Dùng lãi cao làm “mồi nhử”

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua, với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, đã nêu vấn đề này trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm.

Ông đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng về “bong bóng tài sản” và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; trong đó phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao thời gian qua.

{keywords}
DN bất động sản thi nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 6 tháng đầu năm 2021, có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỷ đồng. Trong đó, có 293 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 177.098 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng.

Nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng, nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 61.988 tỷ đồng.

Nếu như trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại phát hành có lãi suất thấp từ 3-4,2%/năm thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn cao ngất ngưởng, từ 8-12%/năm, chủ yếu thuộc về các tập đoàn như Sunshine, BCG Land, Helios, Vinaconex, Tân Hoàng Minh, Kinh Bắc...

Chẳng hạn, cuối tháng 7/2021, DN S.S về BĐS ở Hà Nội đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, 12 tháng trả lãi một lần, kỳ trả lãi đầu có lãi suất 11%/năm. Các kỳ sau là trung bình cộng lãi suất tiết kiệm cao nhất của kỳ hạn 12 tháng, của 4 ngân hàng lớn, cộng với 4,5%/năm. 

Hiện có rất nhiều các nhà môi giới chào mời khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, kỳ hạn từ 12-48 tháng, lãi suất cao. Với những lời đường mật như: bỏ một tỷ đồng để mua trái phiếu sẽ có lãi cao hơn gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng/năm trở lên.

Thậm chí, một doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP.HCM kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, sửa chưa bảo dưỡng ô tô, karaoke, nhà hàng, bất động sản,... hàng ngày vẫn gửi thông tin qua tin nhắn mời chào nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, lãi suất lên tới 18%/năm cho khoản đầu tư 1 tỷ đồng, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát và đang trong thời kỳ giãn cách, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm dừng.

{keywords}
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kinh doanh không hiệu quả

Phát hành bằng mọi cách

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn lớn và tăng hơn 3% so với cùng kỳ 2020. Theo quy định (Nghị định 153/2020/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đối tượng mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trên thực tế, nhiều môi giới sẵn sàng hỗ trợ cấp giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu người mua muốn trực tiếp đứng tên trên hợp đồng mua trái phiếu. Nếu không, người mua có thể ký hợp đồng hợp tác đầu tư, trái chủ nắm giữ trái phiếu là một bên thứ ba và cam kết trả lãi cho người mua.

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu nửa đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản sẽ khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Lãi suất trái phiếu bất động sản vì thế có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác.

Nhưng SSI cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng, vì lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu có nhiều rủi ro.

Một chuyên gia tài chính cho biết, có những doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền. Để duy trì dòng tiền luôn luôn dương thì chỉ có cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều đợt, với lãi suất lần phát hành sau cao hơn lần trước, dùng lãi suất cao để thu hút vốn, nên rất rủi ro.

Theo số liệu của công ty xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động tới 162 nghìn tỷ đồng qua phát hành trái phiếu. Lãi suất trái phiếu bình quân khoảng 10,5%/năm, kỳ hạn bình quân 3,8 năm. Kết quả khảo sát 17 công ty bất động sản niêm yết, có phát hành trái phiếu vào cuối năm 2020 cho thấy, một số doanh nghiệp có lợi nhuận tạo ra không đủ trang trải lãi vay. 

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong danh mục đáo hạn 3 năm tới. Trong khi đó, khả năng chi trả của doanh nghiệp phát hành lại phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp khó lường, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh sa sút thì rủi ro rất lớn. Rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu, nhất là đối với các trái phiếu lãi suất cao nhưng doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Bộ Tài chính cũng cảnh báo, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Những doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao mà sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Trần Thủy

Tung lãi suất cao gọi ngàn tỷ đổ vào nhà đất: Nguy cơ sụt hố

Tung lãi suất cao gọi ngàn tỷ đổ vào nhà đất: Nguy cơ sụt hố

Số lượng trái phiếu DN không có tài sản đảm bảo, hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành quý 1/2021 chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, các DN thuộc lĩnh vực bất động sản dẫn đầu. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn.