Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp sau khi có thông tin nước Mỹ bắt đầu đưa ra các giải pháp để đối phó với những tác động tiêu cực đến từ một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài nhiều năm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 210 điểm lên 25,540 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 0,8% lên 2.826,15 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng ấn tượng lên gần 7.580 điểm.
Trên TTCK châu Á, giới đầu tư cũng đã ngừng bán tháo chứng khoán. Chứng khoán Nhật, Hong Kong, Hàn Quốc, Úc,... đều tăng điểm trở lại.
Trong phiên liền trước, chứng khoán Mỹ đã có một phiên đảo chiều ấn tượng, tăng hơn 500 điểm sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu đầu tiên về khả năng có thể giảm lãi suất.
Theo đó, ông Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ theo dõi tốc độ tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế số 1 thế giới và sẽ có "hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng". Ông Powell nói rằng Fed đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của những diễn biến này với triển vọng kinh tế Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng. |
Chủ tịch Fed cũng cho hay chưa biết "khi nào hay bằng cách nào" các vấn đề thương mại toàn cầu sẽ được giải quyết. Nó cho thấy, đại diện của cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ đã đặc biệt lưu tâm đến ảnh hưởng của một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài.
Dự báo của FedWatch cho thấy, có khoảng 90% cơ hội Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 và hơn 80% cơ hội cơ quan này sẽ hạ lãi suất lần 2 vào tháng 12.
Chứng khoán Mỹ còn tăng giá do Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái xuống nước, thay vì căng như dây đàn trong những ngày trước đó.
Hôm 4/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc luôn tin rằng xung đột và khác biệt giữa hai bên về kinh tế và thương mại sẽ cần phải được giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn lẫn nhau.
Thông tin mới nhất cho thấy, một cuộc gặp trực gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà đàm phán thương mại chủ chốt từ Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến sẽ gặp Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei cũng vừa đề xuất ký thỏa thuận “không gián điệp” với Mỹ nhằm trấn an các nhà lãnh đạo Mỹ vốn lo ngại công nghệ 5G của hãng bị lợi dụng để do thám.
Trước đó, Huawei cũng đã có thỏa thuận với Đức, cam kết sẽ không cài đặt bất kỳ phần mềm cửa hậu nào trong hệ thống mạng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng khá mạnh trở lại. Cổ phiếu Apple tăng 1,6% sau khi CEO Tim Cook cho biết công ty không là mục tiêu bị Trung Quốc nhắm đến trong bối cảnh lo ngại thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng.
Chứng khoán Mỹ còn được hưởng lợi do căng thẳng thương mại Mỹ - Mexico được xoa dịu đôi chút sau khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tỏ ra phản đối hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa Mexico. Cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro cho biết, hàng rào thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Mexico “có thể không phải có hiệu lực”.
Tuy nhiên, tín hiệu trên thị trường trái phiếu Mỹ vẫn khá tiêu cực. Sự chênh lệch giữa trái phiếu 10 năm và 3 tháng vẫn là âm và được coi là sự đảo chiều nghiêm trọng. Giá vàng trong khi đó tăng mạnh do giới đầu tư đánh cược lãi suất giảm.
Mặc dù có những diến biến chứng khoán tích cực song triển vọng của kinh tế giới không mấy tươi sáng. Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, còn 2,6%, thấp hơn dự báo tăng 2,9% đưa ra hồi đầu năm nay và cũng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 3% đạt được trong năm 2018. Năm 2020, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7%.
V. Minh