Theo ông Thái, Bắc Giang đang vào đầu vụ thu hoạch vải thiều. Hiện nay đã tiêu thụ được 20.000 tấn trong tổng số 40.000 tấn vải sớm. Việc tiêu thụ vải cho tới thời điểm này tương đối ổn định vì sản lượng còn ít. Đặc biệt, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cơ bản thuận lợi do quả vải thiều được ưu tiên luồng xanh khi làm thủ tục thông quan. 

Tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động thành lập 2 tổ công tác lên Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.

Song điều tỉnh Bắc Giang lo nhất là từ ngày 10/6, vải thiều chính vụ sẽ vào đợt thu hoạch rộ với sản lượng ước khoảng 140.000 tấn. Theo đó, mỗi ngày có đến 10.000-20.000 tấn vải thiều cần được tiêu thụ.

{keywords}
Vải thiều chính vụ Bắc Giang sắp bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, tỉnh này lo lắng vấn đề tiêu thụ khi sản lượng tới 140.000 tấn. Ảnh: ĐB

“Đầu vụ, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi,nhưng khi thu hoạch rộ chúng tôi tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, xuất khẩu 30%. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ, các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để mở rộng thị trường nội địa cho trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam tạo nền tảng bền vững cho những năm tiếp theo" - ông Thái nói.

Ông cũng cho biết, Bắc Giang đang gặp khó trong vấn đề phương tiện vận chuyển, bởi nếu vận chuyển vào thị trường phía Nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại. UBND tỉnh đã mời hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.

Thứ nữa, xe vận chuyển vải của Bắc Giang gặp khó khi đi qua các chốt kiểm dịch của các tỉnh. Cụ thể, mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi, nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.

“Bắc Giang mong Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của Bắc Giang qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu", ông nói.

{keywords}
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp, phía bưu điện để kết nối tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang. Ảnh: Giang Nguyễn

Cũng theo ông Thái, chúng ta có thể học cách Trung Quốc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh. Có thể giao cho Bắc Giang cấp giấy phép “thông hành” cho các xe chở vải thiều như chứng nhận sản xuất an toàn, lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có giấy thông hành qua các trạm có thể cho luồng xanh đi riêng không phải qua kiểm dịch.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, kết nối tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang. 

"Thị trường là ở doanh nghiệp, làm sao kết nối thông tin đến những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho Bắc Giang, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nhất là trong giai đoạn thu hoach rộ sắp tới". Bộ trưởng nói và cho biết, phía Bộ sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải trong nước để không còn tình trạng ngăn sông cấm chợ, làm khó thêm quá trình vận chuyển.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, trong điều kiện dịch Covid-19, chúng ta phải đối mặt với một tình trạng phức tạp, bất định và mơ hồ, thay đổi liên tục. Do vậy, đòi hỏi địa phương, doanh nghiệp, người dân phải chủ động cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ nông sản.

Thời gian tới, sẽ hỗ trợ các HTX, trong đó thí điểm ưu tiên cho các HTX ở Bắc Giang để nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ để xây dựng các HTX mạnh, nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào, ông nhấn mạnh.

Tâm An

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Vải thiều bước vào vụ thu hoạch, tình hình cấp bách rồi, bà con đang rất nóng ruột. Đây là lúc chúng ta phải dồn tổng lực để khơi thông thị trường cho quả vải thiều.