghiệp, nâng tổng cộng số người thất nghiệp trong vòng 4 tuần gần nhất lên trên 20 triệu người, tương đương với tỷ lệ thất nghiệp là trên 15%.
Đây là một áp lực rất lớn đối với ông chủ Nhà Trắng. Đại dịch Covid-19 khiến tất cả mọi thứ đảo chiều, một nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Donald Trump từ trạng thái rất tốt với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 50 năm ngay lập tức chuyển sang tồi tệ hiếm có trong lịch sử.
Một loạt công ty lớn tại Mỹ đã báo cáo những con số ảm đạm và khởi đầu một mùa báo cáo lợi nhuận đầy đen tối. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 giảm kỷ lục, với mức giảm 8,7%.
Ông Trump nỗ lực, Mỹ sắp mở cửa lại nền kinh tế
Những nỗ lực “con thoi” cứu thị trường dầu mỏ của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang tan thành mây khói khi giá dầu WTI quay đầu giảm, rớt khỏi mốc 20 USD/thùng và xuống thấp nhất trong hơn 18 năm.
Thành công của ông Trump trong việc kéo nước Nga của ông Putin và Saudi Arabia của Thái tử Mohammed Bin Salman trở lại bàn đàm phán và có được một thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng dầu (giảm 9,7 triệu thùng/ngày) cũng chưa cứu vẫn được tình hình.
Ông Donald Trump nỗ lực mở lại nền kinh tế. |
Giá dầu WTI đầu giờ sáng 17/4 vẫn ở đáy hơn 18 năm sau 2 phiên lao dốc mạnh trước đó. Giá dầu WTI không thể tìm thấy hỗ trợ tại mốc 20 USD/thùng do tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu mà nguyên nhân là do các nước đóng cửa nền kinh tế trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covdi-19.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu giảm kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày trong năm nay và tiếp tục trượt dốc ít nhất đến cuối tháng 5/2020.
Hôm 16/4, giá dầu tham chiếu hàng ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thậm chí đã giảm xuống mức 17,5 USD/thùng. Đây là mức giá giá trung bình của 13 thành viên OPEC, trong đó có Congo, Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Venezuela.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây chịu áp lực tứ bề, không chỉ vì số lượng người nhiễm và chết vì thế giới lớn mà còn bị Trung Quốc, Đảng Dân chủ Mỹ và nhiều nước lên án vì quyết định ngừng đóng góp ngân sách cho WHO.
Tính tới đầu giờ sáng nay, tại Mỹ đã có 640 ngàn trường hợp bị nhiễm virus corona, trong đó tử vong gần 31 ngàn người, trong tổng cộng hơn 2 triệu ca nhiễm và 134 người chết trên toàn thế giới.
Thành phố New York của Mỹ vẫn là tâm dịch với hơn 600 ca chết hôm qua. Thành phố này sẽ kéo dài phong tỏa đến 15/5.
Dịch Covid-19 vẫn phức tạp, WHO dự báo tuần tới là quan trong đối với EU vì sắp vượt ngưỡng 1 triệu người nhiễm. |
Những tín hiệu tích cực việc điều chế thuốc chống lại coronavirus và vaccine đang dấy lên hy vọng cho các nhà đầu tư và cho ông Donald Trump. Cổ phiếu Gilead đêm qua tăng vọt 14% sau khi STAT news công bố một bệnh viện ở Chicago đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona bằng thuốc Remdesivir đã hồi phục nhanh chóng cho dù bệnh tình rất nặng.
Những dấu hiệu dịch có thể đã đạt đỉnh theo phân tích trên đồ thị cũng là yếu tố tích cực và là cơ sở để ông Trump đẩy mạnh nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế, tránh một sự sụp đổ dây chuyền có thể xảy ra bất ổn xã hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có phát biểu về kế hoạch mở cửa lại nước Mỹ. Theo đó, trong giai đoạn đầu, nhiều cơ sở kinh doanh như nhà hàng, rạp chiếu phim,... có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ.
Trong giai đoạn 2, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại. Và tới giai đoạn 3, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng.
Một số bang có thể mở cửa sớm như North Dakota, Montana, Wyoming,... Một điểm khác biệt so với tuyên bố trước đó là ông Trump không giành quyền tối thượng về việc mở cửa kinh tế như tuyên bố vài ngày trước mà sẽ cho phép các bang tự quyết định nếu cần đóng cửa tiếp. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ đã qua đỉnh điểm dịch và tình hình dịch đang dần ổn định.
M. Hà