- Sau “giải cứu” chuối và lợn, thông tin về việc cá sấu rớt giá thê thảm khiến nhiều người quan tâm. Trong khi đó, thông tin về loài bọ biển khổng lồ, bánh mì khủng ở An Giang hay việc liên tiếp bắt được cá trắm đen khổng lồ cũng khiến mọi người chú ý.

Cá sấu rớt giá, ‘sính” thịt nhập ngoại

Theo một kết quả mới được Bộ NN-PTNT công bố, mặc dù thời gian qua đã giải cứu được khoảng 200.000-250.000 tấn lợn, song tính đến 17/5, số lượng lợn còn tồn lại khoảng 1,5 triệu con.

Thực tế, suốt từ đầu 2017 đến nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương đồng loạt giảm mạnh do “khủng hoảng thừa”, kéo theo người chăn nuôi lợn chịu thua lỗ nặng. Nhiều hộ còn đứng bên bờ vực phá sản.

Để cứu người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã kêu gọi các bộ ngành, doanh nghiệp cũng như người dân chung tay giải cứu thịt lợn, ưu tiên ăn thịt lợn. Vì thế, giá thịt lợn hơn đã bắt nhích dần lên 5.000-7.000 đồng/kg.

{keywords}

Giá rớt thê thảm, cá sấu bị bỏ đói


Sau thịt lợn, hiện giá cá sấu thương phẩm ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang rớt thê thảm ở mức hơn 30.000 đồng/kg.

Cũng như trường hợp chuối và lợn, nguyên nhân thịt cá sấu rớt giá được cho là do thương lái đẩy giá lên cao nhưng khi người dân đổ xô nuôi trồng lại dìm giá xuống ngay. Cá sấu càng lớn, giá càng thấp… Vì rớt giá, thương lái không thu mua, hàng vạn con cá sấu bị chủ trang trại bỏ đói vì càng nuôi càng lỗ...

Trong khi giá thịt lợn trong nước rẻ chưa từng có thì nhiều người Việt vẫn ‘sính’ thịt nhập ngoại.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi gần 110 triệu USD (khoảng 2.400 tỷ đồng) để nhập các loại thịt lợn, thịt gà và thịt bò từ các thị trường như Mỹ, Pháp, Úc. Các mặt hàng thịt nhập ngoại đang được bày bán tràn lan với giá khá rẻ.

Bên cạnh mối bận tâm về mặt hàng thịt, thị trường gia vị cũng khiến nhiều người quan tâm.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại TP.HCM, gia vị “3 không”(không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ ) vẫn bán công khai tại các chợ. Chẳng ai biết chất lượng của các loại gia vị “3 không” này ra sao nhưng do giá chỉ bằng một nửa các loại gia vị có thương hiệu nên gia vị “3 không” vẫn được khá nhiều người lựa chọn.

Vào hè, nhu cầu giải nhiệt của người dân tăng mạnh là cơ hội cho những sản phẩm giải nhiệt tiện lợi xuất hiện. Trong số những sản phẩm giải nhiệt được ưa chuộng có mặt hàng đá lạnh không tan xuất xứ Mỹ, Nhật. Hình thức của loại đá này giống những viên nước đá thông thường, tuy nhiên loại này được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, có loại làm bằng inox, có loại làm bằng đá tự nhiên.

Tuy nhiên, mặt hàng đá lạnh không tan này đang loạn giá trên chợ mạng. Cùng một loại đá lạnh không tan nhưng mỗi đầu mối bán hàng lại đưa ra một mức giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến gần 2 triệu đồng cho mỗi hộp.

Nhậu bọ biển khổng lồ, nhấm nháp bánh mì khủng

Gần đây, loài bọ biển khổng lồ với trọng lượng từ 1-2 kg đang được người dân Hà thành săn lùng về làm món nhậu, dù giá của chúng thuộc hàng siêu đắt đỏ.

{keywords}

Bọ biển khổng lồ thành món nhậu lạ của dân Hà thành.


Tuy thân hình xấu xí giống như con côn trùng phóng to, nhưng thịt ăn ngon hơn cả tôm hùm, cách chế biến lại khá đơn giản, nên bọ biển được nhiều người sành ăn mua về.

Song, để thưởng thức được món đặc sản nhà giàu này, khách phải đặt mua trước cả tháng trời bởi loại này sống ở đáy biển vùng nước sâu, ngư dân rất khó đánh bắt. Vì thế, giá bọ biển cũng rất đắt. Vào thời điểm cuối mùa, giá của 1 kg bọ biển lên tới 2,1 triệu đồng. Một con bọ biển nặng tầm 1-2 kg có giá từ 2-4 triệu đồng/kg.

Thông tin về loại bánh mì khổng lồ ở An Giang đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Gần đây, nhiều khách du lịch mỗi dịp ghé qua vùng Châu Đốc thường mua những chiếc bánh mì khổng lồ để ăn hoặc làm quà cho người thân. Bởi theo nhận xét của nhiều người, loại bánh mì này không chỉ to mà còn rất ngon, giòn, đặc ruột cùng vị bơ thơm lừng.

Những chiếc bánh mì này có chiều dài từ 0,9 đến 1,2 mét, cân nặng từ 2 đến 3,5kg, vốn nổi tiếng ở An Giang từ rất lâu. Các công đoạn làm bánh cũng mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ từ người thợ.

{keywords}

Bánh mỳ khủng ở An Giang khiến nhiều người thích thú.

Bên cạnh bánh mì khổng lồ, thông tin về những con cá trắm đen khổng lồ, có những con cá nặng 40-50 kg, được cần thủ Hà Nội câu lên bờ, đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Một con trắm đen mới câu đươc ở Hòa Bình nặng 41 kg đã được chuyển về Hà Nội bán với giá 45 triệu đồng.

Trên thị trường, cá trắm đen không phải là quá hiếm. Song, để tìm mua được cá trắm đen ngon, có trọng lượng lớn thì không hề dễ.

Những tín đồ của những món ăn nhanh chắc sẽ chú ý đến thông tin về lẩu băng chuyền, mỳ cay 7 cấp độ.

Sau một thời gian “làm mưa, làm gió” trên thị trường, cơn sốt mỳ cay nhiều cấp độ đang xẹp dần. Nhiều bạn trẻ đã không còn “cuồng” ăn mỳ cay như trước nữa. Do hoạt động kinh doanh giảm rõ rệt, nhiều chủ hàng đã phải đóng cửa hoặc chuyển hướng sang kinh doanh mặt hàng khác.

Cũng giống như mỳ cay 7 cấp độ, cơn sốt lẩu băng chuyền nhanh chóng hạ nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn, số lượng nhà hàng mở ngày càng tăng trong khi đó nhu cầu của khách ăn giảm rõ rệt. Các nhà hàng phải chật vật tìm cách tồn tại thông qua hình thức bán voucher trên mạng, giảm giá trực tiếp, nhưng nhiều cửa hàng vẫn không trụ được. Theo đánh giá của khách hàng, một trong những nguyên nhân dẫn tới phá sản của nhiều quán lẩu băng chuyền là chất lượng. Mức giá quá đắt trong khi đó thực phẩm không phong phú dẫn tới người ăn giảm dần.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)