Bộ Tài chính muốn tăng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 12% vì thuế GTGT đang thấp hơn các nước và ngân sách căng chịu nhiều áp lực do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập. Trên thực tế, loại thuế này thực chất là đánh vào người tiêu dùng và hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

Tăng thuế theo “thông lệ quốc tế”?

Giải thích lý do muốn tăng thuế giá trị gia tăng (còn gọi là thuế VAT) từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính cho rằng: Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.

{keywords}
Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu đáng kể của ngân sách nhà nước. Ảnh: L.Bằng

Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,...

Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.

Việc tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng thế nào đến DN và hàng triệu người dân?

Ngay sau đề xuất của Bộ Tài chính, PV.VietNamNet đã đặt câu hỏi này với nhiều lãnh đạo DN dệt may, ô tô, kinh doanh gas,... Các DN được hỏi đều có chung câu trả lời “không ảnh hưởng nhiều đến DN, nhưng ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên, cho rằng Bộ Tài chính đề xuất nâng thuế là vì ngân sách đang chịu nhiều áp lực. Con số bội chi ngân sách khoảng 200 nghìn tỷ mỗi năm đã cho thấy áp lưc và cầu tìm nguồn cân đối.

“2 điểm % tăng thêm đó là đánh vào người tiêu dùng, nói cho đúng là thế, DN chỉ là người thu hộ nhà nước. Nhưng cũng phải dè chừng ở chỗ, nâng lên rồi các DN trốn thuế, số lượng bán 10 họ chỉ báo 8 thôi thì cũng ảnh hưởng. Cho nên ngành thuế phải quản chặt việc đó”, ông Dương nói.

{keywords}
Khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng đang được đề nghị tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít

Cần cân nhắc kỹ

Vị chủ tịch may Hưng Yên bày tỏ đồng tình với đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính. Trước câu hỏi việc tăng thuế có ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN, giá cả sản phẩm, ông Dương cho rằng “không ảnh hưởng đáng kể”.

“Ví dụ, một cái áo giá 110.000 đồng thì khi nâng thuế thêm 2%, nó sẽ có giá 112 nghìn, tăng không đáng kể. Cho nên nói, khả năng giảm sức mua thì không phải”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Dù vậy, điều lãnh đạo DN này quan tâm là việc quản lý nguồn thu thuế tăng thêm đó như thế nào cho đúng, cho hiệu quả. “Quan trọng thu thế nào, chi thế nào. Nếu chi 80% cho tiền lương hành chính, công chức, còn chỉ 20% chi cho đầu tư thì không ổn. Phải làm thế nào chặn lại việc ấy, phải minh bạch, xem lại biên chế”.

Giám đốc một DN kinh doanh gas cũng nhìn nhận việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ tác động đến an sinh xã hội là chính. Điều này tác động đến toàn bộ nền kinh tế chứ không phải cá nhân ai.

“Vì đây là thuế gián thu nên người tiêu dùng phải chịu. Thuế gián thu này tác động đến an sinh xã hội là chính. Một mặt hàng trước đây người dùng mua phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% thì sau này có thể phải chịu 12%. Họ phải chịu thôi nếu thu nhập không tăng”, vị giám đốc này cho biết.

Thực tế, nếu tính đơn lẻ từng mặt hàng phổ thông như điện, nước thì mức tăng thuế GTGT thêm 2 điểm % là không đáng kể. Ví dụ, 1 bình gas đang bán 330 nghìn, nếu thuế giá trị gia tăng là 12%, giá bán mỗi bình gas sẽ tăng thêm 6.000 đồng.

Thế nhưng, với những mặt hàng có giá trị lớn thì chỉ 2% thôi cũng tác động không nhỏ đến giá cả hàng hóa.

Giám đốc 1 DN kinh doanh ô tô cho rằng: Với DN nhập khẩu ô tô, thuế GTGT còn liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT nâng lên thì thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng theo. Đương nhiên, khi thuế tăng thì giá sản phẩm cao lên, sợ rằng sẽ bán ô tô khó hơn.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia về thuế không mấy ngạc nhiên khi lần sửa đổi này, Bộ Tài chính muốn sửa hàng loạt thuế gián thu như Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt,... Bởi, đây là dòng thuế đánh vào người tiêu dùng và việc thu thuế rất dễ chứ không phức tạp như thuế tài sản.

Nâng thuế GTGT chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Việc này có ảnh hưởng đến sức mua hay không là điều cần phải chờ, vì sức mua phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng ngân sách thu thêm được một khoản tiền không nhỏ là điều chắc chắn.

"Thế nhưng cần nhìn nhận tổng thể các sắc thuế ở Việt Nam để có quyết định đúng đắn, chứ không thể lấy thông lệ quốc tế để thuyết phục người dân việc tăng thuế”, vị này lưu ý và nhắc đến thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mà Bộ Tài chính cũng đang đề xuất, với khung thuế tối đa tới 8.000 đồng/lít.

Dân kinh doanh nhà đất lo ngại

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Hiệp hội nhận thấy trong các nước Asean thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%. Đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công...tăng lên, giá bán nhà tăng lên. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.

 

Lương Bằng