Dịp Tết, nhiều nhà hàng, quán cà phê đồng loạt tăng giá 50% hoặc phụ thu theo bàn, nhưng vẫn không đủ chỗ cho “thượng đế”, thậm chí có nơi nửa đêm chưa hết khách.

Từ ngày 26/1-1/2 (29 Tết – mùng 5 Tết), trong khi nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi, đi chúc Tết họ hàng thì đây lại là dịp nhiều quán cà phê, nhà hàng kiếm bộn tiền nhờ lượng khách tăng vọt. Nhu cầu tụ tập, gặp gỡ bạn bè, người thân sau một năm xa cách tăng cao khiến những quán cà phê, hàng ăn kín chỗ.

Anh Trung, chủ một quán cà phê ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), cho hay dịp này anh tăng giá 50% do chi phí thuê nhân viên tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng nhẹ.

{keywords}

Thông báo tăng giá của một quán cà phê ở Thái Bình.

“Tôi phải nịnh nhân viên và trả 300% tiền công so với ngày thường họ mới chịu làm xuyên Tết. Đổi lại, dù tăng giá toàn menu lên 50%, khách vẫn đông nườm nượp. Đêm giao thừa, quán không đủ ghế cho khách ngồi. Tôi phải huy động cả người nhà phục vụ khách”, anh nói.

Theo chia sẻ của chị Bích, nhân viên phục vụ ở quán cà phê này, được tăng tiền công lên 300%, nhưng thu nhập của chị chỉ khoảng 300.000-400.000/ngày do mỗi tiếng họ trả có 10.000 đồng, ngày thường thu nhập của chị không quá 120.000 đồng.

Nếu như ở Hà Nội tìm đỏ mắt mới thấy một vài quán cà phê, nhà hàng mở cửa đêm giao thừa, lượng khách không nhiều thì ở các tỉnh hầu hết quán cà phê, nhà hàng mở cửa xuyên Tết.

“Dịp này nhiều người đi xa về quê ăn Tết. Họ có tiền và có nhu cầu được phục vụ mọi lúc, mọi nơi nên chúng tôi phải tranh thủ làm thâu đêm suốt sáng”, anh Vinh, chủ một quán cà phê ở Thái Bình cho hay.

Theo chia sẻ của anh Vinh, từ ngày 29 Tết đến nay (mùng 4 Tết), mỗi ngày quán cà phê của anh thu được tối thiểu 20 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhân viên, anh lãi từ 10-15 triệu đồng/ngày.

“Đêm giao thừa, doanh thu bằng cả tháng trong năm. Khách muốn có bàn phải gọi điện từ sớm đặt chỗ trước, còn không thì phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ cũng không chắc đã có chỗ ngồi”, anh chia sẻ.

Lấy lý do thuê người phục vụ khó, đắt đỏ, giá nguyên liệu cũng tăng mạnh dịp Tết, anh Vinh phụ thu 20.000 đồng/người vào những ngày cao điểm.

“Thật ra không nói ai cũng hiểu Tết đương nhiên phải tăng giá thế. Cũng ít khách phàn nàn chuyện giá cả. Dịp này họ chi tiêu thoáng hơn hẳn thậm chí chấp nhận mọi giá để được phục vụ như VIP”, anh nói.

Trong khi đó, chị Kiều, chủ một nhà hàng ở gần đó cho hay lo thực phẩm tăng giá mạnh, trước Tết khoảng một tuần chị đã nhập đủ nguyên liệu, thực phẩm cho dịp này.

{keywords}

Các "thượng đế" vẫn vui vẻ dù dịp Tết giá đồ ăn, thức uống tăng so với ngày thường.

“Nhiều nơi cứ lấy cớ giá nguyên liệu, thực phẩm tăng mạnh để tăng giá chứ thực ra họ nhập hàng về từ trước Tết, giá vẫn thế và họ lãi đơn, lãi kép nhờ vậy. Nhà hàng tôi mới mở nên không tăng giá hay phụ thu để tạo uy tín, hút khách”, chị nói thêm.

Không chỉ các quán cà phê, nhà hàng, ngay cả các quán karaoke cũng đội giá. Chị Thu, người vừa trả hơn 2 triệu đồng cho 2 tiếng hát ở Thái Bình cho hay ngày thường chỉ 200.000-300.000 đồng/tiếng hát, dịp này họ tăng lên 500.000 đồng/tiếng, không đặt trước còn không có phòng.

“Tuy vậy, chúng tôi vẫn vui vẻ trả tiền vì Tết mà. Trong lúc mình nghỉ ngơi, xả stress, họ phải phục vụ mình, trả thế cũng đáng”, chị nói.

(Theo Zing)